23/11/2024 | 21:41 GMT+7, Hà Nội

“Hô biến” khu liên hợp thể thao thành dãy ki-ốt cho thuê, trục lợi hàng tỷ đồng

Cập nhật lúc: 07/10/2018, 13:01

Vốn được giao đất với mục đích xây dựng khu liên hợp thể thao xã Ninh Hiệp (huyện Gia Lâm, Hà Nội), tuy nhiên, chủ đầu tư là Công ty TNHH thương mại, dịch vụ Tân Hùng Minh đang biến tướng dự án này thành “trung tâm thương mại” với hàng loạt ki-ốt cho thuê nhằm thu lợi “khủng”. Đáng nói, việc “xẻ thịt” đất công với hàng loạt sai phạm này đã diễn ra một thời gian dài nhưng đến nay vẫn chưa bị cơ quan chức năng “sờ gáy”.

Trung tâm thương mại mang tên “Khu liên hợp thể thao”?

Xã Ninh Hiệp được biết đến là “thủ phủ” sầm uất của các mặt hàng quần áo, vải vóc với lượng khách ra vào tấp nập, dẫn đến nhu cầu về thuê mặt bằng để kinh doanh buôn bán ở đây cũng tăng cao, kéo theo đó là giá thuê cũng đắt đỏ không kém khu vực trung tâm nội thành Hà Nội.

Nắm bắt được tâm lý này và nhìn thấy “món lời” khủng, chủ đầu tư Tân Hùng Minh đã tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ phục vụ các hoạt động thể thao sang kinh doanh buôn bán.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại tầng 1 của dãy nhà mặt ngoài trung tâm thể thao hiện bị biến thành 25 ki-ốt cho thuê nằm san sát nhau để kinh doanh đủ loại mặt hàng quần áo, vải vóc. Tầng 2 và tầng 3 được cho thuê để làm kho chứa hàng hóa.

Bên trong dự án là khoảng sân đang được sử dụng làm bãi trông giữ xe ô tô. Xe con và hàng loạt xe ô tô tải nhỏ, xe 19 chỗ… mang biển số các tỉnh Thanh Hóa, Thái Bình, Hòa Bình đỗ tại đây để vận chuyển hàng. Dòng chữ “Khu liên hợp thể thao Ninh Hiệp” nằm thụt lùi một cách khiêm tốn phía sau các gian hàng quần áo.

Phía trên các gian hàng hầu hết đều có dòng quảng cáo về các dịch vụ thể thao, thậm chí có gian còn để nguyên bảng nội quy của khu thể thao. Tất cả tạo nên một bộ mặt nhếch nhác, lộn xộn, phản cảm và tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.

Khu

Khu liên hợp thể thao Ninh Hiệp bị chủ đầu tư biến tướng thành hàng chục ki-ốt cho thuê, thu lợi hàng tỷ đồng mỗi tháng. Ảnh: Thảo Liên.

Trong vai một tiểu thương đang có nhu cầu thuê ki-ốt để kinh doanh quần áo, phóng viên được chỉ dẫn đến gặp một người tên Thành, tự xưng là bảo vệ của khu vực này và là đầu mối của việc cho thuê mặt bằng tại đây. Khi phóng viên ngỏ ý muốn thuê ki-ốt để kinh doanh, người này đã không ngần ngại tiết lộ: “Giá cho thuê ở đây hơi đắt, khoảng 75 - 90 triệu đồng/ tháng, có thể thuê theo tháng hoặc hợp đồng một năm. Hiện tại, ki-ôt ở đây cho thuê kín hết rồi. Hiện còn một gian người ta đang muốn chuyển nhượng lại với giá thương lượng khoảng 75 - 80 triệu đồng, thuê từ giờ đến hết tháng 12 âm lịch, muốn thuê thì tôi dẫn đi xem”.

Khi phóng viên đặt vấn đề muốn thuê từ chính chủ với thời gian lâu hơn, người này cho biết: “Cứ thuê lại của nhà này đến hết tháng 12 xem làm ăn thế nào đã. Hết hợp đồng này có thể ký hợp đồng với chính chủ, tiền thuê đóng luôn cả năm. Yên tâm, việc này tôi đảm bảo”. Ngạc nhiên hơn, khi hỏi về việc mua luôn cả cửa hàng, người này khẳng định: “Mua luôn cũng được, khoảng 30 tỷ đồng nhưng chỉ được 50 năm thôi, nếu có nhu cầu thì tôi dẫn đến gặp thẳng chủ luôn”.

Nhẩm tính, một ki-ốt cho thuê với giá cả tỷ đồng mỗi năm, với số lượng hàng chục ki-ốt tại đây, công ty Tân Hùng Minh đang thu về một khoản lợi “khủng”. Đó là chưa kể, theo thông tin mà phóng viên nắm được, khu vực tầng 2 và tầng 3 của dãy nhà khu liên hợp thể thao cũng được cho thuê làm kho chứa với giá 4 - 5 triệu đồng/tháng. Thêm vào đó là số tiền không nhỏ từ việc trông giữ xe ô tô và phí bến bãi cho các xe vào vận chuyển hàng.

Bảng nội quy khu thể thao bị các mặt hàng quần áo bao phủ

Bảng nội quy khu thể thao bị các mặt hàng quần áo bao phủ. Ảnh Thảo Liên.

Quảng cáo các hoạt động thể thao nhưng lại bán quần áo. Ảnh: Thảo Liên.

