Hậu Grab thâu tóm Uber: Taxi Việt cần tập hợp để tạo sức mạnh
Cập nhật lúc: 16/04/2018, 07:20
Cập nhật lúc: 16/04/2018, 07:20
Vậy sau khi Grab thâu tóm Uber, các doanh nghiệp Việt liệu có bị cạnh tranh hơn hay sẽ là cơ hội để các taxi công nghệ Việt chinh phục khách hàng bằng phần mềm và dịch vụ của chính mình?
Theo Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội Nguyễn Công Hùng, ngay sau khi Uber và Grab vào Việt Nam, taxi truyền thống đã tiếp thu công nghệ và tạo cho mình ứng dụng đặt xe qua mạng tương tự. Hiệp hội taxi Hà Nội đã đề xuất làm tổng đài chung cho các hãng.
Tuy nhiên, một số doanh nghiệp taxi đã có tên tuổi không ủng hộ. Vì vậy, Hiệp hội đã kiến nghị xây dựng một trung tâm điều hành đặt xe qua mạng, hiện đang đặt công ty phần mềm thiết kế.
Biểu tượng Grab và Uber. Ảnh: BBC/TTXVN |
“Đây là một sàn giao dịch dùng chung cho tất cả các hãng taxi Hà Nội, giúp tất cả mọi người khi đến Hà Nội có thể tải, truy cập phần mềm, có thể lựa chọn hãng tuỳ thuộc vào tên tuổi hay giá cả đã hiển thị sẵn”, ông Hùng chia sẻ.
Còn ông Hồ Quốc Phi, Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc cho biết, Mai Linh là 1 trong 7 hãng taxi được Bộ Giao thông Vận tải cho thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng hãng không thể cạnh tranh được với Uber, Grab; bởi thua ở năng lực tài chính.
Ông Nguyễn Xuân Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã Giao thông vận tải Toàn Cầu cho rằng, các hãng taxi trong nước thua Grab do các hãng taxi phải đầu tư rất nhiều tài sản, còn Grab thì ngược lại không phải đầu tư nhiều. Các hãng taxi truyền thống càng xoay sở, càng thất bại.
Các hãng phải bỏ số tiền lớn để xây dựng nhiều app (phần mềm), nhưng nếu không xã hội hoá, không có sự hỗ trợ của nhà nước, sẽ rất khó thay đổi và cạnh tranh sòng phẳng được với Grab.
Cũng theo ông Nguyễn Xuân Tuấn, mới đây, doanh nghiệp đã trình Bộ Giao thông Vận tải xin thí điểm mô hình mới là Liên hiệp Hợp tác xã Vận tải Điện tử.
Với mô hình này, người dân có thể tiếp cận xe bằng ứng dụng tương tự như Uber, Grab hoặc tiếp cận xe nhanh nhất bằng nhận diện đèn báo điện tử được gắn trên nóc xe. Cụ thể, sau khi ngồi trên xe, khách hàng có thể mở bất cứ một ứng dụng nào mà khách hàng nhớ được để tính giá cước cho mình, đặt một hợp đồng điện tử trên bất cứ một ứng dụng nào đó, ngay cả với ứng dụng của Grab.
Tổng giám đốc Công ty Phương Trang Nguyễn Trí Dũng, chia sẻ: “Taxi truyền thống hay Grab, dịch vụ nào cũng đều có mặt được và chưa được nên chúng ta cần phải chuyển mình để bắt kịp xu hướng của thế giới. Phương Trang đã cho ra mắt ứng dụng VATO (tên cũ là VIVU) để thành lập công ty chuyên hoạt động về công nghệ.
Phương Trang mong muốn tạo ra phần mềm gọi xe cho người Việt. Doanh nghiệp sẵn sàng chấp nhận có đấu trường để cạnh tranh phát triển. Định hướng của Phương Trang là đưa ra một ứng dụng gọi xe phục vụ khách hàng tốt nhất, tạo nên sàn thương mại điện tử với các sản phẩm dịch vụ liên quan đến vận tải (bao gồm gọi xe), đảm bảo mọi quyền lợi và chế độ cho người lao động".
Theo đánh giá của ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, việc Grab mua Uber thực sự là cơ hội cho các doanh nghiệp Việt.
Khi Grab thành công ở Đông Nam Á, giành lại thị phần của Uber, là ví dụ rất sinh động các doanh nghiệp ở Đông Nam Á; trong đó có Việt Nam có thể trưởng thành, đứng vững trên thị trường của mình. Điều này tạo cảm hứng, và niềm tin tốt đẹp cho doanh nghiệp.
“Tất nhiên, không có cơ hội nào không bao hàm thách thức. Nhưng cơ hội hiện nay rõ rệt hơn. Câu chuyện của Grab, thực sự cổ vũ cho sự sáng tạo của doanh nghiệp Việt trong việc chinh phục thị trường Việt, thậm chí có thể vươn ra các quốc gia khác”, ông Khuất Việt Hùng đánh giá.
Ông Nguyễn Xuân Thủy, Vụ phó Vụ Vận tải (Bộ Giao thông Vận tải) cho rằng, trong quá trình xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, Bộ Giao thông Vận tải đã tham khảo tình hình thực tế ở một số nước trong khu vực.
