19/01/2025 | 10:22 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội mùa Đông không lạnh: Đào nở sớm, Quất chết khô chất đống bên đường dịp cận tết

Cập nhật lúc: 29/12/2016, 05:09

Năm nay, Hà Nội mùa Đông lạnh, nắng ấm kéo dài khiến những vườn đào Tết nở sớm, vườn Quất cũng chín sớm và chết khô khiến nhiều hộ trồng hoa và quất mùa Tết thua lỗ nặng, thậm chí mất trắng.

Đào nở rộ hoa quá sớm 

Từ giữa tháng 11 âm lịch, các chợ hoa như Hoàng Hoa Thám, Quảng An đã tràn ngập đào Tết. Giá đào lúc này trung bình chỉ bằng 30-50% so với năm ngoài. Tại chợ hoa Quảng an, giá một cành đào cỡ vừa năm trước có giá 70.000 – 80.000 thì nay chỉ còn khoảng 30.000 – 40.000 đồng. Đào cỡ lớn được giá hơn, nhưng vẫn mất gần 50%, bởi nhà vườn không thể không cắt bán nếu đào đã rộ hoa.

Năm nay, thời tiết có phần ấm áp hơn năm ngoái nên hoa đào, hoa mai đã chớm nở, báo hiệu mùa xuân đang dần đến. Tại vườn đào Nhật Tân, một số hộ trồng đào đã tuốt lá sớm cho hoa bung nở, phục vụ những người chơi đào dịp rằm tháng chạp.

Ông Trịnh Văn Vụ một người trồng đào lâu năm ở vườn Nhật Tân cho biết năm nay, gia đình ông trồng khoảng 500 gốc, chủ yếu là đào cành và đào cổ thụ. Tuy nhiên, do thời tiết năm nay ấm hơn nên khả năng lỗ vốn là rất cao, thậm chí có thể mất trắng.

Cô Cau, một người trồng đào cho biết, cô đã bán đào từ đầu tháng 11 âm lịch, ngày nào cũng có vài khách đến hỏi mua, còn lại cô cắt cành để bán buôn, với giá 50k/cành đào nhỏ. Sau đó, tiểu thương sẽ đem bán ngoài chợ với giá dao động từ 70-150k/cành.

Những cánh đào Nhật Tân với hoa, nụ nở bung khoe sắc thắm

Những cánh đào Nhật Tân với hoa, nụ nở bung khoe sắc thắm

Không chỉ riêng ông Vụ, nhiều hộ trồng đào khác cũng lâm vào hoàn cảnh lỗ vốn từ hàng chục đến hàng trăm triệu phí thuê đất, mua giống, phân bón và công trông giữ từ đầu năm, đặc biệt là giống đào Thất Thốn phải chấp nhận giảm diện tích trồng. Nhiều nhà thậm chí bỏ hoang vườn, không tỉa lá vì khó căn thời điểm hãm hoa vì thời tiết thất thường.

Nếu thời tiết tiếp tục nắng ấm như năm nay, nhiều gia đình có thể sẽ nghĩ đến việc trả vườn, bỏ trồng đào vì đã lỗ liên tục vài năm trở lại đây. Bên cạnh đó, được biết, những gốc đào nở đúng dịp Tết có thể sẽ bán với giá gấp đôi thậm chí gấp 3 do nhu cầu lớn của thị trường. Dù vậy phần thu bù của những gốc nở đúng Tết vẫn không đủ bù lại chênh lệch.

Quất Tết chết khô

Quất chết khô chất thành từng đống

Quất chết khô chất thành từng đống

Phường Tứ Liên (quận Tây Hồ) là vùng trồng quất nổi tiếng ở Hà Nội. Mỗi năm, nơi đây bán ra hàng triệu cây quất cảnh phục vụ người dân khắp các tỉnh miền Bắc chơi Tết. Tuy nhiên, thời tiết khắc nghiệt năm nay khiến người nông dân nơi đây hết sức khó khăn. 

Những cây quất đang xanh tốt, quả vàng đẹp trĩu cành những ngày này bỗng nhiên lá rũ xuống chuyển vàng, quả rụng và cây chết dần.

Theo ước tính của hợp tác xã nông nghiệp phường Tứ Liên, người trồng quất cảnh ở địa phương năm nay có nguy cơ thiệt hại hàng chục tỷ đồng.

