19/01/2025 | 07:07 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội tăng cường hợp tác quy hoạch, phát triển đô thị

Cập nhật lúc: 30/10/2020, 13:30

Công tác quy hoạch và phát triển đô thị có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng và phát triển Thủ đô, không chỉ trước mắt, mà còn có tính chiến lược, lâu dài.

Tăng cường hợp tác với Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam

Thành ủy Hà Nội vừa có Thông báo số 06-TB/TU ngày 28/10/2020 về “Kết luận của đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy tại buổi làm việc với đại diện lãnh đạo Trung ương Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hà Nội” diễn ra ngày 24/10/2020.

Theo đó, Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020-2025) Đảng bộ thành phố Hà Nội đã xác định một trong năm định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm là “Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch” và một trong ba khâu đột phá là “Khai thác, phát huy tối đa tài nguyên chất xám, nguồn lực trí tuệ của đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ trên địa bàn thành phố”.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ chủ trì buổi làm việc bàn giải pháp tăng cường hợp tác phát triển quy hoạch, quản lý quy hoạch và phát triển đô thị Hà Nội. (Ảnh: Hà Nội mới)

Sau khi nghe Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam báo cáo và ý kiến thảo luận của các đại biểu dự họp, đồng chí Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy kết luận: "Công tác quy hoạch và phát triển đô thị có ý nghĩa rất quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội cũng như xây dựng và phát triển Thủ đô, không chỉ trước mắt, mà còn có tính chiến lược, lâu dài. Do đó, lãnh đạo thành phố luôn hết sức quan tâm chỉ đạo công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch và đã tạo ra những chuyển biến trong thời gian qua.

Để đạt được những kết quả đó, thành phố đã nhận được sự đóng góp tích cực của Trung ương Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hà Nội. Mặc dù vậy, công tác quy hoạch đô thị của thành phố hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế".

Vì vậy, để thực hiện các định hướng lớn, khâu đột phá và những nhiệm vụ quan trọng về quy hoạch đô thị trong thời gian tới, cần có sự phối hợp chặt chẽ và có hiệu quả hơn nữa giữa các cơ quan thành phố và Trung ương Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam và Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hà Nội.

Quy hoạch phát triển đô thị cần có tầm nhìn

Căn cứ vào tình hình thực tiễn và các yêu cầu đặt ra, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ giao Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo UBND thành phố và các cơ quan liên quan nghiên cứu cơ chế phối hợp bằng chương trình hợp tác giữa UBND thành phố và Trung ương Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Hội Quy hoạch phát triển đô thị thành phố Hà Nội nhằm tăng cường công tác nghiên cứu, trao đổi, tranh thủ sự tham vấn chuyên môn của đội ngũ các nhà khoa học, kiến trúc sư, thành viên Hội; nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch của thành phố trong quá trình xây dựng và phát triển, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu lần thứ XVII Đảng bộ thành phố.

Phát triển đô thị là một kênh tăng trưởng quan trọng của bất cứ nền kinh tế nào, cũng là xu hướng của Việt Nam hiện nay. (Ảnh: VCCI).

Trước đó, tại cuộc gặp mặt lãnh đạo Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, phát triển đô thị là một kênh tăng trưởng quan trọng của bất cứ nền kinh tế nào, cũng là xu hướng chung của Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ đô thị hóa cả nước đạt khoảng 40%, quy mô đô thị của Việt Nam còn thấp. Do đó, phát triển đô thị phải mạnh mẽ hơn để đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước, nếu “ăn xổi ở thì”, “nóng đây phủi đó” thì hậu quả rất lớn. Ở đâu đô thị phát triển thì ở đó đời sống, thu nhập của người dân gia tăng. Phát triển đô thị nhanh nhưng phải đúng hướng, bền vững và có tầm nhìn. Đây cũng bài toán mà Thủ tướng đặt ra đối với Hội Quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng công tác phản biện xã hội của mình.

Hội cần tạo động lực, nâng cao vai trò và vị trí của các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch, các nhà quản lý đô thị, các doanh nghiệp, các nhà thầu xây dựng; đẩy mạnh hoạt động sáng tác, nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý phát triển đô thị; góp phần định hướng tư duy sáng tạo trong quy hoạch đô thị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi lễ (Ảnh: VGP/Quang Hiếu).

Tiếp tục tham mưu và có những đóng góp thiết thực trong việc tham gia xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, thể chế trong lĩnh vực quy hoạch và phát triển đô thị trong thời gian tới, làm sao bảo đảm quản lý chặt chẽ đồng thời mở ra không gian thuận lợi cho các nhà đầu tư, xã hội hóa mạnh mẽ nguồn lực... Góp phần xây dựng, quản lý phát triển đô thị, điểm dân cư nông thôn Việt Nam, giải quyết các tồn tại trong quá trình đô thị hóa, hướng tới đô thị hiện đại, đô thị thông minh có bản sắc phù hợp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, với nền kinh tế số và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Tạo động lực, nâng cao vai trò, vị trí của các kiến trúc sư, các nhà quy hoạch, quản lý đô thị, doanh nghiệp, nhà thầu xây dựng; có nhận thức, nâng cao năng lực chuyên môn, quản lý phát triển đô thị, tư duy sáng tạo trong phát triển đô thị; hướng tới kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng vào năm 2030, 100 năm Quốc khánh vào năm 2045; một đất nước phát triển hùng cường.

Theo báo cáo của Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa nhanh. Tỷ lệ đô thị hóa năm 2000 đạt 24,2% với 18,7 triệu dân đô thị, đến năm 2019 tỉ lệ đô thị hóa tăng lên 38,4%. Sau hơn 30 năm thực hiện chủ trương đổi mới, hệ thống đô thị đã tăng mạnh cả về số lượng và chất lượng, số đô thị cuối năm 2011 là 731 đô thị nhưng đến tháng 5/2019 có 833 đô thị. Diện tích bình quân sàn nhà ở toàn quốc đạt 23,4 m2/người. Bên cạnh các đô thị, khu vực nông thôn cũng được quan tâm thích đáng, đến 99,4% khu vực được lập quy hoạch xây dựng.