29/04/2024 | 06:50 GMT+7, Hà Nội

Thu hồi dự án treo, đảm bảo an sinh cho người dân

Cập nhật lúc: 14/07/2023, 13:30

Vấn đề thu hồi dự án treo, dự án chậm tiến độ, đảm bảo an sinh cho người dân bị thu hồi đất, hoàn thiện bất cập tại mặt bằng tái định cư là vấn đề đang rất cần được các cấp chính quyền Thanh Hóa chỉ đạo quyết liệt.

Trong 3 bài trước, Reatimes đề cập đến thực trạng, nguyên nhân của nhiều vấn đề đang diễn ra ở Thanh Hóa như: Việc bố trí đất tái định cư nhưng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng thiết yếu như điện, nước chưa đảm bảo; không ít công ty, doanh nghiệp cố tình chây ỳ, “treo” dự án hàng chục năm, khiến hàng trăm hộ dân đi không được, ở không xong,…

Về những vấn đề trên, Retimes tiếp tục đồng hành cùng các cấp chính quyền tỉnh Thanh Hóa nhằm tìm ra giải pháp để sớm khắc phục những tồn tại, bất cập.

Còn nhiều dự án treo, dự án chậm tiến độ đã đến lúc phải thu hồi

Nhiều năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa thu hút khá nhiều tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư với các dự án có quy mô hàng trăm tỷ đồng đến trăm nghìn tỷ đồng trên diện tích quy hoạch sử dụng đất hàng trăm héc-ta. Điều đó, tạo cơ hội cho Thanh Hóa vươn lớn trở thành tỉnh kinh tế trọng điểm của vùng Bắc Trung bộ.

Việc thu hút đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư cho các dự án mới là điều đáng được ghi nhận, tuy nhiên tiến độ thực hiện của các chủ đầu tư ra sao là vấn đề cần được chính quyền quan tâm, xử lý mạnh mẽ hơn. Bởi lẽ, từ thực tế cho thấy, rất nhiều dự án đã được tỉnh Thanh Hóa chấp thuận chủ trương đầu tư từ nhiều năm nay nhưng tốc độ triển khai rất chậm, khiến đất đai bị hoang hóa, cư dân tại những dự án này rơi vào cảnh đi không được, ở không xong. Tình hình trên đã khiến dư luận tại các địa phương có dự án treo cũng như cư tri cả tỉnh Thanh Hóa quan tâm, kiến nghị tại nhiều cuộc tiếp xúc cử tri.

Nắm bắt tình hình thực tế trên, chiều 11/7, tại Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021-2026, bước vào phiên chất vấn và trả lời chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, trong đó có nội dung về việc, nhiều dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất nhưng qua nhiều năm, đã được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện hoặc thực hiện chậm, thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới?

Tại buổi chất vấn, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng yêu cầu các đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, cụ thể, rõ ràng. Giám đốc các Sở trả lời đúng trọng tâm, trọng điểm các nội dung đại biểu chất vấn, nêu thực trạng, giải pháp tháo gỡ khó khăn trong thời gian tới để thấy rằng tầm quan trọng của nội dung trên và hướng xử lý dứt điểm, tránh trường hợp trả lời cho có, cho vừa lòng của cơ quan phụ trách.

Phiên chất vấn mở đầu với nhiều câu hỏi liên quan đến việc, hiện nay, nhiều dự án đã được UBND tỉnh Thanh Hóa giao đất nhưng qua nhiều năm, đã được gia hạn nhiều lần nhưng nhà đầu tư vẫn không triển khai thực hiện hoặc triển khai thực hiện chậm, thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục trong thời gian tới.

Như vậy, vấn đề dự án treo, dự án chậm tiến độ, bất cập tại các mặt bằng tái định cư… đã làm nóng nghị trường tại kỳ họp thứ 14, Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII, nhiệm kỳ 2021- 2026.

 

Thu hồi dự án treo, đảm bảo an sinh cho người dân tái định cư

 

Trả lời phiên chất vấn, ông Lê Sỹ Nghiêm - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thanh Hóa thông tin, tính đến ngày 30/5/2023, trên địa bàn tỉnh có 3.245 dự án được giao đất, cho thuê đất, với tổng diện tích 17.979,6 héc-ta. Trong giai đoạn từ tháng 7/2014 đến nay, Sở TN&MT đã chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc sử dụng đất đối với 727 lượt dự án. Kết quả, có 339 dự án không thực hiện, hoặc thực hiện chậm tiến độ (chiếm 10,5% tổng số dự án được giao đất, cho thuê đất).

Các dự án không thực hiện, hoặc thực hiện chậm tiến độ chủ yếu thuộc lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, thương mại dịch vụ. Cụ thể, có 18 dự án không triển khai thực hiện (không sử dụng đất trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi được bàn giao đất trên thực địa, vi phạm quy định tại Điểm I Khoản 1 Điều 64 Luật Đất đai năm 2013); có 321 dự án chậm tiến độ đầu tư (trong đó 167 dự án chậm tiến độ đầu tư nhưng chưa chậm quá 24 tháng, nên chưa vi phạm pháp Luật Đất đai; 154 dự án chậm tiến độ đầu tư quá 24 tháng). Có 141 dự án có dấu hiệu vi phạm pháp luật đất đai trên địa bàn tỉnh theo chỉ đạo kiểm tra của UBND tỉnh tại Công văn số 7586/UBND-NN ngày 31/5/2023.

