19/01/2025 | 10:31 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội thí điểm xóa sổ bếp than tổ ong từ 1/1/2020: Mục tiêu khó khả thi?

Cập nhật lúc: 27/10/2019, 17:00

Người kinh doanh ủng hộ dự án thí điểm xóa sổ bếp than tổ ong trên địa bàn Hà Nội bắt đầu từ 1/1/2020. Tuy nhiên, vì hiệu quả kinh tế nên người dân cần một phương án hỗ trợ thay thế cụ thể, tương đương.

Bếp than tổ ong mang lại hiệu quả kinh tế cho người kinh doanh có thu nhập thấp tại Thủ đô. Ảnh: Bảo Loan

Phải lựa chọn bếp than vì hiệu quả kinh tế

Để kiểm soát và hạn chế nguồn ô nhiễm từ bếp than tổ ong, Sở TN&MT Hà Nội đã đưa ra lộ trình trong 3 năm liên tiếp (từ năm 2018 – 2020), sẽ thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong trên toàn địa bàn thành phố.

Cửa hàng ăn uống của ông Nguyễn Văn Tạo và bà Lê Thị Bình (phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) nằm sâu trong ngõ 53, phố Quan Nhân. Do giá thành rẻ và đồ ăn dân dã nên lượng khách đến cửa hàng của ông Tạo khá đông, đặc biệt là thời điểm buổi sáng. Ông Tạo cho biết: "Giá của hàng hóa dựa rất nhiều vào yếu tố chi phí ban đầu như mặt bằng, nguyên liệu đun nấu. Gia đình tôi tận dụng khu vực tầng 1 để làm hàng ăn nên tiết kiệm được khoản thuê mặt bằng. Nguyên liệu đun nấu thì chúng tôi chỉ sử dụng bếp than tổ ong, vừa tiện lợi mà thời gian đun nấu cũng kéo dài".

Cũng theo ông Tạo: "Giá thành của than tổ ong rất rẻ. Tính ra mỗi viên chỉ có giá 3.000 đồng. Mỗi ngày nấu hàng cũng chỉ dùng từ 5 - 7 viên than nên chi phí mỗi tháng của tôi không hết nhiều. Với những người kinh doanh như chúng tôi rất cần sự hiệu quả kinh tế từ bếp than".

Tương tự, bà Nông Thị Vân (38 tuổi, ở Trung Kính, Cầu Giấy) cho biết: "Ở các cửa hàng làm đồ ăn khác đều lắp đặt hệ thống đun nấu bằng điện. Tuy nhiên, chi phí lắp đặt và vận hành hàng tháng khá đắt bởi tiền điện đắt hơn so với sử dụng bếp than tổ ong. Chính bởi sự tiết kiệm nên tôi mua than tổ ong theo bao tải dùng cho khoảng 2 tuần. Hết thì lại có người giao đến tận nơi".

Theo khảo sát của PV, đa số các ý kiến đều ủng hộ việc xóa sổ bếp than tổ ong vì mục tiêu chung để bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, bếp than tổ ong vẫn là giải pháp trong kinh doanh của nhiều người dân. Vì vậy, người dân mong chờ thành phố có một phương án hiệu quả kinh tế tương đương để giá thành sản phẩm bán ra không bị dao động bởi chi phí ban đầu.

Ông Tạo thẳng thắn: "Nếu không có bếp than, tôi chắc chắn sẽ tính phương án kinh doanh khác. Bởi tôi không thể sử dụng bếp từ để đun nước nóng để pha trà. Khách hàng của tôi đều là khách quen nhiều năm, thường xuyên vào đây dùng bữa sáng với chi phí rất bình dân. Giá cả hàng hóa tôi bán ra cũng thấp hơn so với mặt bằng nên khi chi phí ban đầu không đảm bảo, tôi không có cơ sở nào để khẳng định vẫn giữ được chân khách hàng".

Bà Lê Thị Bình cho rằng: "Biết được thông tin về dự án thí điểm xóa sổ bếp than tổ ong, gia đình tôi hoàn toàn ủng hộ bởi đây là mục tiêu chung của cả thành phố và cộng đồng vì môi trường. Nhưng những người kinh doanh có mức thu nhập thấp như chúng tôi lại rất cần khách hàng. Để được như vậy thì giá cả hàng hóa phải hợp lý. Vì vậy, tôi đề nghị thành phố có phương án hỗ trợ người kinh doanh, đảm bảo tính hiệu quả kinh tế tương tự bếp than để chúng tôi có thể giữ được mặt bằng giá sản phẩm bán ra".

Cần có phương án hiệu quả kinh tế

Trao đổi với PV, PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm khoa Môi trường (Trường ĐH KHTN, ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng: "Đối với những người kinh doanh mà mức thu nhập thấp thì bếp than tổ ong vẫn là giải pháp để mang lại hiệu quả kinh tế với họ. Cho nên, dù có nhiều giải pháp đi chăng nữa mà người dân chưa nhận thức và chưa có phương án hiệu quả kinh tế hơn thì chắc chắn khó mà đạt được mục tiêu".

PGS.TS Lưu Đức Hải cho biết, trước đó, Hà Nội đã cho người dân mượn bếp than thân thiện môi trường để đảm bảo khí thải và hiệu quả nhiên liệu. Tuy nhiên, sau ít ngày thí điểm thì toàn bộ số bếp này đã bị trả lại bởi khó sử dụng, khó đáp ứng nguồn nguyên liệu.

Theo GS.TS Hoàng Xuân Cơ, chuyên gia độc lập về môi trường, để thay thế hoàn toàn bếp than tổ ong trên địa bàn, thành phố cần rõ ràng với người dân về tính hiệu quả môi trường, hiệu quả kinh tế và cần đảm bảo nguồn nguyên liệu bếp than thân thiện môi trường thì người dân mới có thể an tâm thay thế, sử dụng.

Dự thảo lộ trình không sử dụng bếp than tổ ong trên toàn địa bàn thành phố của Sở TN&MT đề xuất từ ngày 1/1/2020 sẽ chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng bếp than tổ ong. Sở TN&MT Hà Nội cũng đã đề xuất kế hoạch, kết nối các đơn vị cùng tham gia triển khai các chương trình, dự án, hoạt động liên quan tới nâng cao chất lượng không khí, bảo vệ môi trường và sử dụng năng lượng, tài nguyên bền vững tại Hà Nội. Qua đó, xây dựng các phương án hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề cho người dân. Các hành vi vi phạm, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật có liên quan về trật tự đô thị, an toàn giao thông, bảo vệ môi trường và PCCC.

Được biết, dự án hiện đang được thí điểm "Sử dụng bếp cải tiến thay thế bếp than tổ ong" trên địa bàn phường Trúc Bạch, quận Ba Đình. Với tình trạng ô nhiễm đang diễn ra tại Thủ đô mà một trong những nguyên nhân xuất phát là bếp than tổ ong thì mục tiêu xóa sổ bếp than tổ ong là hoàn toàn đúng đắn. Tuy nhiên, theo Sở TN&MT Hà Nội, cùng với việc khuyến khích người dân có những trải nghiệm thực tế với các bếp cải tiến để tự nguyện chuyển đổi thói quen sử dụng thay thế bếp than tổ ong, rất cần sự vào cuộc quyết liệt của toàn bộ hệ thống chính trị, các cơ quan đoàn thể, các đơn vị, tổ chức và đặc biệt là người dân đang sinh sống trên địa bàn thành phố. Mỗi người dân cũng cần có ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường chung.