03/05/2024 | 00:28 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội tăng cường rà soát các trường hợp nuôi con nuôi thực tế

Cập nhật lúc: 21/07/2019, 11:00

Rà soát trên địa bàn HN những trường hợp nuôi con nuôi thực tế do người dân tự ý đem trẻ bỏ rơi về chăm sóc nuôi dưỡng hoặc tự ý thỏa thuận cho trẻ làm con nuôi mà không tiến hành làm thủ tục đăng ký

Đây là một trong những nội dung quan trọng trong Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 24/2019/NĐ-CP của Chính phủ trên địa bàn TP Hà Nội vừa được UBND TP ban hành.

Cũng theo kế hoạch, các Sở, ngành phối hợp UBND quận, huyện, thị xã, UBND xã, phường, thị trấn và các cơ quan, tổ chức liên quan tiến hành rà soát công tác lập danh sách trẻ em có yêu cầu tìm gia đình thay thế tại các cơ sở nuôi dưỡng được thành lập hợp pháp trên địa bàn; Đẩy mạnh công tác xác minh nguồn gốc của trẻ em bị bỏ rơi được cho làm con nuôi; Thanh tra, kiểm tra thường kỳ và đột xuất việc tiếp nhận và giải quyết việc nuôi con nuôi đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ở các cơ sở trợ giúp xã hội nhằm ngăn ngừa và phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

ha noi tang cuong ra soat cac truong hop nuoi con nuoi thuc te
Nuôi con nuôi trong nước là biện pháp ưu tiên đầu tiên rồi mới đến nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trong quá trình tìm mái ấm thay thế cho trẻ em. Ảnh minh họa

Chú trọng giám sát, quản lý việc tiếp nhận và sử dụng các khoản hỗ trợ liên quan đến việc nuôi con nuôi nhằm đảm bảo công khai, minh bạch và đúng pháp luật. Đồng thời có biện pháp ngăn chặn các hành vi lợi dụng việc nuôi con nuôi với mục đích mua bán trẻ em, bóc lộc sức lao động, xâm hại tình dục.

Cùng với yêu cầu tăng cường công tác quản lý Nhà nước về nuôi con nuôi, UBND TP cũng giao trách nhiệm cho Sở Tư pháp phối hợp tuyên truyền, hướng dẫn các nội dung mới của Nghị định số 24/2019/NĐ-CP đến các cơ quan, cơ sở nuôi dưỡng, tổ chức, đơn vị có liên quan và người dân trên địa bàn TP.

Theo Phó Cục trưởng Cục Con nuôi (Bộ Tư pháp) – bà Phạm Thị Kim Anh, Nghị định số 24/2019/NĐ-CP được ban hành đã tháo gỡ những rào cản trong việc giải quyết nuôi con nuôi phát sinh trước đó, đơn giản hóa thủ tục đăng ký nuôi con nuôi. Đặc biệt Nghị định đã tăng cường cơ chế giải quyết nuôi con nuôi trong nước.

“Trong khuôn khổ Công ước La Hay, nuôi con nuôi trong nước là biện pháp ưu tiên đầu tiên rồi mới đến nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài trong quá trình tìm mái ấm thay thế cho trẻ em. Khi một trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt không được giải quyết được nuôi con nuôi trong nước thì mới giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài”.

Tuy nhiên, quá trình triển khai pháp luật về nuôi con nuôi trước đó, một số quy định của Nghị định số 19/2011/NĐ-CP của Chính phủ đã không tạo điều kiện cho việc giải quyết nuôi con nuôi trong nước. Ví dụ như khoản 1, Điều 11 của Nghị định số 19 quy định chỉ có các cơ sở nuôi dưỡng được UBND cấp tỉnh chỉ định mới được tham gia giải quyết cho trẻ em làm con nuôi ở nước ngoài. Nhưng vô hình trung quy định này lại hạn chế quyền của trẻ em được tìm gia đình thay thế ở trong nước trước khi được giải quyết nuôi con nuôi nước ngoài.

Một rào cản nữa là theo quy định của Nghị định số 19, những trẻ em khuyết tật mắc bệnh hiểm nghèo được miễn thủ tục tìm gia đình thay thế trong nước. Trong khi đó đanh sách các loại bệnh tật của các cháu rất nhiều. Điều này cũng vô hình trung làm hạn chế quyền được nhận làm con nuôi trong nước của các cháu”, Phó Cục trưởng Cục Con nuôi Phạm Thị Kim Anh cho biết.

Trước đó, theo thống kê sau 8 năm thực hiện Luật Nuôi con nuôi, 7 năm thực hiện Công ước La Hay số 33, Hà Nội đã tìm được được mái ấm thay thế ở trong nước cho 1.110 trẻ em.

Nguồn: https://phapluatxahoi.vn/ha-noi-tang-cuong-ra-soat-cac-truong-hop-nuoi-con-nuoi-thuc-te-155770.html