19/01/2025 | 15:16 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Phát triển đô thị thông minh phải có cư dân và nhà quản lý thông minh

Cập nhật lúc: 19/12/2021, 07:00

Là một trong hai đô thị lớn, đặc biệt của Việt Nam, Hà Nội cũng gặp phải những vấn đề phát sinh do tốc độ đô thị hoá quá nhanh.

Tại Hội thảo khoa học với chủ đề: “Phát triển nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại” do Thành ủy, UBND TP Hà Nội phối hợp với tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 17/12, nhiều nhà khoa học, nhà quản lý trong lĩnh vực đô thị đã có những ý kiến, đề xuất xác đáng cho Hà Nội.  

Cụ thể, tại hội thảo, các đại biểu đã phân tích, đánh giá những lợi thế, tiềm năng, kết quả đã đạt được trong phát triển đô thị Hà Nội. Đồng thời, làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về phát triển đô thị nhanh và bền vững Thủ đô theo hướng “xanh - thông minh - hiện đại”, trong bối cảnh quốc tế, khu vực và trong nước; nhìn nhận, đánh giá đúng thực trạng công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch, xây dựng, quản lý, phát triển đô thị; đề xuất nội dung, phương thức, giải pháp giải quyết những thách thức đặt ra trong quá trình phát triển đô thị, nhất là sự gia tăng về dân số cơ học,…

Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Hoàng Cao Thắng, giai đoạn 2015-2020 Hà Nội bắt đầu xuất hiện các công trình được công nhận công trình xanh. Giai đoạn có 10 công trình, chỉ tính riêng năm 2019 có 4 công trình được công nhận. Song Phó giám đốc Sở Xây dựng cũng nhìn nhận, nhiều chủ đầu tư công trình, dự án chưa quan tâm đến việc xây dựng các công trình xanh. Do đó, số lượng không trình xanh trên địa bàn TP còn hạn chế so với nhiều Thủ đô khác trên thế giới. Các doanh nghiệp còn khó khăn trong việc tiếp cận các tổ chức tài chính, quỹ đầu tư để hỗ trợ tín dụng, hỗ trợ vay vốn ưu đãi đối với các dự án đáp ứng yêu cầu về tiêu chuẩn công trình xanh.

Hơn nữa, theo ông Hoàng Cao Thắng, nguyên nhân “sát sườn” dẫn tới tình trạng doanh nghiệp không mặn mà là do các chính sách ưu đãi của Hà Nội đối với các công trình, dự án xanh còn chưa thực sự hấp dẫn, trong khi đó chi phí đầu tư cho các hạng mục dự án này lại cao hơn so với loại nguyên vật liệu thông thường, dù hiệu quả lâu dài là không thể phủ nhận. “Giai đoạn 2021-2025, theo tôi, TP cần ưu tiên thực hiện mục tiêu xây dựng đô thị tang trưởng xanh, đặc biệt là ưu tiên huy động, bố trí các nguồn lực thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh. Trong đó, cần có cơ chế, chính sách ưu đãi, khuyến khích , huy động nguồn lực xã hội trong nước và quốc tế” - Phó giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội chia sẻ.

Hà Nội: Phát triển đô thị thông minh phải có cư dân và nhà quản lý thông minh
Hà Nội: Phát triển đô thị thông minh phải có cư dân và nhà quản lý thông minh

Ở góc độ khoa học, PGS.TS Trịnh Duy Luân, nguyên Viện trưởng Viện Xã hội học, Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam lại đánh giá cao sự ảnh hưởng tầng lớp trung lưu (TLTL) trong quá trình xây dựng và phát triển Thủ đô Hà Nội văn minh, hiện đại.

Theo ông, với một đô thị lớn như Hà Nội, qua nghiên cứu cho thấy, TP đã có một TLTL đô thị khá “lớn” về lượng nhưng chưa đủ “mạnh” về chất, đặc biệt xét theo vị thế vai trò về văn hoá- xã hội của nó, cũng như trong tương tác của họ với quá trình phát triển của TP. TLTL đô thị mới nổi trong một, hai thập niên vừa qua vẫn đang trong quá trình “định hình”, khẳng định vai trò, vị thế của mình trong bối cảnh chuyển đổi. Sự tham gia của TLTL, quá trình “trung lưu hoá” xã hội sẽ có tác động tích cực trở lại đến các quá trình phát triẻn chung của Thủ đô trong những thập niên tới. “Để làm được điều đó, cần nhận diện và đánh giá đúng vị thế vai trò của TLTL trong đời sống KT-XH, văn hoá của Thủ đô. Từ đó, có các chính sách tạo điều kiện, tạo môi trường thể chế, không gian hoạt động kinh tế của họ các lĩnh vực như đầu tư, phân bổ các nguồn lực, vốn xã hội, sân chơi công bằng,…” - PGS.TS Trịnh Duy Luân nhấn mạnh.

Từ kinh nghiệm xây dựng đô thị thông minh của một số thủ đô các nước châu Âu, PGS.TS Phạm Minh Anh, trường Đào tạo cán bộ Lê Hồng Phong cho rằng, Hà Nội cần tập trung quy hoạch và đầu tư xây dựng hạ tầng số đồng bộ, hiện đại, bảo mật cao bảo đảm tạo ra không gian số có mạng lưới chia sẻ thông tin rộng khắp, có khả năng kết nối ở tốc độ cao và tương tác, trải nghiệm liền mạch, đáp ứng nhu cầu quản lý, sản xuất, học tập và cuộc sống.

“Mục tiêu xây dựng đô thị thông minh là của cư dân, do cư dân và vì cư dân Thủ đô. Đô thị thông minh phải có cư dân và nhà quản lý thông minh. Do đó, thành phố cần tập trung xây dựng chương trình đào tạo, bồi dưỡng nhằm nâng cao nhận thức về lợi ích của đô thị thông minh, nâng cao năng lực ứng dụng và quản lý chính quyền số, kinh tế số, xã hội số dành cho cán bộ lãnh đạo, quản lý cũng như mọi người dân bằng nhiều hình thức khác nhau. Thành phố cần có chiến lược, kế hoạch xây dựng đô thị thông minh theo từng giai đoạn với mục tiêu rõ ràng, các dự án thực hiện có trọng tâm trọng điểm và tích cực hỗ trợ các nhà đầu tư” - PGS.TS Phạm Minh Anh nhấn mạnh.

Kết thúc hội thảo, PGS.TS Đoàn Minh Huấn - Tổng Biên tập tạp chí Cộng sản đánh giá cao ý kiến tham luận của các nhà quản lý, nhà khoa học... Từ những ý kiến đóng góp tại hội thảo, ông hy vọng Hà Nội sẽ đánh giá những lợi thế, tiềm năng, kết quả đã đạt được trong phát triển đô thị Hà Nội. Qua đó làm rõ các mối quan hệ cơ bản trong quản lý phát triển nhanh, bền vững Thủ đô theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh và hiện đại.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-phat-trien-do-thi-thong-minh-phai-co-cu-dan-va-nha-quan-ly-thong-minh-443958.html