Mùa đông năm nay, thời tiết nắng, nóng, không có mưa nên quất héo khô, người trồng quất phải chặt bỏ cây chất đầy ven đường và bị đốt bỏ đi. Số cây sống sót cũng rất xấu. Những gốc quất chết khô được đánh đi, nhường chỗ cho rau xanh.

Chị Yến chủ vườn quất Duy Tiến cho biết: “Trời không mưa, không lạnh quất chín hết. Vườn quất nhà Yến có hơn 1.000 cây thì đã bị chết mất 1/3. Số còn lại chất lượng không cao, cây không đẹp”.

Theo người trồng quất, giá cả năm nay dự kiến có tăng nhưng không đột biến. Những cây đẹp giá sẽ cao hơn hẳn năm ngoái vì số lượng không nhiều.

Vườn quất Quang Trường có khoảng 300 cây. Mỗi ngày 2 lần anh Quang, chủ vườn bơm nước tưới cây. Tỉ lệ cây chết khá ít do anh Quang có nhiều kinh nghiệm trong chăm sóc cây. Tuy nhiên, vườn quất của anh dự kiến chỉ lãi 100 triệu đồng vì chất lượng thấp nhưng vì đây là làng nghề truyền thống trồng quất nên anh phải cố theo nghề. Anh Quang cho biết đã đầu tư thêm hệ thống bơm để chủ động tưới nước mỗi ngày.

Không khỏi xót ruột khi nhìn những đống quất cảnh bung rễ chết héo khô bên vệ đường, chủ vườn quất Tài than thở: “Đâm lao thì phải theo lao thôi. Giờ trồng quất xong thì bán hết đất đi mà trả nợ”. 

Ông Tài kể nhà ông có gần trăm gốc quất. Gốc to giá bán tại vườn từ 10-15 triệu đồng, quất cảnh trong chậu dao động từ 600.000 đồng đến 1 triệu đồng một gốc. Tuy nhiên, chi phí phân bón, công thuê, tưới nước cũng phải chiếm đến 80% giá thành bán ra. Lợi nhuận chẳng là bao, trong khi quất chết không đủ bù trừ vào.

“Nhà tôi còn chết ít, nhiều nhà chết hàng chục cây. Năm nay, thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng đến giáp Tết. Ngoài ra, nhiều người còn mua phải phân bón giả, tưới vào xót cây chết hết. Người trồng quất mấy năm gần đây liên tục gặp cảnh cây chết khô khi gần vụ thu hoạch”, ông Tài xót xa nói.

Cách vườn ông Tài vài chục mét là vườn quất nhà bà Lan đang héo rũ, nhiều cây đã chết, lá khô rụng đầy gốc, quả héo quắt queo. “Giá nó chết từ lúc mới trồng thì còn đỡ. Đằng này gần đến ngày thu hoạch mới lăn ra chết, bao nhiêu tiền của đổ xuống cả sông Hồng”, bà Lan nói.

Bà Lan kể mỗi gia đình ở Tứ Liên bỏ ra ít thì hơn 100 triệu, nhiều vài trăm triệu để đầu tư quất Tết, vì có những cây giống lên tới vài triệu đồng. Nhưng cách đây hơn 1 tháng, nhiều cây bị thối rễ, vàng lá, có dấu hiệu chết.

Lý giải hiện tượng này, bà cho rằng một phần do quất bị nấm rễ, một phần thời tiết nắng mưa thất thường. Giữa năm mưa nhiều úng nước không thoát được, nhưng cuối năm lại nắng nóng to, kéo dài.

Được biết, trong 3 năm liên tục từ 2013, 2014 và 2015, quất Tứ Liên đã chịu cảnh mất mùa khi giáp Tết, hàng trăm cây quất cảnh chết héo, khô rễ, vàng lá không rõ nguyên nhân.

Như vậy, với tình hình đào và quất Tết thất thu như hiện nay, tuy rằng có người vẫn giữ nghề truyền thống nhưng nhiều khả năng một số hộ trồng hoa Tết sẽ chuyển sang lĩnh vực khác. Mặt khác, dự báo số lượng hoa Tết năm nay sẽ giảm nhiều vì những hộ cung cấp hoa Tết ở miền Trung cũng mất trắng sau 5 đợt lũ liên tục, đồng thời giá cả cũng sẽ phải tăng gấp 2-3 lần so với những năm trước.