19/01/2025 | 15:22 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Tiết lộ không gian “đặc biệt” khi đục thông 6 vòm cầu Phùng Hưng

Cập nhật lúc: 15/11/2018, 10:16

Tháng 12 tới, Hà Nội sẽ thí điểm đục thông 6 vòm cầu cạn Phùng Hưng để xây dựng không gian văn hóa. Dự án này được xem là bước đệm trong kế hoạch biến 131 vòm cầu cạn thành không gian văn hóa, điểm nhấn cho Hà Nội. Nhiều kỳ vọng của người dân, du khách về một điểm đến hấp dẫn đang được đặt vào chính sách này.

  Tháng 12 tới, Hà Nội sẽ thí điểm đục thông 6 vòm cầu cạn Phùng Hưng. Ảnh: Mộc Trà

Tháng 12 tới, Hà Nội sẽ thí điểm đục thông 6 vòm cầu cạn Phùng Hưng. Ảnh: Mộc Trà

Kết cấu khác biệt của 6 vòm cầu sắp được đục thông

Việc chuyển 131 vòm cầu Phùng Hưng nằm trong đề án được UBND quận Hoàn Kiếm xây dựng và được UBND TP Hà Nội đồng ý về chủ trương. Theo đó, toàn bộ khu vực các vòm cầu cạn sau khi được đập thông sẽ trở thành không gian văn hóa, ẩm thực, nghệ thuật, khởi nghiệp và tạo điểm nhấn cho Hà Nội. Trước đó, vào dịp Tết cổ truyền 2018 vừa qua, 17 vòm cầu trên phố Phùng Hưng đã được trang trí bằng những bức bích họa về nhịp sống của Hà Nội xưa cũ và cũng tạo nên một không gian văn hóa gây ấn tượng đối với nhiều người.

Tháng 12 tới, Ban quản lý phố cổ Hà Nội sẽ phối hợp với nhiều đơn vị thí điểm đập thông 6 vòm cầu từ đoạn Hàng Giấy nối với Hàng Cót. Những vòm cầu còn lại sẽ được tiến hành đập thông trong những giai đoạn tiếp theo. Việc đục thông các vòm cầu được các đơn vị nghiên cứu tỉ mỉ, xin tư vấn của các đơn vị chuyên môn cũng như các chuyên gia của nước ngoài. Đặc biệt, để tránh ảnh hưởng đến tuyến đường sắt phía trên, Ban quản lý phố cổ Hà Nội gửi hồ sơ xin cấp phép lên Cục Đường sắt (Bộ GTVT).

Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, ông Ðặng Ðình Bằng - Phó Trưởng ban thường trực Ban quản lý phố cổ Hà Nội cho biết: “Thực chất việc đập thông các vòm cầu là trả lại nguyên hiện trạng của cầu mà trước đây chúng ta đã bịt kín lại từ những năm 1980. Qua nghiên cứu, trong tháng 12 tới sẽ thực hiện đập thông thí điểm 6 vòm cầu rồi mới tiến hành đập thông tất cả, biến con phố này thành không gian văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực và khởi nghiệp. Các vòm cầu khi bịt kín đều có kết cấu khác nhau, có vòm chỉ bịt 2 đầu bằng đá hộc bên trong rỗng, có vòm đổ cát rồi bịt lại nhưng có vòm lại đổ cột đá bên trong. 6 vòm này được xem là đại diện cho 6 kiểu vòm để khi đục thông có sự đánh giá, nghiên cứu tiếp cho số vòm cầu còn lại”. Cũng theo ông Bằng, thời gian triển khai thí điểm đập thông 6 vòm cầu sẽ là 3 tháng.

Sẽ giải tỏa những công trình lấn chiếm

Theo khảo sát của PV Báo Gia đình & Xã hội, tại khu vực các vòm cầu cạn khu vực phố Gầm Cầu đang khá nhếch nhác. Các hàng quán bán đồ gia dụng, thực phẩm, đồ ăn, đồ may mặc nằm sát các vòm cầu. Thực trạng nhếc nhác này đã xảy ra nhiều năm nay nên khi triển khai ít nhiều sẽ ảnh hưởng đến việc kinh doanh, buôn bán và sinh hoạt của người dân.

