19/01/2025 | 23:51 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Nhiều hoạt động văn hóa vào dịp Tết Trung thu truyền thống năm 2019

Cập nhật lúc: 07/09/2019, 20:00

Tối 6/9, tại khu vực không gian văn hóa phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức khai mạc hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống...

Tối 6/9, tại khu vực không gian văn hóa phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức khai mạc hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống năm 2019. Ngay sau Lễ khai mạc nhiều hoạt động văn hóa nhân dịp Tết Trung thu năm 2019 đã diễn ra.

Tết Trung thu có nguồn gốc từ nền văn minh nông nghiệp, văn minh lúa nước. Từ xa xưa, người dân rất coi trọng hai thời điểm trong năm đó là: tiết mùa xuân là tiết vào mùa và mùa thu là tiết thu hoạch. Vào mùa thì có lễ cầu, tới kỳ thu hoạch sẽ có lễ tạ ơn. Đó là phong tục chung của cư dân trồng trọt. Người dân vui mừng mùa màng bội thu nên làm lễ tạ ơn Trời đất, tạ ơn Thần Nông, lễ tạ ơn ông bà tổ tiên. Tết Trung thu là một trong những lễ tết lớn nhất của người Việt, diễn ra vào giữa mùa thu, đúng vào rằm tháng tám âm lịch, ngày trăng tròn và sáng nhất trong năm.


Múa lân tại Hoàng thành Thăng Long.

Vào thời Lý, Tết Trung thu đã trở thành lễ hội mang tính chất quốc gia do chính nhà vua tổ chức, diễn ra trong ba ngày với nhiều hoạt động như cúng tổ tiên, thăm hỏi người thân, đua thuyền, biểu diễn rối nước, rối cạn… Khắp nơi trong kinh thành Thăng Long đều được trang hoàng gấm vóc, đèn hoa lộng lẫy, nhân dân nô nức đi xem hội. Các triều đại phong kiến sau, Trung thu vẫn là lễ tiết quan trọng của hoàng tộc và đất nước.


Làm đèn ông sao

Trong dân gian truyền thống, các gia đình ban ngày làm cỗ cúng gia tiên, buổi tối bày cỗ thưởng trăng. Mâm cỗ thường có bánh hình mặt trăng, tôm, cá, hoa, quả… được làm từ bột và nhuộm màu sặc sỡ cùng các sản vật mùa thu như cốm, hồng, na, chuối, bưởi… Mọi người cùng ngắm trăng thưởng nguyệt, vui chơi chơi, rước đèn, phá cỗ trong tiếng trống của múa lân, sư tử cùng nghe hát trống quân như một ngày hội dưới ánh trăng rằm.

Vào sáng ngày 6/9/2019, chương trình Vui Tết Trung Thu 2019 với chủ đề "Trống hội trăng thu" đã được khai mạc tại Hoàng thành Thăng Long.

Tiếp đến tối 6/9, tại khu vực không gian văn hóa phố bích họa Phùng Hưng (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), UBND quận Hoàn Kiếm đã tổ chức khai mạc hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống năm 2019.


Các đồ chơi truyền thống dịp Tết Trung thu.

Sau lễ khai mạc, một loạt các hoạt động văn hóa Tết Trung thu truyền thống năm 2019 được diễn ra.

Cụ thể, tại Đình Kim Ngân (số 42-44 Hàng Bạc, phường Hàng Bạc, quận Hoàn Kiếm) giới thiệu không gian Tết Trung thu truyền thống, tại đây, các nghệ nhân trình diễn và hướng dẫn cách làm đồ chơi dân gian gồm: các loại đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy, diều giấy, tàu thủy bằng sắt tây, nghệ thuật tò he.

Tại Ngôi nhà Di sản (87 Mã Mây, phường Hàng Buồm) giới thiệu không gian Tết trung thu truyền thống của gia đình Hà Nội, giới thiệu bộ ảnh Trung Thu Phố cổ đầu thế kỷ XX của Trung tâm Thông tin Khoa học Xã hội - Viện Hàn Lâm khoa học Xã hội Việt Nam.

Tại Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ, phường Hàng Buồm) hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: vẽ mặt nạ, vẽ đèn tre, làm bưu thiếp và vẽ trên giấy dó, làm đèn con thỏ, vẽ con cá bằng gỗ.


Các em nhỏ học nặn tò he.

Tại phố bích họa Phùng Hưng có các hoạt động sắp đặt các gian hàng giới thiệu về đồ chơi, các nghệ nhân và thợ thủ công trực tiếp hướng dẫn cách làm đồ chơi truyền thống như: Đèn ông sao, ông tiến sĩ, ông đánh gậy do thợ thủ công Vân Canh, huyện Hoài Đức thực hiện; đèn kéo quân do nghệ nhân xã Cao Viên huyện Thanh Oai thực hiện; tàu thủy bằng sắt tây do thợ thủ công phường Khương Hạ, quận Thanh Xuân thực hiện…. Thời gian diễn ra từ ngày 6 - 13/9 (ngày 9 - 15/8 âm lịch).