Sử dụng đất công sai mục đích, chính quyền có “ngó lơ”?

Theo tìm hiểu của phóng viên, năm 2013, UBND TP. Hà Nội đã có Văn bản số 8395 UBND-KH&ĐT về việc chấp thuận cho Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Tân Hùng Minh (xóm 7, xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội) triển khai nghiên cứu và thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Khu dịch vụ thể dục thể thao trung tâm xã Ninh Hiệp. Theo đó, “mục tiêu đầu tư dự án là xây dựng Khu dịch vụ thể dục, thể thao trung tâm xã Ninh Hiệp tạo nên một khu vui chơi thể thao giải trí đồng bộ, lành mạnh, góp phần rèn luyện thể chất và nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân trên địa bàn, sớm hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới”.

Quy mô xây dựng dự kiến gồm: Khu dịch vụ thể thao đa năng dành cho tập luyện các môn thể hình, võ thuật, Aerobic, múa, bóng bàn; các công trình phụ trợ; 1 sân bóng đá, 2 sân quần vợt…, đáp ứng nhu cầu tập luyện thể dục thể thao cho khoảng 300 lượt người mỗi ngày.

Sau đó, ngày 29/7/2015, UBND TP. Hà Nội ra Quyết định số 3570/QĐ-UBND về việc cho Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Tân Hùng Minh (Công ty Tân Hùng Minh) thuê 17.310m2 đất tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm để thực hiện Dự án xây dựng Khu dịch vụ thể thao trung tâm xã Ninh Hiệp (Khu liên hợp thể thao).

Trong tổng số 17.310m2 đất được giao, 15.581m2 đất được chủ đầu tư sử dụng xây dựng công trình. Hình thức sử dụng đất là Nhà nước cho thuê trả tiền hàng năm. Còn 1.729m2 đất nằm trong chỉ giới đường đỏ, Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.

v

Quyết định số 3570/QĐ-UBND về việc cho Công ty Tân Hùng Minh thuê 17.310m2 đất tại xã Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm để thực hiện Dự án xây dựng Khu dịch vụ thể thao trung tâm xã Ninh Hiệp.

Có thể thấy, các văn bản nêu trên của UBND TP. Hà Nội đều ghi rõ, diện tích 17.310m2 đất giao cho Công ty Tân Hùng Minh là để thực hiện dự án nhằm phục vụ các hoạt động thể thao. Thế nhưng, khu liên hợp này lại đang bị biến tướng sang các hình thức kinh doanh khác. Diện tích đất với mục đích xây dựng khu thể thao, hoàn thành tiêu chí nông thôn mới của xã Ninh Hiệp đang bị “xẻ thịt”, hô biến thành nơi kinh doanh, buôn bán sầm uất.

Dư luận đang đặt ra câu hỏi, chính quyền ở đâu trong câu chuyện đầy bất cập này? Trong khi đó, UBND xã Ninh Hiệp có vị trí đối diện với trung tâm thể thao, nhưng mọi hoạt động xây dựng ki-ốt cho thuê đã và đang diễn ra bấy lâu nay vẫn không hề bị xử lý. Để làm rõ hơn về câu chuyện này, phóng viên đã liên hệ làm việc với UBND xã Ninh Hiệp và UBND huyện Gia Lâm, tuy nhiên, lãnh đạo hai cơ quan này đều bận họp.

Có thể khẳng định, mục đích sử dụng của công trình này là dịch vụ thể dục thể thao, do đó việc dự án này lại biến thành các ki-ốt gian hàng buôn bán, kinh doanh không chỉ là sử dụng không đúng mục đích, mà còn tước đi cơ hội dèn luyện thể chất của nhân dân địa phương, ngang nhiên vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến quy hoạch đất đai và gây thất thoát tiền của Nhà nước.

Bãi trông giữ xe ô tô (1.5 triệu đồng/xe/tháng)phía trong khu thể thao. Ảnh: Thảo Liên.

Bãi trông giữ xe ô tô (1,5 triệu đồng/xe/tháng) phía trong khu thể thao. Ảnh: Thảo Liên.

Theo Điều 64, Luật đất đai năm 2013, các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: “Sử dụng đất không đúng mục đích đã được Nhà nước giao, cho thuê…”, cơ quan Nhà nước có thể yêu cầu chủ đầu tư thực hiện đúng mục đích sử dụng đất, trong trường hợp chủ đầu tư không chấp hành có thể xem xét thu hồi đất theo quy định.

Được biết, vào tháng 4/2018, UBNDTP. Hà Nội yêu cầu UBND huyện Gia Lâm báo cáo về vụ việc liên quan đến Dự án Khu dịch vụ thể dục thể thao trung tâm xã Ninh Hiệp. Ủy ban Kiểm traTP. Hà Nội cũng làm việc với huyện Gia Lâm về các vấn đề liên quan tới vụ việc.

Nhưng tới thời điểm này, mọi hoạt động cho thuê ki-ốt và kinh doanh tại đây vẫn diễn ra bình thường, chưa có một dấu hiệu nào của việc xử lý sai phạm. Trong khi đó, càng kéo dài thời gian xử lý, doanh nghiệp lại càng có cơ hội “đút túi” số tiền khủng. Đó là chưa kể đến khả năng, doanh nghiệp đang manh nha hợp thức hóa các ki-ốt cho thuê bằng việc đề xuất bổ sung các ngành nghề kinh doanh so với đăng ký ban đầu.