Lý do các dự án chậm, vi phạm luật đất đai do các dự án khó triển khai, không thể triển khai được Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho rằng, do giá cả, ảnh hưởng do đại dịch COVID-19, lãi suất ngân hàng cao. Một số nhà đầu tư lập dự án không có tính khả thi, sát thực tế, không có năng lực thực hiện dự án, thậm chí có một số nhà đầu tư chờ để chuyển nhượng dự án và một phần lỗi thuộc về một số sở ngành, cấp huyện, địa phương.

Về hướng xử lý, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Lê Sỹ Nghiêm khẳng định, đối với các dự án chậm triển khai, không triển khai vi phạm luật đất đai đối với các nhà đầu tư đối với những dự án chậm tiến độ hoặc không triển khai, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường nêu rõ, đối với các dự án chậm chưa quá 24 tháng thì các đơn vị sở, ngành, địa phương phải đôn đốc thực hiện nếu vướng mắc thì phải phối hợp các cơ quan chức năng, yêu cầu nhà đầu tư phải báo cáo theo định kỳ. Trường hợp các nhà đầu tư không thực hiện đúng tiến độ, chậm tiến độ, không triển khai dự án thì kiên quyết thu hồi đất các dự án vi phạm pháp luật về đất đai.

Ngoài những nguyên nhân mà Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa nêu ở trên thì thực tế cho thấy còn một số nguyên nhân khác dẫn đến dự án chậm tiến độ, dự án treo hiện nay được chuyên gia, người dân phân tích đó là: Trách nhiệm và năng lực của các chủ đầu tư; Năng lực tài chính yếu, năng lực quản lý dự án hạn chế; Nhà đầu tư sau khi được giao đất không đủ khả năng triển khai, ôm đất để để chờ chuyển nhượng kiếm lời; Quy định chồng chéo của pháp luật về đầu tư, đất đai, xây dựng, môi trường; tiến độ giải phóng mặt bằng chậm;...

 

Thu hồi dự án treo, đảm bảo an sinh cho người dân tái định cư

 

Ngoài những nguyên nhân trên, cũng cần nhìn nhận một cách khách quan về vai trò xử lý, trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước và chính quyền các địa phương liên quan. Bởi lẽ, thủ tục đầu tư dự án liên quan đến nhiều ngành, nếu phối hợp giữa các ngành, cơ quan địa phương không có sự thống nhất thì dẫn đến việc nhà đầu tư suy giảm niềm tin, dự án kéo dài hoặc chủ đầu tư xin rút dự án.

Để tháo gỡ những vướng mắc, nguyên nhân hạn chế trên, cử tri cho rằng: UBND tỉnh Thanh Hóa cần phải quyết liệt thực hiện các giải pháp như: Đôn đốc các chủ đầu tư tập trung tối đa nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án đã khởi công, các dự án chậm tiến độ so với cam kết, để hoàn thành và đưa vào khai thác. Đồng thời, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quá trình hoàn thiện hồ sơ, thủ tục đầu tư, xây dựng, đất đai và môi trường.

Bên cạnh đó, tỉnh Thanh Hóa cần phải tiếp tục ban hành các văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện tăng cường trách nhiệm quản lý Nhà nước về đầu tư, đất đai đối với dự án đầu tư có sử dụng đất chậm tiến độ, kéo dài. Tiến hành rà soát tiến độ thực hiện các dự án đầu tư trên địa bàn toàn tỉnh. Đồng thời, các cấp, sở nghành có liên quan cần tham mưu kịp thời cho UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết các vấn đề cụ thể của từng dự án.

Qua đó, kiên quyết chấm dứt hoạt động, thu hồi đối với các dự án vi phạm quy định pháp luật đầu tư, cũng như tiến hành thu hồi đất đối với các dự án vi phạm quy định pháp luật đất đai. Giống như lời Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Thanh Hóa Đỗ Trọng Hưng đã nói, đó là: UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành chức năng nâng cao chất lượng tham mưu chấp thuận chủ trương, địa điểm đầu tư dự án; đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư, nhu cầu sử dụng đất, tính khả thi trong triển khai dự án, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án.

Đặc biệt, không chấp nhận nhà đầu tư năng lực tài chính, năng lực triển khai thực hiện dự án hạn chế, không đảm bảo nguồn vốn và năng lực để hoàn thành đầu tư dự án; có dấu hiệu đầu cơ giữ đất để chuyển nhượng kiếm lời, không có ý định đầu tư.

Đảm bảo an sinh cho người dân tái định cư

Như Reatimes đã thông tin ở những bài trước, diện mạo đô thị Thanh Hóa đã có sự thay đổi nhanh chóng theo hướng tích cực. Điều này được thể hiện rõ qua việc mở rộng không gian đô thị và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, cơ sở vật chất. Điển hình là hệ thống các dự án đô thị quy mô quốc tế và khu vực, các đô thị trung tâm tại những vị trí đắc địa đã góp phần làm thay đổi nhanh chóng diện mạo đô thị của địa phương này trong mấy năm trở lại đây.

