Hàng Việt trước nguy cơ bị “đội lốt”
Cập nhật lúc: 16/08/2019, 07:00
Cập nhật lúc: 16/08/2019, 07:00
Vậy đâu là hướng đi cho doanh nghiệp Việt trước thách thức này?
Thách thức cho kinh tế
Trước đây, công tác nhập khẩu hàng Trung Quốc thường được thông quan trước, hậu kiểm sau. Trong bối cảnh hiện nay, cần thay đổi cách quản lý, trong đó, việc xem xuất xứ chứng từ hóa đơn mới là quan trọng chứ không phải dựa trên những nhãn mác. Thực tế hàng lậu, hàng nhái tràn lan vì công tác kiểm soát hàng hóa tại một số cửa khẩu hải quan có vấn đề. Gần đây các cơ quan Hải quan đã phát hiện một số công ty Trung Quốc, bao gồm các ngành như dệt may, hải sản, nông sản, gạch men, thép, nhôm và gỗ… đã xuất khẩu hàng sang Việt Nam, xin chứng nhận xuất xứ tại Việt Nam một cách bất hợp pháp, sau đó đổi nhãn mác trên bao bì sản phẩm để xuất sang Mỹ, châu Âu và Nhật Bản.
Cũng theo đơn vị này, có tới hàng chục sự cố hàng hóa có nhãn mác giả như vậy xuất khẩu sang châu Âu, Mỹ và Nhật Bản. Hiện, phía Hải quan Việt Nam đang tiến hành xác định rõ xuất xứ hàng hóa và sẽ có biện pháp trừng phạt các công ty bất hợp pháp đó. Như vậy, nếu chúng ta để hàng hóa Trung Quốc tràn vào thị trường sẽ tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt trong chính thị trường của mình, gây ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất trong nước. Điều này còn ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.
Đáng lo ngại các sản phẩm của Trung Quốc có thể tìm đường sang Mỹ thông qua Việt Nam để tránh thuế quan cao. Lo ngại này đang tăng cao khi dòng đầu tư nước ngoài vào Việt Nam gia tăng, nhất là từ Trung Quốc. Bộ Công Thương cũng cho biết, một số nguy cơ cao về gian lận xuất xứ hàng hóa đang tăng mạnh khi năm 2018 chỉ có 13/37 mặt hàng xuất khẩu thì 6 tháng đầu năm 2019 đã tăng lên 15 mặt hàng. Trong số đó, có những mặt hàng tăng trưởng xuất khẩu lớn sang thị trường Hoa Kỳ như xơ sợi dệt tăng 92,87%, sắt thép tăng hơn 81%, thức ăn gia súc và nguyên liệu tăng 51%, điện thoại và linh kiện tăng 13%, điện dây cáp điện hơn 100%, máy quay phim và thiết bị điện tử 83%, nguyên phụ liệu dệt may da giày tăng hơn 50%…
Chủ động nâng cao chất lượng
Trên thực tế, tình trạng đồng Nhân dân tệ đang bị phá giá sẽ làm tăng cơ hội xuất khẩu của nước này, trong khi đó hàng Việt Nam đang có thương hiệu trên thị trường khu vực và thế giới. Nếu để bị hàng Trung Quốc lợi dụng gắn nhãn Made in Vietnam, thương hiệu Việt Nam sẽ bị mất uy tín và ảnh hưởng nghiêm trọng. Theo chuyên gia, điều tốt nhất lúc này là cần tiếp tục giảm bớt những thủ tục hành chính, những chi phí không cần thiết để DN Việt có thể cạnh tranh tốt hơn không chỉ đối với DN Trung Quốc mà cả những DN các khu vực khác. Đặc biệt, cần kiểm soát tốt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là đường tiểu ngạch.
Việc cần sớm có biện pháp quản lý, trong đó có hành lang pháp lý, quy định chặt chẽ là yêu cầu đặt ra để không làm tổn hại đến hàng xuất khẩu Việt Nam trước nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại đang gia tăng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải chủ động nâng cao chất lượng, thương hiệu và uy tín của hàng Việt Nam để cạnh tranh với hàng Trung Quốc tốt hơn thông qua tăng năng suất, cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm. Gần đây hàng Việt đã được đánh giá là cải thiện nhiều về chất lượng, mẫu mã, nâng cao được thương hiệu và uy tín trên chính sân nhà.
Đồng thời, cơ quan chức năng cũng cần phải tăng cường hơn nữa các biện pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, đặc biệt là gian lận xuất xứ hàng hóa từ Trung Quốc vào Việt Nam. Bởi nếu không quyết liệt và có giải pháp ngăn chặn hiệu quả, sẽ có nhiều nguy cơ đặt ra với hàng Việt Nam khi cạnh tranh không lành mạnh và tổn hại tới người tiêu dùng.
Nguồn: https://congluan.vn/hang-viet-truoc-nguy-co-bi-doi-lot-post66554.html
07:00, 04/08/2019
09:20, 12/07/2019
14:14, 09/07/2019