19/01/2025 | 15:22 GMT+7, Hà Nội

Hàng trăm giáo viên tại Nghệ An nguy cơ "ra đường" khi sáp nhập TTGDTX vào trường Trung cấp nghề

Cập nhật lúc: 20/11/2018, 11:10

Việc sáp nhập Trung tâm GDTX vào Trường trung cấp Nghề tại Nghệ An nảy sinh không ít bất cập khiến hàng trăm lao động băn khoăn, lo lắng.

Nhiều vấn đề vướng mắc

Theo thông tư liên tịch số 39/2015/TTLT – BLĐTBXH – BGDĐT – BNV kí ngày 19/10 hướng dẫn thực hiện việc sáp nhập các Trung tâm GDTX cấp huyện, Trung tâm KTTH-HN và Trung tâm dạy nghề thành Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – GDTX hoặc đổi tên.

Để thực hiện thông tư này, 12 trung tâm tại địa phương ở Nghệ An đã tiến hành sáp nhập thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên do huyện quản lý.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc sáp nhập đã nảy sinh vướng mắc tại 7 đơn vị còn lại là TP.Vinh, thị xã Thái Hòa, huyện Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Yên Thành, Đô Lương và Con Cuông. Nguyên nhân do các đơn vị này, vừa có một Trung tâm giáo dục thường xuyên và một Trường trung cấp nghề, trong khi đó thông tư số 39 nêu trên không quy định việc sáp nhập 2 đơn vị này lại với nhau.

Mặc dù có vướng mắc về thủ tục pháp lý, tuy nhiên ở Nghệ An Sở nội Vụ vẫn đang cố gắng thực hiện và tham mưu cho UBND tỉnh sáp nhập 2 đơn vị trên.

Bà Đặng Thị Tú Linh – Giám đốc Trung tâm GDTX TP.Vinh - cho biết: “Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với chủ trương sáp nhập, để tinh gọn và tinh giảm biên chế. Tuy nhiên, việc sáp nhập trung tâm GDTX với trường trung cấp là chưa phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25/10/2017 về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập. Trong đó nêu rõ "Sáp nhập trường trung cấp vào trường cao đẳng; giải thể các trường trung cấp, cao đẳng hoạt động không hiệu quả. Về cơ bản, trên địa bàn cấp tỉnh chỉ còn một đầu mối đào tạo nghề công lập. Sáp nhập trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục hướng nghiệp, trung tâm dạy nghề thành một cơ sở giáo dục dạy nghề trên địa bàn cấp huyện". Như vậy, các văn bản trên không bắt buộc hoặc quy định phải nhập Trung tâm GDTX với Trường trung cấp nghề".

q1

Học sinh ở Trung tâm GDTX TP.Vinh trong một buổi học

Trước đó, vào ngày 18/01/2017, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo đã có Công văn số 162/BGDĐT-GDTX về việc thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp với Hội khuyến học Việt Nam gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh đã nêu rõ: “Rà soát, đánh giá lại việc sáp nhập các Trung tâm công lập cấp huyện để giúp Trung tâm này ổn định, hoạt động hiệu quả; không sáp nhập Trung tâm giáo dục thường xuyên với trường Trung cấp trên địa bàn”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đạo tạo Nghệ An cũng đã gửi công văn số 2274/SGD&ĐT ngày 02/11/2017 đến UBND tỉnh Nghệ An. Công văn nêu rõ: "Theo quy định hiện hành, các trung tâm GDTX là cơ sở GDTX, còn trường Trung cấp chuyên nghiệp, Trung cấp nghề là cơ sở giáo dục chính quy, do đó việc sáp nhập hai đơn vị này lại với nhau sẽ phá vỡ quy hoạch mạng lưới cơ sở GDTX, ảnh hưởng đến chủ trương xây dựng xã hội học tập theo chỉ đạo của Chính phủ".

Hàng trăm giáo viên, nhân viên có thể bị mất việc

Trao đổi vấn đề trên, ông Ngô Xuân Vinh - Phó Phòng Tổ chức biên chế Sở Nội vụ Nghệ An - cho biết: “Hiện nay 7 trường trung cấp chuẩn bị sáp nhập có 145 biên chế, 132 hợp đồng các loại; TTGDTX là 60, có 66 hợp đồng các loại. Nếu sáp nhập, công việc và quyền lợi của các cán bộ, lao động biên chế vẫn được bảo đảm, nhưng công việc và quyền lợi của 198 giáo viên, nhân viên hợp đồng có thể không được đảm bảo”.

Được biết, trong các văn bản gần đây, Sở Nội vụ Nghệ An vẫn tham mưu theo hướng sáp nhập 7 TTGDTX và trường trung cấp nghề, thành lập “Trường trung cấp giáo dục nghề nghiệp-GDTX” trực thuộc Sở LĐTBXH, các chức năng, nhiệm vụ của TTGDTX không bị ảnh hưởng. Sau đó, nếu trường nào hoạt động không hiệu quả, tiếp tục giải thể, sáp nhập vào trường cao đẳng.

Trước băn khoăn về phương diện pháp lý, ông Ngô Xuân Vinh khẳng định, đã có quy định mớitheo Khoản 3, điều 6, Nghị định 172/2018. Tuy nhiên, nội dung văn bản nói trên nêu: “Sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương…”, không có quy định sáp nhập cơ sở Trung tâm GDTX vào trường trung cấp nghề.

Trong khi đó,nhiều giáo viên ở các trung tâm cũng đưa ra ý kiến, UBND tỉnh Nghệ An nên rà soát lại các trường trung cấp trên địa bàn, trường nào hoạt động không hiệu quả thì giải thể hoặc sáp nhập vào các trường cao đẳng nghề, nếu hoạt động hiệu quả thì giữ nguyên, không sáp nhập trung tâm GDTX với trường trung cấp nghề".