22/11/2024 | 19:31 GMT+7, Hà Nội

Cuộc "khủng hoảng truyền thông" từ cái... sân trường (1): Bị “ra đòn” tối mắt tối mũi

Cập nhật lúc: 19/11/2018, 21:29

Câu chuyện bắt đầu từ việc một em học sinh lớp 10 trong niên khóa 2017 - 2018 nghỉ học không lý do đến 63 buổi không được nhà trường xét duyệt được lên lớp 11, mặc dù em đạt kết quả học tập cuối năm loại khá. Đây là quy định từ trên Bộ chứ nhà trường, thậm chí là cả Sở GD&ĐT thành phố cũng không có quyền.

Không đành lòng để con mình lưu ban một năm, gia đình xin nhà trường giúp đỡ, “làm sạch” hồ sơ để cho con chuyển trường khác và được lên lớp. Trong những người thay mặt gia đình đến gặp gỡ nhà trường về việc này có phóng viên một tờ báo ở Trung ương. Thế nhưng, một mặt, nhà trường không thể và không có ý định hy sinh những giá trị truyền thống của mình để làm một việc khuất tất, mặt khác, hệ thống quản lý điện tử từ trên xuống dưới của ngành giáo dục đã không cho phép làm điều đó. Vì vậy, lời “đề nghị giúp đỡ” kia đã không đạt kết quả.

Và bài báo đầu tiên ra đời vào ngày 8/2/2018 với tựa đề “Trường THPT Nhân Chính (Hà Nội): Sân trường thành bãi gửi xe, môi trường giáo dục trở thành nơi sinh lời?” trên tờ báo mà người phóng viên nọ đang công tác.

Điều đáng lưu ý là cách đấy một năm, ngày 27/2/2017, tờ báo điện tử Infonet cho biết, “sau khi đăng bài có tên: “Trường THPT Nhân Chính: Sân trường thành bãi đỗ xe, ô tô ra vào tự do”, theo thông tin mà chúng tôi có được, hiện nhà trường đã chấm dứt tình trạng cho gửi xe qua đêm và ra vào tự do trong giờ học. Hiện tại chỉ còn khoảng 10 xe của CB, CNV và giáo viên”.

Một vụ việc đã được nhà trường khắc phục cách đấy một năm, nay được nhắc lại trên công luận với một câu hỏi rất thiếu thiện ý và có phần xúc phạm nghề nhà giáo nơi đây. Đó là chưa kể đến một đoạn trong bài báo phán xét lãnh đạo một tổ chức giáo dục nghe đến rợn người, rằng “Theo tìm hiểu của PV, thời hiệu trưởng trước đây luôn được thực hiện nghiêm túc, tuy nhiên sau khi ông Nguyễn Văn Túc nhận chức Hiệu trưởng nhà trường đã bộc lộ một số yếu kém trong quản lý và điều hành. Việc sân Trường THPT Nhân Chính biến thành bãi gửi xe đã được một số cơ quan báo chí phản ánh, thế nhưng đến nay hiện tượng này vẫn tiếp diễn. Có hay không việc coi thường cơ quan ngôn luận của người đứng đầu đơn vị này?”.

Ảnh minh họa. Nguồn Báo mới

Ảnh minh họa. NguồnInternet.

Đấy, chỉ vì quan sát thấy trên sân có khoảng chục chiếc ô tô, không nắm rõ là của ai, quy định sử dụng sân và di chuyển như thế nào mà đã đánh giá “vĩ mô” như thế, quả thật khó thuyết phục người đọc.

Tiếp đến bài thứ 2 cũng trên tờ báo nọ ra ngày 5/7/2018 có tựa đề “Hiệu trưởng trường THPT Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội: Bị tố có dấu hiệu vi phạm pháp luật, học sinh phải chuyển trường vì bị “trù úm”? và bài thứ 3 ra ngày 17/8/2018 với tựa đề “Trường THPT Nhân Chính, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội: Sức ép từ giáo viên khiến học sinh bị trầm cảm, Hiệu trưởng bị tố vì có dấu hiệu vi phạm pháp luật”.

Nội dung bài báo tựa vào đơn thư của gia đình em học sinh không được lên lớp kia (rất tiếc là trên bài báo có đăng ảnh đơn kiến nghị này nhưng không thấy đề ngày tháng và không có chữ ký của đương sự). Xin nêu đầy đủ tựa đề bài báo để nếu bạn đọc quan tâm có thể tra trên mạng internet sẽ có thông tin đầy đủ hơn.

Rồi tiếp nữa, bài thứ 4, thứ 5, thứ 6, thứ 7 gần đây của tờ báo này về trường THPT Nhân Chính vẫn cái cách tiếp cận “đao to búa lớn” như vậy, thiếu thiện chí như vậy khiến người đọc như tôi không khỏi tức ngực và đầy lo âu cho các thầy cô ở đây.

Biết tôi là người làm nghề báo lâu năm, một phụ huynh của trường không khỏi lo lắng và nhờ tôi đến tiếp cận với toàn bộ hồ sơ vụ việc xem phải trái ra sao, bởi theo họ, với những bài báo như thế, đây thực sự là một cuộc “khủng bố tinh thần” không chỉ đối với các CB, NV, giáo viên nhà trường, đến các học sinh còn non trẻ mà còn cả các phụ huynh. Nếu tiếp tục như vậy, hậu quả sẽ không thể đo đếm được.

Ngay từ lúc chỉ nghe lời kể “tai nghe mắt thấy” của người phụ huynh kia, rồi đọc cả 7 bài báo, tôi có nhận xét ngay rằng, riêng việc người viết những bài thiếu thiện ý này lại chính là người đàm phán thất bại khi muốn “làm sạch” hồ sơ cho em học sinh nọ, rồi lại tựa vào đơn tố cáo của chính phụ huynh học sinh ấy để làm tư liệu chủ lực cho các bài viết thì đã báo hiệu một điềm không lành rồi.

Mời quý độc giả đón xem Kỳ II: Gặp gỡ những người trong cuộc trên Reatimes.vn