Điều nhận thấy là thị phần taxi và thị phần gọi xe không bị triệt tiêu hoàn toàn dù mỗi nước có cách quản lý khác nhau. Chẳng hạn như tại Thái Lan, taxi vẫn chiếm ưu thế, dù Chính phủ đã cấm dịch vụ gọi xe qua điện thoại nhưng Grab, Uber vẫn tồn tại. Câu trả lời ở đây nằm ở nhu cầu và thị hiếu của khách hàng.
“Trong cuộc cách mạng 4.0 hiện nay, điều mong muốn là sẽ có nhiều công ty nội địa tham gia vào cung cấp ứng dụng phần mềm gọi xe, thị trường cạnh tranh hơn, vận tải hiệu quả hơn và người dân được hưởng lợi”, ông Thủy nhận định.
Ông Nguyễn Xuân Thủy đã dẫn chứng có một số doanh nghiệp ở Đông Nam Á có thể cạnh tranh với Grab, Uber, ví dụ như Go-Jek ở Indonesia, hiện doanh nghiệp này cũng đang mong muốn tìm hiểu, tham gia thị trường Việt Nam.
Chia sẻ về thách thức của các doanh nghiệp Việt hậu Uber sáp nhập vào Grab tại thị trường Việt Nam, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch Hiệp hội taxi Hà Nội cho rằng: "Taxi truyền thống hiện vẫn đang cạnh tranh, giảm giá với Grab. Hiện 77 doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Taxi Hà Nội đều có phần mềm viết riêng cho mình. Tuy nhiên, chúng ta đang ở thế bị chia nhỏ. Bây giờ phải tập hợp lại để tạo sức mạnh”.
Về chủ trương của Hiệp hội taxi Hà Nội xây dựng một app chung cho tất cả ngành taxi, Tổng giám đốc Mai Linh miền Bắc Hồ Quốc Phi cho biết rất hoan nghênh và sẵn sàng chạy chung trên một app với các hãng khác. Tuy nhiên, trong quá trình chạy, ban đầu chắc chắn sẽ có trục trặc nhưng sau này tất cả các hãng sẽ hợp lực tạo thành sức mạnh để cạnh tranh.
Ông Trần Thành Nam, Nhà sáng lập Công ty công nghệ VATO chia sẻ, hiện nay kho ứng dụng App Store cũng có hàng trăm ứng dụng gọi taxi nhưng để đầu tư một ứng dụng gọi xe chuyên nghiệp thì cần chi phí rất lớn. VATO đã có sẵn và cung cấp miễn phí cho tất cả các hãng taxi.
Chỉ cần các hãng taxi đăng ký có thể đặt xe, quản lý doanh thu. Khách hàng có thể gọi xe chọn được từng hãng, nếu thích Mai Linh, Vinasun hoặc không thích xe bị gắn mào… đều có thể chọn.
Với góc độ là người tiêu dùng, bà Nguyễn Thị Tuyến (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Trước đây tôi “trung thành" với taxi Mai Linh, nhưng rất nhiều lần gọi xe không đến kịp, tôi bị muộn công việc. Trong khi đó, nếu gọi Grab hay Uber thì họ có xe ngay”.
“Tôi đi Uber hay Grab vì thuận tiện do phần mềm mang lại, kết nối dễ dàng, nhanh chóng, nhưng quan trọng hơn nữa là vì giá cả. Họ cũng rất linh hoạt, có chế độ giá cả cho giờ cao điểm và thấp điểm trong khi taxi hiện nay không có. Chúng tôi sẵn sàng chấp nhận trả giá cao cho giờ cao điểm và được giảm giá vào giờ thấp điểm”, bà Tuyến cho hay.
Còn bà Đặng Tuyết Nhung, một người cũng thường xuyên đi công việc bằng xe taxi cho hay: “Qua thông tin tôi cũng thấy các doanh nghiệp Việt đã xây dựng phần mềm gọi xe cho riêng mình, tôi cũng tò mò tải về. Hôm vừa rồi có việc đi họp tôi đã đặt xe qua ứng dụng gọi xe VATO nhưng thấy ứng dụng còn nhiều hạn chế, đặc biệt là xe “ảo” nhiều, cùng với đó là giá cả cũng chưa hợp lý, trong khi đó gọi Grab là có xe đến ngay”.
Ông Đào Ngọc Chiến, Phó vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ Khoa học Công nghệ cho rằng, nếu 77 hãng taxi tại Hà Nội đều sử dụng 77 app thì sẽ rất khó cho người dùng. Bởi vậy nên tập trung lại trong một ứng dụng để khách hàng dễ dàng lựa chọn.
Cũng theo ông Chiến, người dùng quan tâm tới giá cả và dịch vụ, chứ không cần trung thành với một hãng nào. Tại sao các doanh nghiệp không kết hợp với nhau. Về mặt công nghệ dù các ứng dụng có thể phức tạp nhưng không phải là thách thức quá lớn.
01:00, 06/04/2018
11:12, 29/03/2018
00:41, 28/03/2018
00:21, 27/02/2018