Hà Nội: Lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần, người dân không lo thiếu
Cập nhật lúc: 07/03/2020, 20:26
Cập nhật lúc: 07/03/2020, 20:26
Ngày 7-3, Sở Công Thương Hà Nội cho biết, ngay từ đầu tháng 2-2020, Sở đã chủ động tiếp tục triển khai công tác bình ổn thị trường sau Tết theo Chương trình bình ổn thị trường của thành phố. Hàng hóa vẫn đáp ứng đầy đủ, giá cả ổn định, không tăng, thậm chí giá một số mặt hàng thiết yếu tại các siêu thị còn thấp hơn so với ngoài chợ dân sinh.
Theo báo cáo của các doanh nghiệp, lượng hàng hóa dự trữ phòng chống dịch tăng 30-40%, các doanh nghiệp tiếp tục có phương án tăng cường hàng hoá ngay từ đêm 6-3 và sáng sớm ngày 7-3.
Theo báo cáo nhanh của doanh nghiệp, lượng hàng dự trữ tăng gấp 4-5 lần, các nhà cung cấp đã lên kế hoạch phân bổ hàng hóa chuyển từ các tỉnh về cho hệ thống phân phối tại Hà Nội. Hệ thống siêu thị Co.opmart tăng lượng dự trữ ngay tại các kho của Hà Nội, Bắc Ninh, lượng hàng tăng 30%, huy động nhân sự đi làm 100%. Tại hệ thống BigC, lượng hàng tăng từ 30-40%, siêu thị bố trí cán bộ liên tục cung ứng hàng trong siêu thị, vận chuyển hàng hóa từ các kho về hệ thống phân phối... Các siêu thị cũng đẩy mạnh kênh bán hàng thương mại điện tử để phục vụ nhu cầu nhân dân trong phòng, chống dịch.
Sở Công Thương Hà Nội đã xây dựng phương án dự trữ hàng hóa theo 4 cấp độ dịch của thành phố. Trong đó tập trung vào cấp độ 3-4, bảo đảm sẵn hàng hóa phục vụ nhân dân và phục vụ cho địa phương có khu vực cách ly của thành phố.
Đồng thời, Sở chỉ đạo các nhà cung cấp, các nhà sản xuất bảo đảm cung ứng đủ hàng hóa cho các hệ thống phân phối và phục nhu cầu của nhân dân; chủ động kết nối với các tỉnh, thành phố, sẵn sàng cung ứng ngay hàng về Hà Nội khi có nhu cầu sử dụng cao và có biến động xảy ra; thành lập các tổ công tác đi kiểm tra, nắm bắt tình hình hàng hóa, giá cả, báo cáo trong ngày để kịp thời chỉ đạo.
Sở đã có văn bản đề nghị Cục Quản lý thị trường Hà Nội tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, không để hiện tượng găm hàng, bán tăng giá, không niêm yết giá…
“Trong bất kỳ tình huống nào, các hệ thống phân phối của Hà Nội cũng bảo đảm đáp ứng đầy đủ nhu cầu của nhân dân, kể cả khi lượng mua sắm tăng cao, không để xảy ra thiếu hàng; phân bổ lượng hàng hóa đầy đủ trong hệ thống, không để địa bàn bị trống hàng, thiếu hàng”, đại diện Sở Công Thương khẳng định trong sáng 7-3.
Theo báo cáo nhanh của Sở Công Thương Hà Nội, hiện Sở đã triển khai lực lượng xuống các địa bàn, các điểm bán hàng của các siêu thị để chỉ đạo việc tăng nguồn cung, kiểm tra việc cung ứng hàng hóa. Đồng thời phối hợp với các nhà phân phối, các quận, huyện, thị xã tuyên truyền để người dân an tâm và hạn chế mua hàng hóa tích trữ.
Theo báo cáo nhanh của một số doanh nghiệp phân phối, lượng khách đến mua hàng từ sáng 7-3 có tăng, nhưng hiện nguồn cung hàng hóa tại các điểm bán hàng của các siêu thị vẫn đáp ứng đủ nhu cầu.
Theo chỉ đạo của Bộ Công Thương và đánh giá nhu cầu mua hàng của người dân đối với loại hình phân phối bán lẻ hiện đại trong giai đoạn dịch bệnh sẽ tăng nên các doanh nghiệp đã chủ động tăng lượng dự trữ hàng hóa gấp 3 lần so với trước.
Trong ngày 7-3, hệ thống các siêu thị đang triển khai phương án điều nguồn hàng từ bên ngoài Hà Nội về các điểm bán hàng trong thành phố để cung cấp cho người dân.
Hiện việc kiểm soát dịch bệnh và bảo đảm nguồn cung hàng hóa đang được Chính phủ và các bộ và thành phố Hà Nội triển khai quyết liệt và sát sao nên người dân không nên quá lo lắng.
Sáng 7-3, Bộ Công Thương đã có văn bản chỉ đạo các doanh nghiệp phân phối (hệ thống các siêu thị, các cửa hàng tiện ích…) trên địa bàn Hà Nội tăng cường nguồn cung hàng hóa, nhất là các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, bảo đảm đáp ứng đủ nhu cầu của người dân; có phương án điều tiết nguồn hàng từ các nhà cung cấp, từ các điểm bán hàng ngoài Hà Nội để tăng lượng cung ứng cho địa bàn thành phố Hà Nội. Bộ chỉ đạo Sở Công Thương Hà Nội bám sát tình hình thị trường, trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các doanh nghiệp phân phối trên địa bàn triển khai các phương án bảo đảm nguồn cung hàng hóa cho thị trường, giữ ổn định tâm lý thị trường.
20:08, 07/03/2020
20:01, 07/03/2020
17:55, 07/03/2020