02/05/2024 | 14:06 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội sẽ kéo dài thời gian gia hạn cho một số dự án

Cập nhật lúc: 19/07/2023, 09:03

UBND TP Hà Nội vừa có văn bản số 2198/UBND-TNMT xác định dịch bệnh Covid-19 thuộc trường hợp bất khả kháng, không tính vào thời gian các dự án đã được gia hạn 24 tháng theo quy định pháp luật.

Công nhận trường hợp dự án hết thời gian gia hạn nhưng chưa đưa vào sử dụng là “bất khả kháng”

Ngày 17/7, UBND thành phố Hà Nội ban hành Văn bản số 2198/UBND-TNMT về việc xử lý đối với các trường hợp đã được UBND Thành phố quyết định gia hạn sử dụng đất 24 tháng nhưng hết thời gian gia hạn chưa đưa đất vào sử dụng do dịch bệnh Covid-19, theo quy định tại Điểm i Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013.

Trong văn bản, UBND Thành phố xác định dịch bệnh Covid-19 thuộc trường hợp bất khả kháng, thời gian ảnh hưởng tính từ ngày 23/01/2020 đến ngày 11/10/2021 là 21 tháng, không tính vào thời gian các dự án được gia hạn sử dụng đất 24 tháng.

Thời điểm áp dụng kéo dài thời gian gia hạn do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 kể từ ngày UBND thành phố Hà Nội ký Quyết định áp dụng đối với từng dự án.

Hà Nội sẽ áp dụng kéo dài thời gian gia hạn do nguyên nhân bất khả kháng cho từng dự án. (Ảnh minh họa: TTXVN)

UBND Thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì cùng các Sở, ngành liên quan, căn cứ các quy định của pháp luật, các văn bản hướng dẫn thi hành để thống nhất xác định thời gian cụ thể ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 thuộc trường hợp bất khả kháng đối với từng dự án. Sau đó, tổng hợp, báo cáo UBND thành phố xem xét, ký ban hành quyết định áp dụng kéo dài thời gian gia hạn do nguyên nhân bất khả kháng cho từng dự án.

Trong thời gian UBND Thành phố xem xét, quyết định kéo dài thời gian gia hạn do nguyên nhân bất khả kháng theo quy định, căn cứ tình hình thực tế triển khai của từng dự án, các Sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã chủ động rà soát, giải quyết các thủ tục hành chính theo thẩm quyền, tạo điều kiện để chủ đầu tư tự khắc phục, khẩn trương đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật.

Đồng thời, giao Cục Thuế xem xét thu các nghĩa vụ tài chính phát sinh trong thời gian được kéo dài thời gian gia hạn (nếu có) đối với từng dự án. Trường hợp vướng mắc, chủ động xin ý kiến Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế để được hướng dẫn thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.

“Đối với các dự án hết thời gian được kéo dài thời gian gia hạn theo quyết định áp dụng trường hợp bất khả kháng mà chủ đầu tư chưa đưa đất vào sử dụng thì UBND các quận, huyện, thị xã báo cáo UBND Thành phố (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) lập hồ sơ, trình UBND Thành phố quyết định thu hồi đất theo đúng quy định của Luật Đất đai”, UBND Thành phố nhấn mạnh.

Trước đó, thực hiện Luật Đất đai năm 2013, Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 về quy định chi tiết một số điều của Luật Đất đai, Nghị địnhsố 01/2017/NĐ-CP ngày 06/01/2017 của Chính sửa đổi, bổ sung một số Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn thi hành, UBND thành phố Hà Nội đã có quyết định gia hạn thời gian đưa đất vào sử dụng đối với các dự án được Nhà nước giao đất, cho thuê đất nhưng không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục, hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án.

Hà Nội mạnh tay xử lý dự án treo

Những năm qua, dự án treo vẫn là vấn đề gây ra nhiều hệ lụy trên địa bàn TP. Hà Nội. Báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố cho biết, hiện Hà Nội có hơn 400 dự án chậm tiến độ, với 29 dự án bị kiến nghị thu hồi đất. Quận, huyện có số dự án chậm tiến độ nhiều nhất là Hoài Đức (51 dự án), Mê Linh (47 dự án), Nam Từ Liêm (48 dự án), Hoàng Mai (25 dự án).

