19/01/2025 | 21:16 GMT+7, Hà Nội

Hậu Covid-19, bất động sản du lịch Việt Nam cần nâng tầm

Cập nhật lúc: 22/03/2022, 12:30

Trong hơn 2 năm dịch bệnh, BĐS du lịch vẫn dựa vào nguồn khách nội địa để duy trì tăng trưởng. Tuy nhiên khi đã mở cửa đón khách quốc tế trở lại, BĐS du lịch cần làm mới mình để trở về “thời hoàng kim”.

Hậu Covid-19 là cơ hội vàng để bất động sản du lịch chuyển mình

Trong năm 2020 và 2021, phân khúc bất động sản du lịch được coi là trầm lắng, thậm chí gần như “ngủ đông” bởi dịch Coivd-19. Số liệu từ một số đơn vị nghiên cứu cho thấy, năm 2020, tỷ lệ lấp đầy của các khách sạn du lịch chỉ chiếm trung bình khoảng 30%; tới năm 2021, con số này giảm còn 25%.

Bên cạnh đó, du lịch quốc tế, nguồn thu chính của ngành du lịch cũng sụt giảm mạnh trong 2 năm liên tiếp. Số lượng chuyến bay trong năm 2020 giảm đến 80% so với năm 2019, con số này cũng giảm 75% trong năm 2021. Đặc biệt, việc du khách nước ngoài không thể đến Việt Nam có ảnh hưởng rất lớn đến doanh thu ngành du lịch và nền kinh tế, bởi nhóm này chi mạnh tay hơn hẳn so với du khách trong nước.

Bước sang năm 2022, bất động sản gắn với du lịch nghỉ dưỡng được ví như “hổ mọc thêm cánh” nhờ “bệ phóng” từ chủ trương mở cửa du lịch trên phạm vi toàn quốc của Chính phủ, gói phục hồi kinh tế 350.000 tỷ đồng và việc sửa đổi nhiều bộ luật như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho thị trường phát triển bền vững.

Đặc biệt, sau khi Việt Nam dỡ bỏ hạn chế về tần suất khai thác với các chuyến bay quốc tế từ sau ngày 15/2 và chính thức mở cửa du lịch toàn diện từ ngày 15/3 sẽ kích thích ngành du lịch phát triển, kéo theo sự phát triển của bất động sản du lịch. Thực tế, du lịch Việt Nam đang có những bước tiến vững chắc, là tiền đề để bất động sản du lịch khởi sắc trong giai đoạn tới.

Trong dài hạn, du lịch vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam với thiên nhiên tươi đẹp, văn hóa, lịch sử, di sản, nền ẩm thực phong phú nên bất động sản gắn với du lịch được coi là “mỏ vàng”. Dự kiến, giai đoạn 2025 - 2030, Việt Nam sẽ đón trên 50 triệu khách quốc tế và gần 200 triệu lượt khách nội địa.

Việc mở cửa hoàn toàn du lịch để đón khách nước ngoài sẽ giúp Việt Nam phục hồi bất động sản du lịch nhanh hơn.
Việc mở cửa hoàn toàn du lịch để đón khách nước ngoài sẽ giúp Việt Nam phục hồi bất động sản du lịch nhanh hơn. 

Cùng với đó, một thống kê của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cho thấy, đến năm 2020 mới có 216 dự án bất động sản du lịch nghỉ dưỡng với chưa đầy 100.000 condotel; villa, biệt thự nghỉ dưỡng chỉ gần 30.000 căn; dòng shophouse mới đạt hơn 15.600 sản phẩm... Đây là con số khiêm tốn, chưa đáp ứng yêu cầu. Giá bất động sản du lịch của Việt Nam cũng đang thấp hơn nhiều so với thế giới. Như vậy, tiềm năng cho bất động sản du lịch hậu Covid-19 còn rất lớn.

Hơn nữa, phần lớn du khách quốc tế đến Việt Nam từ các nước châu Á, trong đó khách Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan chiếm khoảng 80% tổng chi tiêu của du khách quốc tế. Việc mở cửa hoàn toàn để đón khách nước ngoài sẽ giúp Việt Nam phục hồi du lịch nhanh hơn.

Đại dịch Covid-19 cũng đã và đang tạo nên sự dịch chuyển về xu hướng du lịch, dẫn đến các sản phẩm nghỉ dưỡng an toàn và cao cấp, thiên về chăm sóc sức khỏe, chữa bệnh, du lịch sinh thái… trở nên được ưa chuộng nhiều hơn.

Một khảo sát với gần 2.000 người của Hội đồng Tư vấn Du lịch về nhu cầu du lịch hậu Covid-19 cho kết quả, 36% du khách lựa chọn điểm đến du lịch an toàn với dịch bệnh, an ninh an toàn chiếm 32%. Điểm đáng chú ý là sau giãn cách xã hội, nhu cầu du lịch biển tăng cao (67%), tiếp đến nhu cầu du lịch thiên nhiên (56%) với các khu nghỉ dưỡng trên núi và khu du lịch sinh thái. Kết quả khảo sát này có thể là một trong những gợi ý hữu ích cho các đơn vị phát triển bất động sản du lịch nhằm phục hồi ngành công nghiệp không khói hậu Covid-19.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho hay, sau khi dịch bệnh được kiểm soát trên toàn thế giới, sẽ tạo ra một lượng nhu cầu dịch chuyển khổng lồ và nhu cầu lớn đối với bất động sản du lịch. Tại Việt Nam, thị trường bất động sản du lịch sẽ hồi phục với những xu hướng mới, bắt đầu xuất hiện nhiều tổ hợp du lịch quy mô, chức năng đa dạng, thay cho những dự án nhỏ lẻ, đơn độc.

