Hà Nội: Mùa mưa bão, trồng thêm hay thay thế xà cừ bằng cây gì?
Cập nhật lúc: 14/06/2017, 08:37
Cập nhật lúc: 14/06/2017, 08:37
Lý do Sở Xây dựng Hà Nội đưa ra cho việc thay thế cây xà cừ là loại cây này không phải cây đô thị, phần lớn già cỗi, dễ gãy đổ khi gặp thời tiết mưa bão. Liên tiếp nhiều vụ tai nạn do cây đổ gây thiệt hại người và của diễn ra trong các đợt mưa lớn.
Tuy nhiên, GS.TS Lê Đình Khả (nguyên Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng) khẳng định lỗi không thuộc về cây mà do con người. Cây đổ gẫy là do trong quá trình xây dựng, làm đường, lắp cáp quang làm cho bộ rễ của cây bị chặt quá nhiều nên khi gió mạnh cây bị đổ. Hầu hết những cây bị đổ đều là cây trồng trong nội thành, còn những cây trồng ở trục đường lớn, bộ rễ phát triển đầy đủ thì dù mưa gió to cũng khó bị đổ, điển hình là dãy xà cừ trên đường Phạm Văn Đồng.
Bên cạnh đó, ông Khả cũng cho rằng, việc tỉa cành vào cuối mùa sinh trưởng làm cho cây khó ra chồi mới, khiến cây bị xơ xác, tuy có khả năng chống gió bão, song ít khả năng che bóng.
Một số cây hiện nay quá nghiêng là do cây có tính hướng quang, đòi hỏi ánh sáng, trong khi cây trong đô thị, nhiều nhà cao tầng che mất ánh sáng nên cây phải hướng quang ra mặt đường và khi gió to thì đổ. Bởi vậy, nếu thay thế xà cừ thì cần phải khảo sát cụ thể, phân loại rõ, chỉ chặt những cây có nguy cơ đổ, quá già cỗi, sâu mục, nguy cơ mất an toàn, không phù hợp cảnh quan hoặc tính chất bóng mát không còn.
GS. Khả nhấn mạnh: “Thực tế, cây xà cừ được trồng ở Việt Nam rất lâu và cũng trồng ở rất nhiều nơi. Đây là cây nhiệt đới, có bóng mát, không rụng lá, tán đẹp. Cây xà cừ tuy nhập từ châu Phi nhưng đã trồng từ lâu ở Việt Nam, đã được bản địa hóa, phù hợp với điều kiện khí hậu thời tiết ở nước ta, nên những cây sinh trưởng bình thường thì không cần thay thế”.
Không riêng Hà Nội mà hầu hết các đô thị tại Việt Nam đang ngày càng mở rộng nhiều tuyến đường giao thông mới. Việc lựa chọn cây trồng phù hợp là bài toán đặt hiện tại đặt ra cho cả hai bên đầu tư xây dựng và lâm nghiệp.
Trình bày quan điểm của mình, GS.Lê Đình Khả cho hay: Nếu chọn cây trồng cho những con đường mới thì nên chọn cây bản địa, vì có khả năng thích nghi cao, chứ không nên trồng cây ngoại lai. Những cây bản địa thay thế có ở nhiều vùng trong nước.
“Cây trồng trong đô thị đẹp nhất là cây của nước nào nước đó trồng như Úc trồng keo, Nga trồng bạch dương, đều phù hợp với khí hậu bản địa. Ở Việt Nam chúng ta, cây bản địa lâu nay trồng rất nhiều, có thể kể đến như bằng lăng, lộc vừng, lim xẹt, cây sấu. Bên cạnh đó, tất cả các cây rừng đều có thể trồng được, không cần quá phân biệt các loại cây, chỉ cần đó là cây đẹp thì trồng” – GS.Khả chia sẻ.
Ngoài ra, không nên nhầm lẫn giữa cây lấy gỗ và cây bóng mát đô thị vì chúng có tính chất hoàn toàn khác nhau.
Ngay cây trồng đường phố cũng cần theo tính chất các loại đường như đường cao tốc, đường cách xa khu dân cư, đường ven hồ, đường nội đô, cây công viên... Cây đường phố phải có bóng mát quanh năm, không rụng lá, tán lá cao, không che khuất tầm nhìn, trong khi cây công viên có thể rụng lá. Cây trồng ở trường học, công viên, có thể chọn những cây tán rộng có thể rụng lá theo mùa, có hoa đẹp để đảm bảo mỹ quan.
Dưới đường sắt trên cao nên chọn cây bách tán hay cây tùng, không chọn cây cao. Khoảng cách trồng phải tùy theo độ rộng về sau của tán cây, có thể 8 -10 m, mặc dù hiện nay một số tuyến đường các cây chỉ cách nhau khoảng 3m.
Cuối cùng, chọn cây và vị trí trồng cây cũng phải phù hợp và phải tính toán, để tránh đường dây điện, phải tính đến khoảng 5 -10 năm sau chứ không phải trồng rồi đợi nó chạm dây điện lại chặt.
10:37, 02/06/2017
14:43, 28/07/2016
11:21, 05/07/2016
19:19, 17/06/2016