Ngày 11/7, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh dẫn đoàn kiểm tra tiến độ xây dựng trường học công lập đạt chuẩn quốc gia và các dự án đầu tư xã hội hóa trường học chậm tiến độ, chậm triển khai trên địa bàn quận Hoàng Mai.

Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh đi kiểm tra thực tế tại ô đất tại khu chức năng đô thị Ao Sào (phường Thịnh Liệt) ngày 11/7.(Ảnh: Chuyên trang Pháp luật và Xã hội)

Ông Nguyễn Minh Tâm, Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, cho biết, hiện quận có 38 dự án ngoài ngân sách chậm triển khai do chủ đầu tư không thực hiện nghĩa vụ tài chính. Nhiều chủ đầu tư không tập trung đầu tư hạ tầng xã hội như trường học, cây xanh, bãi đỗ xe... dẫn đến quá tải về hạ tầng xã hội.

Do đó, quận Hoàng Mai kiến nghị thành phố chỉ đạo, ban hành quyết định thu hồi chính thức 4 ô đất trường học đã được HUD bàn giao nguyên trạng cho quận, làm cơ sở pháp lý giao quận thực hiện và đầu tư.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất này, đồng thời đề nghị quận Hoàng Mai tiếp tục rà soát tổng thể các quỹ đất ở khu đô thị, chỗ nào còn trống, đất chậm triển khai, nghiên cứu thu hồi để ưu tiên xây dựng trường học, cố gắng hoàn thành trong năm 2023.

Trước đó, cuối tháng 6/2023, UBND thành phố Hà Nội trả lời cử tri huyện Đông Anh về dự án NƠXH cho người thu nhập thấp tại lô đất CT5 (thôn Hậu Dưỡng, xã Kim Chung). Theo kiến nghị, lô đất này có thông báo thu hồi đất từ năm 2010 nhưng việc triển khai dự án đến nay chậm gần 6 năm theo tiến độ được duyệt, nhà đầu tư chưa triển khai các thủ tục đầu tư tiếp theo.

UBND thành phố Hà Nội cho biết, dự án này được Hà Nội chấp thuận đầu tư tại văn bản số 3135 ngày 24/7/2012. Sau đó, điều chỉnh tại văn bản số 2019 ngày 12/1/2015, cho lùi tiến độ dự án từ quý I/2015 đến quý II/2017. Hiện nay dự án chưa được giao đất.

Thời gian tới, UBND Thành phố sẽ chỉ đạo các Sở Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Đông Anh rà soát, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương thực hiện dự án. Trường hợp nhà đầu tư không đủ năng lực, tham mưu, báo cáo UBND TP xem xét thu hồi dự án theo quy định.

Cũng trong tháng 6, UBND Thành phố đã chỉ đạo các Sở ngành thành phố và UBND quận, huyện, thị xã tiếp tục giám sát, tháo gỡ khó khăn đẩy nhanh tiến độ dự án; xử lý nghiêm các trường hợp chậm đưa đất vào sử dụng theo quy định.

Huyện Mê Linh đề xuất thu hồi đất 14 dự án chậm triển khai trên địa bàn. (Ảnh: Dân Việt)

Đồng thời, UBND thành phố Hà Nội đã thu hồi nhiều dự án ở nội thành, ngoại thành và xử lý những dự án đang vướng mắc khác. Tính đến ngày 27/6, Hà Nội đã đưa 74/135 dự án chưa có quyết định giao đất, cho thuê đất ra khỏi danh sách các dự án chậm triển khai. Có 11/135 dự án đang triển khai theo tiến độ đã được phê duyệt, phê duyệt điều chỉnh, giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì thực hiện giám sát, theo dõi theo quy định.

Còn 50 dự án phải xử lý (giảm 85 dự án tương đương 62,9% so với số lượng 135 dự án ban đầu), UBND Thành phố giao Sở Kế hoạch và Đầu tư thực hiện đánh giá đầu tư để đưa ra biện pháp xử lý cụ thể theo quy định của pháp luật đối với từng dự án.

 

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-se-keo-dai-thoi-gian-gia-han-cho-mot-so-du-an-20201231000010041.html