Để thực hiện được những kết quả trên và bằng những lời hứa đến nơi ở mới sẽ tốt hơn nơi ở cũ của chính quyền địa phương,… hàng nghìn hộ gia đình tại địa phương đã chấp hành chủ trương, bàn giao mặt bằng, nhưng sau đó còn không ít hộ gia đình đang phải vật lộn với cuộc sống mới tại nơi tái định cư do hạ tầng kỹ thuật chưa hoàn thiện. Hoặc một số dự án chậm tiến độ, doanh nghiệp không triển khai dự án khiến biết bao hộ gia đình phải gặp khó khăn tại các dự án treo, đi không được, ở không xong, kinh tế bị suy giảm.

Thu hồi dự án treo, đảm bảo an sinh cho người dân tái định cư

 

Thực tiễn công tác thu hồi đất và tái định cư trong thời gian qua ở Thanh Hóa còn có những bất cập, hạn chế; công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng còn kéo dài, từ đó phát sinh những vấn đề khiếu nại. Các địa phương thực hiện công tác đền bù và tái định cư thường chưa phát huy hết vai trò và trách nhiệm, đã ảnh hưởng đến tiến độ giải phóng mặt bằng. Việc thực hiện chính sách về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm cho người dân có đất bị thu hồi có lúc có nơi còn chưa đầy đủ và đồng bộ.

Bên cạnh đó, việc xây dựng các khu tái định cư của các dự án thường bị động, cơ sở hạ tầng khu tái định cư không được đầu tư theo quy định, chưa quan tâm đầy đủ đến nhu cầu và điều kiện của người được tái định cư. Các dự án thường ít chú ý đến việc bảo đảm nguồn thu nhập tại nơi ở mới cho người được bố trí tái định cư. Việc xây dựng các khu tái định cư ở một số nơi chưa thực sự phù hợp với thói quen, tập quán sinh hoạt của người dân…

Nhiều cử tri cũng như người dân đề nghị: Việc thu hồi đất phải tuân thủ Hiến pháp và pháp luật; chỉ được thực hiện sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đối với trường hợp thu hồi đất mà phải bố trí tái định cư thì phải hoàn thành bố trí tái định cư trước khi thu hồi đất.

Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải đi trước một bước, bảo đảm công khai, minh bạch, hài hòa lợi ích của Nhà nước, người có đất bị thu hồi và nhà đầu tư theo quy định; có quy định cụ thể về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư để sau khi thu hồi đất thì người dân có đất bị thu hồi phải có chỗ ở, bảo đảm cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ.

Thực hiện có hiệu quả việc đào tạo nghề, tạo việc làm, tổ chức lại sản xuất, ổn định đời sống cho người có đất bị thu hồi. Tiếp tục thực hiện thí điểm và sớm tổng kết chủ trương tách dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ra khỏi dự án đầu tư để thực hiện trước.

Trả lời Reatimes về bất cập, năng lực thực hiện của chủ đầu tư ở những dự án treodự án chậm tiến độ dẫn đến hàng trăm hộ gia đình bị ảnh hưởng, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Thanh Hóa cho rằng: Với tinh thần quyết liệt, thời gian qua ngoài thu hồi 21 dự án chậm tiến độ trên địa bàn, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các ngành chức năng tiếp tục xem xét, tham mưu xử lý theo quy định đối với 46 dự án chậm tiến độ. Đồng thời, hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Xây Dựng, Thanh tra tỉnh và các địa phương xây dựng kế hoạch tiến hành thanh tra để đề xuất UBND tỉnh xử lý những dự án vi phạm.

Ngoài ra, cũng không loại trừ có những nhà đầu tư không còn đủ năng lực, xin dự án nhưng không triển khai mà mang tính chất "ôm đất" để trục lợi, thông qua lợi dụng các chính sách hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp như gia hạn, điều chỉnh tiến độ,... để không đưa đất vào sử dụng đúng mục đích, tiến độ. Đối với những dự án này, các đơn vị, ngành chức năng tham mưu cho UBND tỉnh kiên quyết thu hồi đối với các dự án vi phạm các quy định pháp luật tới mức phải thu hồi dự án.

Từ thực trạng bất cập ở những dự án tái định cư hiện nay, rất cần các cấp chính quyền địa phương quan tâm hơn nữa, tập trung nguồn lực, nhân lực, thúc ép nhà đầu tư, đơn vị thi công sớm hoàn thành dự án. Tạo điều kiện về cơ chế việc làm, hỗ trợ các nguồn vốn vay, đất đai sản xuất để các hộ gia đình nhận đất tái định cư sớm ổn định cuộc sống mà đúng như Khoản 2 Điều 97 Dự thảo quy định về nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất đã đề cập: Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm người có đất bị thu hồi có chỗ ở, đảm bảo cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ./.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/thu-hoi-du-an-treo-dam-bao-an-sinh-cho-nguoi-dan-20201231000010006.html