“Dòng khách du lịch vừa qua sẽ tạo đà cho thị trường địa ốc phát triển. Những nơi được đầu tư du lịch bài bản, chuyên nghiệp, an toàn và đẳng cấp sẽ trở thành thỏi nam châm hút khách”, ông Đính nhận định.

Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam

Tại hội thảo về mở cửa du lịch mới đây, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam cũng đưa giải pháp: “Sản phẩm du lịch sau Covid-19 sẽ phải rất khác biệt so với sản phẩm trước Covid-19. Du lịch phải phát triển dựa trên nhu cầu thực sự của người dân, phải phát triển các sản phẩm mới, phù hợp hơn như du lịch liên quan đến sức khỏe, du lịch liên quan đến thể thao… Quan trọng là sản phẩm du lịch phải đảm bảo các yếu tố về môi trường”.

Các chuyên gia cũng cho rằng, hậu Covid-19 với sự thay đổi về sản phẩm du lịch, bất động sản du lịch cũng cần chuyển mình tập trung vào những mô hình và cấu trúc mới để trở thành điểm đến an toàn, đẳng cấp, sẵn sàng đón lượng khách quốc tế trở lại.

Bất động sản du lịch Việt Nam cần nâng tầm để bật dậy mạnh mẽ

Việt Nam sở hữu đường bờ biển dài hơn 3.260km với nhiều bãi biển đẹp, trong đó có không ít nơi còn giữ được vẻ nguyên sơ, chưa bị ô nhiễm. Môi trường miền biển trong lành, gần gũi với thiên nhiên, rất thuận lợi cho việc xây dựng những khu resort, biệt thự nghỉ dưỡng ven biển. Bên cạnh đó, nhiều địa phương ở Việt Nam có địa hình đồi núi, rất phù hợp với phát triển khu tham quan, nghỉ mát hoặc thuận lợi cho phát triển biệt thự nghỉ dưỡng sinh thái… Với lợi thế này, nương theo làn sóng mở cửa du lịch, bất động sản du lịch tại nhiều địa phương sẽ có tiềm năng và cơ hội để bật dậy mạnh mẽ.

Tuy nhiên trên thực tế, bất động sản du lịch tại nhiều địa phương phát triển còn mang tính tự phát, thiếu cân đối giữa các vùng, miền, gây lãng phí tài nguyên đất đai, nguồn lực và không thể thu hút được khách quốc tế. Một báo cáo của Bộ Xây dựng đã từng chỉ ra rằng, có quá nhiều dự án bất động sản du lịch tập trung ở Đà Nẵng, Bình Thuận, Nha Trang, trong khi những nơi hội tụ đủ các yếu tố để phát triển bất động sản du lịch khác thì hầu như bị bỏ ngỏ, chưa được đầu tư đúng mức và phát triển tương xứng với tiềm năng.

TS. Phan Hữu Thắng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam cũng chia sẻ trong một hội thảo du lịch rằng, khả năng thu hút của dự án đầu tư và tiềm năng du lịch nội địa chưa được đánh giá đúng. Chưa có sự gắn kết giữa các dự án đầu tư bất động sản du lịch với chương trình quốc gia về xúc tiến du lịch và thực trạng du lịch Việt Nam. Khi thiếu quy hoạch tổng thể cho một vùng miền sẽ khó tạo được một sản phẩm nghỉ dưỡng hoàn chỉnh - yếu tố đảm bảo cho sự phát triển bền vững của bất động sản du lịch vùng miền đó.

Theo đó, TS. Phan Hữu Thắng cho rằng ngoài những giải pháp ổn định và phát triển thị trường bất động sản nói chung, cần sớm có quy hoạch chung về phát triển bất động sản du lịch, bao gồm tất cả các tiểu phân khúc của lĩnh vực này như các khu nghỉ dưỡng, khách sạn, các khu vui chơi, giải trí, các điểm dịch vụ chuyển tiếp du lịch… Các địa phương cần nhanh chóng phát triển đồng bộ các công trình hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho những dự án bất động sản du lịch phát triển.

Từ bài học kinh nghiệm ở các thị trường đã phát triển nóng, những thị trường mới nổi đi sau sẽ cần một chiến lược về quy hoạch kết nối, với các dự án được đầu tư bài bản bởi chủ đầu tư uy tín để nắm bắt cơ hội vàng phát triển bất động sản du lịch. 

