18/01/2025 | 20:15 GMT+7, Hà Nội

Hiện trạng làng ô nhiễm Phong Khê

Cập nhật lúc: 26/05/2018, 07:02

Cụm làng nghề Phường Phong Khê thành phố Băc Ninh là nơi sản xuất và tái chế giấy lớn nhất miền Bắc. Trong những năm qua các sản phẩm về giấy đã mang lại nguồn thu lớn cho địa phương nhưng cũng do giấy mà người dân ở đây đang phải sống trog tình trạng ô nhiễm nặng nề

Ô nhiễm đang ở mức báo động

Với hơn 200 cơ sở sản xuất đang hoạt động, tổng sản lượng khoảng 200.000 tấn/năm, Phong Khê hiện đang là nơi cung cấp và tái chế giấy sinh hoạt lớn cho thị trường Hà Nội và miền bắc. Hàng năm các cơ sở sản xuất ở đây đóng góp vào ngân sách của địa phương từ 50-60 tỷ đồng.

Tuy nhiên tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây lại vô cùng nghiêm trọng, Rác thải công nghiệp đốt lò hơi, nước thải màu vàng đục, có dấu hiệu “chưa qua xử lý” được thải trực tiếp ra môi trường.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại địa bàn khu có các cơ sở sản xuất ống khói đen kịt xả thẳng vào bầu không khí, mùi khói khét lẹt, mùi hóa chất nồng nặc từ các cống nước thải cùng với bụi than cuốn tung mỗi khi xe cộ chạy qua khiến cho người dân nơi đây luôn phải đóng kín cửa nhà cả ngày lẫn đêm.

Giấy phế thải được chất đống ngay cạnh bờ sông

Giấy phế thải được chất đống ngay cạnh bờ sông

Mỗi năm làng nghề cung cấp cho thị trường gần 200.000 tấn giấy thành phẩm, lượng giấy sản xuất ra không dưới 500 tấn một ngày. Để cho ra được một tấn giấy thành phẩm thì cần phải sử dụng khoảng nửa tấn than.

Như vậy, lượng than, củi và các vật liệu phế thải khác được các cơ sở sản xuất giấy hàng ngày sử dụng rất lớn gây ảnh hương nghiêm trọng đến môi trường sống.

Đặc biệt, những hôm trời đổ mưa, mùi hôi từ cống rãnh, mùi khói khét lẹt đến ngạt thở. Những chất thải độc hại này đang hàng ngày tra tấn cuộc sống của hàng trăm, nghìn hộ dân ở Phong Khê cũng như ở các khu vực lân cận.

Một người dân sống quanh khu vực sông Ngũ Huyện Khê cho biết: “Về mùa khô cộng thêm nắng nóng, mùi hôi bốc lên không thể nào chịu được, nhà chị lúc nào cũng phải đóng kín cửa. Ô nhiễm càng ngày càng nặng, nước giếng khoan cũng không dùng được”

Bên trong một cơ sở sản xuất giấy

Bên trong một cơ sở sản xuất giấy

Sông Ngũ Huyện Khê chết dần do ô nhiễm

Đang chú ý tình trạng ô nhiễm đang trở nên trầm trọng hơn, trong khu vực làng nghề sản xuất và tái chế có hàng trăm cơ sở đang hoạt động nhưng vấn đề xử lý nước thải lại không hề được quan tâm nước thải cứ thế được xả ra con sông Ngũ Huyện Khê gần đó.

Đã nhiều năm qua, dòng sông bị ô nhiễm quá nặng, nước sông đen đặc và bốc mùi hôi thối nồng nặc. Những đường ống từ các cống rãnh của các cơ sở sản xuất giấy xuyên qua bờ xả thẳng ra sông mà không qua xử lý.

Nguồn nước ngầm cũng bị ô nhiễm nghiêm trọng. Nước giếng khoan bơm lên, không thể dùng làm nươc sinh hoạt, nước làm giấy cũng phải đào giếng thật sâu và lọc kĩ.

Mỗi ngày, hàng ngàn mét khối nước thải cứ thế đổ ra các cống rãnh rồi lại bơm trực tiếp ra dòng sông. Con sông vẫn cứ phải oằn mình gánh chịu những dòng nước thải độc hại đang giết dần sự sống của nó ngày này qua tháng khác.

Nước thải được xả trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê

Nước thải được xả trực tiếp ra sông Ngũ Huyện Khê

Một hộ sản xuất cho biết, “để sản xuất ra được 1 tấn giấy thành phẩm thì họ phải sử dụng 1,2 đến 1,3 tấn giấy phế liệu”. Như vậy là mỗi 1 tấn giấy thành phẩm sẽ xả ra môi trường từ 200 – 300 kg phế thải cùng với những hóa chất độc hại để tẩy trắng giấy.

Nước thải chứa hóa chất, các sơ sợi giấy mủn và màu không được xử lí thải trực tiếp ra môi trường, ngấm xuống đất và thải trực tiếp ra sông làm ô nhiễm nguồn nước là nguyên nhân dẫn đến các bệnh ngoài da, viêm họng, viêm phế quản…

Ô nhiễm môi trường đang không chỉ tác động đến các hộ trực tiếp làm nghề giấy, mà còn ảnh hưởng đến các hộ không làm nghề tại phường Phong Khê. Hệ lụy là từ trẻ nhỏ cho đến người lớn trong làng thường xuyên bị mắc các bệnh về đường hô hấp như ho, viêm phổi,...

Theo thống kê tỉ lệ các ca bệnh bị mắc ung thư và tử vong vì ung thư ở địa phương đang có chiều hướng tăng trong một vài năm trở lại đây.

Ô nhiễm ở làng nghề Phong Khê đang ở mức báo động, người dân vẫn vừa làm nghề vừa sống chung với ô nhiễm. Còn chính quyền địa phương thì không có cách nào để răn đe, khắc phục và hạn chế tình trạng này. Sự nhức nhối về ô nhiễm và hệ lụy của nó ở nơi đây chưa biết đến bao giờ mới chấm dứt.