Ông Nguyễn Long (60 tuổi, ở gần khu vực này) cho biết: “Nếu đề án thành công sẽ tạo nên một không gian để người dân đến vui chơi, mua sắm, chụp ảnh. Theo cá nhân tôi đây là một trong những bước đi rất tốt của TP. Hà Nội nhằm mang lại điểm nhấn cho Thủ đô”.

Đồng quan điểm với ông Long, anh Nguyễn Thanh Hải (sinh viên một trường đại học tại Hà Nội) vui mừng cho rằng: “Nghe thông tin đề án sẽ biến khu vực này thành không gian văn hóa ấn tượng, tôi và nhiều bạn trẻ hi vọng sẽ sớm được trải nghiệm vào các dịp cuối tuần tương tự như không gian đi bộ hay các tuyến phố quanh Hồ Gươm”.

Song hành cùng các ý kiến đồng thuận, nhiều người đang kinh doanh, buôn bán sát với khu vực những vòm cầu lại cho rằng sẽ ảnh hưởng đến việc mưu sinh. Nhưng với chủ trương mong muốn làm cho Hà Nội thêm đẹp, thêm ấn tượng với du khách trong và ngoài nước thì nhiều người dân cho rằng sẽ khắc phục khó khăn trước mắt để được hưởng lợi lâu dài. Động thái này của người dân sẽ giúp UBND quận Hoàn Kiếm dễ bề xử lý đối với những trường hợp được xác định trong diện lấn chiếm.

Ông Đặng Đình Bằng nói: “Chắc chắn các cơ quan chức năng quận Hoàn Kiếm phải tiến hành giải tỏa những cá nhân đang lấn chiếm tại khu vực. Hiện nay, có một số công trình đang bám vào khu vực mặt vòm cầu, những vị trí đó nằm trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt. Theo quy định, đương nhiên sẽ phải tính đến chuyện giải tỏa, đơn cử như các hộ dân ngày xưa lấn chiếm, những điểm bán hàng, trạm biến áp quá sát cũng phải di dời…”.

Theo ông Đặng Định Bằng, dự thảo đề án chia ra nhiều giai đoạn. Vừa qua, tại 17 vòm cầu đã vẽ tranh bích họa và hiện đã đem lại hiệu quả nhất định. Vì vậy, qua nghiên cứu, Ban quản lý phố cổ Hà Nội mong muốn có sự gắn kết với khu vực phố đi bộ cũng như gắn kết với các tuyến phố đi bộ quanh Hồ Hoàn Kiếm. Nghiên cứu cũng đưa ra một số khu chức năng như: Khu vực thủ công mỹ nghệ làng nghề, khu vực nghệ thuật công cộng, khu vực văn hóa ẩm thực, khu vực thương mại, khu vực phục vụ khởi nghiệp. 6 vòm cầu nằm trong khu vực chủ yếu phục vụ ẩm thực, tuy nhiên khi triển khai thì chưa chắc 6 vòm tất cả đều phục vụ cho không gian ẩm thực, nhưng để khai thác sử dụng cụ thể cho 6 vòm này còn phải nghiên cứu.

Theo UBND TP Hà Nội, mục tiêu của việc đục thông vòm cầu cạn nhằm phát huy giá trị di sản đô thị, khai thác không gian trống khu vực nội đô lịch sử theo đúng mục tiêu quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đã phê duyệt. Dự án của thành phố còn nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản đô thị của một số vòm đá dưới cầu dẫn lên cầu Long Biên trở thành không gian công cộng, phục vụ cho cộng đồng về văn hóa, du lịch của Thủ đô. Những vòm cầu cạn từ Phùng Hưng tới ga Long Biên được tạo thành từ các trụ móng cầu cạn đường sắt do người Pháp xây dựng bằng đá hộc vào hơn 100 năm trước. Hiện tại, ngoài 4 vòm cầu vẫn được giữ làm đường giao thông, 127 vòm còn lại đã bị bịt kín bằng đá hộc, xi măng từ thập niên 1980.

Mộc Trà