Minh chứng rõ nhất là trong khi các thị trường nghỉ dưỡng truyền thống như Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc… với nguồn cung sản phẩm bất động sản dồi dào từ nhiều năm nay, mức giá bán cũng đã tăng khá mạnh dẫn đến thị trường cần thời gian để hấp thụ các dự án đã được đưa ra thị trường. Trong khi đó, những thị trường du lịch mới nổi như Quy Nhơn (Bình Định) vẫn còn khan hiếm các cơ sở lưu trú chất lượng cao.

Quy Nhơn được xem là một trong những thành phố biển đẹp nhất Việt Nam với hơn 72km đường ven biển đi ngang các địa danh du lịch hấp dẫn, với vẻ đẹp hoang sơ, trong lành như Eo Gió, Kỳ Co, Cù Lao Xanh, Bãi Trứng, Hòn Khô, Ghềnh Ráng.

Với sự đầu tư bài bản về hạ tầng và dịch vụ du lịch, bán đảo Hải Giang - Quy Nhơn đang nhanh chóng chuyển mình để sớm trở thành một bán đảo nhộn nhịp
Với sự đầu tư bài bản về hạ tầng và dịch vụ du lịch, bán đảo Hải Giang - Quy Nhơn đang nhanh chóng chuyển mình để sớm trở thành một bán đảo nhộn nhịp 

Trước thời điểm dịch bệnh xảy ra, du lịch Bình Định đang có sự phát triển mạnh. Theo thống kê của Sở Du lịch, năm 2019, du lịch Bình Định đón 4,829 triệu lượt khách, tăng 18% so với năm 2018, tổng doanh thu ước đạt 6.000 tỷ đồng.

Năm 2020, dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, du lịch nội địa Bình Định vẫn đạt 2,2 triệu lượt khách. Năm 2021, tỉnh đón 1,4 triệu lượt khách. Bước sang năm 2022, chỉ tính riêng trong dịp Tết Nhâm Dần vừa qua, Bình Định đã đón hơn 155 nghìn lượt khách, tăng 40% so với dịp Tết Tân Sửu 2021; tổng doanh thu du lịch ước đạt hơn 117 tỷ đồng, tăng 35% so với cùng kỳ năm trước.

Trong chiến lược phát triển, Quy Nhơn định hướng phát huy tiềm năng biển đảo sẵn có, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn và mỗi danh thắng đều trở thành điểm đến hấp dẫn.

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn tại Quy Nhơn (Ảnh sưu tầm)

Cục Thống kê Bình Định cho biết, tỉnh tập trung đầu tư các ngành du lịch và dịch vụ biển; phát triển hạ tầng du lịch, tập trung các khu nghỉ dưỡng ven biển dọc tuyến Quy Nhơn - Nhơn Hội - Cát Tiến thuộc bán đảo Phương Mai - Núi Bà trên địa bàn thành phố…

Trong đó, bán đảo Hải Giang là một điểm đến mới bước vào giai đoạn đầu tiên của quá trình đầu tư. Giống như những bán đảo đã trở thành điểm đến toàn cầu, Hải Giang sở hữu địa thế hiếm gặp cùng khung cảnh tuyệt sắc. Đây là nền tảng lý tưởng cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng - thương mại đẳng cấp quốc tế.

Hải Giang được bao bọc bởi 3 ngọn núi kỳ vỹ (núi Chóp Vung, núi San Hô, núi Phương Mai) và ôm ấp 2 vịnh biển đẹp tới nao lòng là vịnh Quy Nhơn cùng vịnh Mai Hương, tạo ra một tuyệt tác thiên nhiên độc nhất vô nhị. Địa thế độc đáo này đã đem tới cho Hải Giang bầu không khí trong lành và vùng biển sạch hiếm nơi nào có được. 

Theo nhiều chuyên gia du lịch, với tiềm năng về vị trí, cảnh quan thiên nhiên và môi trường độc đáo như vậy, chỉ cần có sự đầu tư bài bản về hạ tầng và dịch vụ du lịch xứng tầm, Hải Giang hoàn toàn có thể bứt phá vươn lên thành điểm đến mới của du lịch châu Á nói riêng, toàn cầu nói chung.

Hiện thực hóa khát vọng đưa du lịch Bình Định cất cánh, Tập đoàn Hưng Thịnh đang kiến tạo Merry Land Hải Giang - một thành phố bán đảo du lịch thương mại thông minh đẳng cấp quốc tế với quy mô lớn lên tới 1.045ha tại Hải Giang. Đây sẽ là động lực tạo ra bước đột phá, giúp du lịch Quy Nhơn vươn tầm ra thế giới. 

Khi hoàn thiện, Quy Nhơn - “thủ phủ du lịch” của Bình Định, Thành phố du lịch sạch nhất Đông Nam Á (năm 2020) sẽ có một công trình biểu tượng, một lực hấp dẫn du lịch đủ lớn. Và khi đó, viễn cảnh một Hải Giang - Quy Nhơn nhộn nhịp, vui tươi sống động như nhiều bán đảo nổi tiếng thế giới sẽ không còn là giấc mơ./.

Nguồn: https://reatimes.vn/hau-covid-19-bat-dong-san-du-lich-viet-nam-can-nang-tam-20201224000010422.html