25/11/2024 | 08:16 GMT+7, Hà Nội

Hé lộ những dự án tai tiếng của “đại gia” Hàn Quốc Charmvit tại Việt Nam

Cập nhật lúc: 22/03/2019, 06:00

Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) được biết đến là một nhà đầu tư nước ngoài có “số má” tại Việt Nam khi triển khai nhiều dự án đình đám. Thế nhưng, những dự án của “đại gia” Hàn Quốc này cũng dính không ít tai tiếng.

Nhà đầu tư Hàn Quốc và khách hàng liên tục tranh chấp

Trên thực tế, nhiều thương hiệu và doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản và vui chơi giải trí đã để lại dấu ấn cho đô thị bản địa và đóng góp cho kinh tế địa phương. Mặc dù nhận được nhiều chính sách mời gọi ưu đãi đầu tư, thế nhưng không phải thương hiệu nào gắn mác “đại gia ngoại” khi đầu tư tại Việt Nam đều “sạch sẽ”.

Chính những tranh chấp giữa nhà đầu tư nước ngoài và các tổ chức, cá nhân trong nước đã tạo ra sự bất ổn trên thị trường bất động sản. Mới đây, vụ việc đã xảy ra đối với “đại gia” Charmvit đến từ Hàn Quốc là một minh chứng.

Được biết, Charmvit Tower là toà nhà văn phòng do Tập đoàn Charmvit làm chủ đầu tư, toạ lạc tại phố Trần Duy Hưng (TP. Hà Nội). Toà nhà này có các tầng thương mại và các toà văn phòng cho thuê được giới thiệu theo tiêu chuẩn Hạng A. Tuy nhiên, nhiều năm liên tiếp các đơn vị kinh doanh tại khu vực tầng thương mại đều bết bát và phải đóng cửa dù thay tên đổi vận nhiều lần.

Gần đây nhất vào ngày 13/3, tại đây đã xảy ra vụ việc tranh chấp giữa đơn vị quản lý tòa nhà và khách hàng. Nguyên do bởi Charmvit đã cắt điện nước và bảo vệ tòa nhà bị “tố” đánh người khi các khách hàng lên tiếng phản đối.

Ngày

Nhân viênCông tyIDJ tập trung ở sảnh tầng 1 phản đối Charmvit Hàn Quốc cắt điện nước và bảo vệ tòa nhà bị “tố” đánh người.

Theo thông tin từ Công ty Cổ phần đầu tư IDJ (gọi tắt là Công ty IDJ), năm 2010, Công ty IDJ đã bỏ ra 41 triệu USD để thuê khối đế tòa nhà trong 50 năm, để làm văn phòng và kinh doanh trung tâm thương mại.

Theo hợp đồng, Công ty IDJ thuê của Charmvit hơn 15.000 m2 tòa trung tâm thương mại Grand Plaza (gồm 5 tầng), gần 5.000 m2 tòa nhà văn phòng tại tầng 15-16 và 1.700 m2 hầm đỗ xe. Tổng cộng diện tích thuê là gần 22.000 m2.

Đại diện Công ty IDJ cho biết, với những phần diện tích chưa cho thuê lại được, IDJ đưa ra cách tính giá khác, không giống phần diện tích đã cho thuê được. Trong khi đó, chủ đầu tư là Charmvit yêu cầu phải đóng phí cùng một mức giá. Bởi vậy, Công ty IDJ không chấp thuận yêu cầu này. Theo Công ty IDJ, họ đóng tiền phí dịch vụ đầy đủ cho phần diện tích trung tâm thương mại.

Ngoài ra, Công ty IDJ cũng tố chủ đầu tư Charmvit chiếm dụng trái phép và tự ý sử dụng diện tích mà IDJ đã mua làm kho bãi, tự ý khóa cửa lối đi lại. Đồng thời, thang cuốn hỏng từ 2017 không sửa, chất lượng dịch vụ rất thấp dù thu phí với giá rất đắt (hạng A) là 6,05 USD/tháng.

Bên cạnh đó, khi Công ty IDJ tiến hành cải tạo tầng M thì Charmvit đồng ý, nhưng đơn vị này không ủy quyền cho doanh nghiệp này làm việc với các cơ quan chức năng và hoàn tất nghiệm thu PCCC, do vậy đến nay chưa hoàn thành.

Đỉnh điểm sự việc vào sáng ngày 13/3, Charmvit đã cắt điện toàn bộ 5 tầng tòa nhà chỉ sau khoảng 10 phút gửi thông báo. Vì vậy, nhân viên của Công ty IDJ xuống sảnh thang máy phản đối chủ đầu tư Charmvit và bị bảo vệ tòa nhà hành hung tại tầng 1 toà nhà. Theo thống kê, hậu quả của việc cắt điện khiến hoạt động của toà nhà ngưng trệ, các công ty thuê và 2 sàn chứng khoán bị “sập” khiến thiệt hại ước tính lên đến vài tỷ đồng/ngày.

Theo tìm hiểu của phóng viên, sau sự cố trên giữa hai bên đã có những buổi thương lượng và đối thoại nhưng vẫn chưa thống nhất được phương án thoả thuận. Trước đó, thời điểm năm 2017, giữa hai bên từng xảy ra tranh chấp lối đi ở mặt sàn tầng 1 trung tâm thương mại khiến vụ việc kéo dài.

