20/01/2025 | 15:35 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội thông tin về lộ trình điều chỉnh giá bán nước sạch

Cập nhật lúc: 28/02/2023, 06:15

TP.Hà Nội thông tin về giá nước sạch sinh hoạt và lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch sinh hoạt trên địa bàn, phấn đấu đến năm 2025 mục tiêu 100% người dân đô thị...

UBND TP.Hà Nội vừa ban hành kế hoạch thông tin về giá nước sạch sinh hoạt và lộ trình điều chỉnh giá bán buôn nước sạch sinh hoạt trên địa bàn, tạo sự đồng thuận và ủng hộ của người dân đối với chủ trương của thành phố.

Theo Sở Xây dựng Hà Nội, để 100% người dân đô thị, nông thôn đều được sử dụng nước sạch, giai đoạn 2016-2020, thành phố đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn và mạng cấp nước. 

Thành phố đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho 23 nhà đầu tư thực hiện 34 dự án cấp nước. Tuy nhiên, việc triển khai gặp nhiều khó khăn, đặc biệt tại khu vực nông thôn do chi phí đầu tư lớn, song người dân đấu nối, sử dụng ít nên không bảo đảm cân đối thu - chi.

Ngoài ra, giá nước sạch được thành phố áp dụng (theo Quyết định số 38/2013/ QĐ-UBND ngày 19/9/2013 của UBND thành phố) 10 năm nay vẫn chưa được điều chỉnh, đang là vướng mắc lớn nhất khiến nhiều nhà đầu tư "bỏ cuộc", chậm triển khai tiếp dự án... Đây cũng là nguyên nhân khiến kế hoạch phủ mạng cấp nước tới khu vực nông thôn không đạt mục tiêu giai đoạn 2016-2020.

Đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu 100% người dân đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố.
Đến năm 2025, Hà Nội đặt mục tiêu 100% người dân đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố.

Theo kế hoạch, giai đoạn 2021-2025, Hà Nội tiếp tục đặt mục tiêu 100% người dân đô thị và nông thôn được sử dụng nước sạch đạt tiêu chuẩn từ nguồn cấp nước tập trung của thành phố. Tính đến hết năm 2022, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch đạt khoảng 85% (hơn 4 triệu người với hơn 1 triệu hộ dân).

Năm 2023, Sở Xây dựng Hà Nội tập trung đôn đốc, chỉ đạo các đơn vị cấp nước đầu tư mạng cấp nước cho khoảng 45 xã tại các huyện: Ba Vì (1 xã), Chương Mỹ (5 xã), Đan Phượng (5 xã), Đông Anh (2 xã), Mỹ Đức (7 xã), Ứng Hòa (7 xã), Quốc Oai (2 xã), Sóc Sơn (2 xã), Thạch Thất (6 xã), Thanh Oai (3 xã), Thường Tín (5 xã). Theo đó, tỷ lệ người dân khu vực nông thôn được tiếp cận nước sạch nâng lên đạt khoảng 90%.

Liên quan đến vấn đề giá bán lẻ nước sạch, tại họp báo định kỳ của UBND TP.Hà Nội trước đó, ông Mai Công Quyền – Phó Giám đốc Sở Tài chính - cho biết, cơ quan chức năng đang rà soát thẩm định giá thành sản xuất, lưu thông làm cơ sở cho phương án điều chỉnh giá nước sạch. Dự kiến, đầu năm 2023 liên ngành thành phố sẽ trình UBND xem xét, quyết định phương án.

Hiện, giá bán lẻ nước sạch sinh hoạt ở Hà Nội đang áp dụng theo giá lũy tiến, với 10 m3 đầu tiên giá bán 5.973 đồng/m3 và tối đa 15.929 đồng/m3 khi dùng trên 30 m3 (áp dụng từ 1/10/2015).

Trước đó, phương án điều chỉnh được liên ngành TP.Hà Nội xây dựng năm 2019 theo lộ trình 3 năm 2020-2022 với giá nước tăng lần lượt là 7.466 đồng/m3; 8.960 đồng/m3 và 9.963 đồng/m3 cho 10 m3 đầu tiên.

Tuy nhiên, theo ông Quyền, do Covid-19 và Chính phủ chỉ đạo chưa điều chỉnh giá một số mặt hàng đầu vào của các ngành sản xuất nên thành phố chưa xem xét.

Nhận định về những tồn tại trong việc sản xuất, phân phối nước sạch hiện nay, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông (IPS) cho rằng đang có một nghịch lý, nếu không điều chỉnh giá nước, doanh nghiệp không đủ chi phí, nhưng nếu giá quá cao thì người dân không tiếp cận được nguồn nước sạch.

Theo đó, hiện nay giá nước sạch được điều tiết bởi Nhà nước. Cụ thể, Bộ Tài chính quy định khung giá, phương thức tính giá, lợi nhuận định mức trên cả nước, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt giá nước sạch tại địa phương mình nhưng không vượt quá khung giá do Bộ Tài chính quy định. Như vậy, giá nước ở các địa phương là khác nhau.

Tuy nhiên, theo ông Đồng trên thị trường, vai trò điều tiết, quản lý nhà nước cũng bị phân mảnh. Việc quá nhiều đầu mối khiến các việc lập dự toán đầu tư mới của các doanh nghiệp trong ngành cũng gặp khó khăn.

Hà Nội hiện có 6 doanh nghiệp sản xuất, cung cấp nguồn nước sạch chính, bao gồm: Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Nội; Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch sông Đà (Viwasupco); Công ty TNHH MTV Nước sạch Hà Đông; Công ty Cổ phần Cấp nước Sơn Tây; Nhà máy nước mặt sông Đuống; Nhà máy nước Hà Nam.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-thong-tin-ve-lo-trinh-dieu-chinh-gia-ban-nuoc-sach-75769.html