19/01/2025 | 02:10 GMT+7, Hà Nội

Ô nhiễm không khí trong nhà đang dần trở thành “gánh nặng bệnh tật”

Cập nhật lúc: 31/01/2018, 06:23

Con số công bố bởi WHO năm 2012 cho hay, đã có tới 7 triệu người chết do ô nhiễm không khí, trong đó 4,3 triệu người chết do ô nhiễm không khí trong nhà và 3,7 triệu người chết do ô nhiễm không khí ngoài trời. Qua đó để thấy gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí trong nhà gây ra những hậu quả nguy hại hơn so với ô nhiễm không khí xung quanh.

Tại Hội thảo về Chất lượng không khí do Trung tâm Phát triển Sáng tạo Xanh (GreenID) tổ chức sáng 30/1, báo cáo sơ bộ về thực trạng chất lượng không khí đã được công bố, theo đó, gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí trong nhà hiện cao hơn gấp 2 lần so với gánh nặng bệnh tật do ô nhiễm không khí xung quanh.

Sau con số thống kê công bố năm 2012, đến năm 2013, WHO tiếp tục phát đi thông tin về việc ô nhiễm không khí trong nhà đã trở thành một trong những nhân tố hàng đầu gây nên “gánh nặng bệnh tật” ở các nước khu vực Đông Nam Á.

Có thể thấy quá trình đô thị hóa diễn ra khá nhanh đã khiến cho chất lượng không khí đô thị tại Việt Nam ngày càng giảm. Đặc biệt, những nghiên cứu gần đây đều cho thấy chất lượng không khí có xu hướng giảm, đặc biệt là Hà Nội và Hồ Chí Minh. Và hậu quả của vấn đề này chính là gánh nặng bệnh tật ngày càng gia tăng.

Có rất nhiều nguồn dẫn đến ô nhiễm không khí trong nhà, đó là từ nấm mốc, lông vật nuôi, hoạt động đun nấu, sưởi ấm bằng than, rơm rạ, đốt vàng mã, hút thuốc, hóa chất tẩy rửa hay bụi bẩn từ đồ dùng lâu ngày, ô nhiễm không khí từ bên ngoài khuếch tán vào nhà,…

 

Một nghiên cứu của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (NIOEH) tại Hà Nội cho thấy không khí trong nhà của các hộ gia đình tại mặt đường tại Hà Nội có nồng độ bụi PM10 và PM2.5 trong phòng khách lần lượt vượt quá tiêu chuẩn 2,5 lần và 3 lần.

Đối với các nhà ở khu vực ngõ, hẻm thì nồng độ bụi PM10 trong phòng khách vượt tiêu chuẩn 1,6 lần và nồng độ bụi mịn PM 2.5 vượt tiêu chuẩn 1,8 lần.

Một số chỉ số khác như vi khuẩn hiếu khí, khuẩn liên cầu tan huyết hay tổng số nấm tại các khu vực này phần lớn cũng đều không đạt tiêu chuẩn.

Theo NIOEH, ô nhiễm không khí trong nhà chủ yếu là do vi khuẩn, nấm mốc và nấm men gây ra. Chúng có thể nguy hiểm như các tế bào sống gây bệnh nhưng chúng cũng có thể tiết ra một số chất có hại cho sức khoẻ.

Những loại sản phẩm khác nhau chuyển hóa độc hại khác nhau, ví dụ như các độc tố nấm. Các nghiên cứu dịch tễ học cho thấy nồng độ cao của vi sinh vật trong không khí có thể gây dị ứng; tuy nhiên, đôi khi thậm chí nồng độ rất thấp của một số vi sinh vật đặc biệt có thể gây ra bệnh nghiêm trọng.

Nhiều chuyên gia cho rằng khoảng 30% các vấn đề sức khoẻ liên quan đến chất lượng không khí trong nhà là kết quả của phản ứng cơ thể người đối với các loại nấm mốc.

 

Ngoài ra, chất lượng không khí trong nhà giảm một phần nữa là do bụi và vi sinh vật.

Bụi có thể phát sinh từ sàn nhà và đồ dùng bẩn. Khi các hoạt động diễn ra, bụi xâm nhập vào không khí. Bụi có thể lan rộng vào trong nhà từ bên ngoài và lắng đọng trên các vật thể.

Và bụi chính là đối tượng để vi sinh vật đi kèm. Khi điều kiện môi trường thuận lợi như độ ẩm cao và nóng, vi sinh vật sẽ ngày càng nảy sinh và phát triển.

Do đó, để cải thiện chất lượng không khí trong nhà, tốt hơn là hạn chế nồng độ bụi và vi sinh vật.

Để hạn chế tối đa những tác động của ô nhiễm không khí trong nhà tới sức khỏe, nhóm nghiên cứu NIOEH đã khuyến cáo mọi người nên làm sạch nhà thường xuyên. Trong khi làm sạch đồ trong nhà, mọi người nên sử dụng vải ẩm để tránh bụi. 

Đồng thời nên mở cửa sổ thường xuyên để làm tăng ánh sáng mặt trời và chất độc hại trong nhà có thể bay ra ngoài.

Do các loại nấm mốc thường phát triển rất nhanh trong môi trường nóng và ẩm nên một biện pháp khá hữu hiệu là luôn giữ độ ẩm trong nhà dưới 60% để tránh nấm mốc phát triển.

Mọi người cũng nên trồng nhiều cây quanh nhà và sân để cải thiện không khí và hạn chế bụi phát thải không khí vào trong nhà, đặc biệt là một số loại cây có thể hấp thụ khí độc.