Sân golf Phượng Hoàng 54 lỗ xây dựng sai quy định

Không phải mới đây Tập đoàn Charmvit mới dính đến bê bối tại tòa nhà Charmvit Tower, trước đó dự án sân golf Phượng Hoàng 54 lỗ (tỉnh Hòa Bình) do đơn vị này là chủ đầu tư cũng dính nhiều sai phạm.

Theo tìm hiểu, dự án sân golf Phượng Hoàng được triển khai đầu tư xây dựng từ năm 2005 và chính thức hoạt động vào năm 2009, với mức đầu tư lên tới 38 triệu USD. Trước đó vào ngày 18/8/2004, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư số 2417/GP cho Công ty Thể thao và giải trí sân golf Long Sơn (tên gọi trước của Công ty TNHH sân golf Phượng Hoàng).

Đến thời điểm năm 2017, Thanh tra Chính phủ (TTCP) đã vào cuộc thanh tra và ban hành kết luận thanh tra số 3118 KL-TTCP. Kết luận thanh tra đã chỉ ra nhiều sai phạm tại dự án trên, cùng trách nhiệm lớn thuộc về tỉnh Hòa Bình. Theo TTCP, dự án sân golf Phượng Hoàng không nằm trong quy hoạch sử dụng đất nào được phê duyệt từ năm 2001 – 2020, cũng như chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2020, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2198/QĐ - TTg ngày 3/12/2010.

Tại Quyết định số 1946/QĐ-TTg (ngày 26/11/) và Quyết định 795/QĐ-TTg (ngày 26/5/2014) của Thủ tướng Chính Phủ, sân golf Phượng Hoàng 54 lỗ tại Hòa Bình dự kiến được phát triển đến năm 2020. Trong khi đó, sân golf này được tỉnh Hòa Bình cho phép xây dựng năm 2005 và sử dụng vào năm 2008.

Theo kết luận của TTCP, vào tháng 2/2004, ông Bùi Văn Dư, thời điểm đó là Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình đã cùng Tập đoàn Charmvit ký Văn bản thỏa thuận đầu tư đầu tiên của dự án sân golf này. Đến khoảng tháng 5/2014, hai bên ký tiếp văn bản đầu với giá mức giá thuê đất “siêu rẻ” là 0,01USD/m2 đất/năm và được trả tiền thuê đất một lần, thời gian thuê đất 50 năm.

Thanh tra Chính phủ còn phát hiện việc xây dựng công trình sân golf, nhà điều hành, khách sạn 3 tầng và các công trình phụ trợ khác không có giấy phép xây dựng, không có quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt, vi phạm Luật Xây dựng 2003.

Cánh động ruộng bao la này sắp tới sẽ được xóa sạch, thay vào đó là trường đua ngựa trị giá 500 triệu đô do Tập đoàn Charmvit đầu tư. (Ảnh: Trần Tiến)

Cánh động ruộng bao la này sắp tới sẽ được xóa sạch, thay vào đó là Trường đua ngựa trị giá 500 triệu đô do Tập đoàn Charmvit đầu tư. (Ảnh: Trần Tiến)

 

Theo các chuyên gia kinh tế nhận định, dự án sân golf Phượng Hoàng 54 lỗ tại Hòa Bình đã gây thiệt hại cho nhà nước lên tới 100 tỷ…Những đường điện cáp của sân golf xây dựng trái phép còn ảnh hưởng tới việc canh tác của người dân quanh đây, khiến mọi người rất bức xúc.

Đáng chú ý hơn nữa, cơ quan Thanh tra đã nhận định, dự án đầu tư xây dựng sân golf Phượng Hoàng là dự án đầu tư nước ngoài 100%, nhưng UBND tỉnh Hòa Bình đã buông lỏng quản lý và để xảy ra nhiều sai phạm.

“Khi thu hồi đất, cho thuê đất thực hiện dự án không nằm trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của tỉnh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xét duyệt; nhiều hạng mục công trình xây dựng không phép, xác định tiền thuê đất không đúng quy định”, kết luận Thanh tra từng nêu rõ.

Mặc dù dính nhiều tai tiếng tại các dự án đã đầu tư, theo tìm hiểu của phóng viên, mới đây Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc) tiếp tục chuẩn bị đầu tư xây dựng dự án Trường đua ngựa (vốn đầu tư dự kiến 500 triệu USD) tại huyện Sóc Sơn, TP. Hà Nội.

Trước đó, sáng ngày 21/2/2019, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP. Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc đã tiếp ông Lee Daa Bong - Chủ tịch Tập đoàn Charmvit (Hàn Quốc). Ông Lee Daa Bong cho biết, đến thời điểm này các điều kiện cần thiết cho dự án Trường đua ngựa tại Việt Nam đã được Tập đoàn Charmvit chuẩn bị chu đáo, nên mong muốn Việt Nam và TP. Hà Nội tạo điều kiện tốt nhất để dự án sớm được triển khai.

Thế nhưng, sau những bê bối tại dự án sân golf Phượng Hoàng và toà nhà Charmvit Tower, nhiều người lo ngại dự án triệu đô trên sẽ đi vào “vết xe đổ” mà tập đoàn ngoại này đã dính phải. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần cân nhắc thấu đáo và nghiêm túc hơn trong việc lựa chọn nhà đầu tư có uy tín, đầy đủ năng lực trong việc triển khai đầu tư xây dựng cũng như khi dự án đi vào hoạt động.

Trần Tiến