18/01/2025 | 20:12 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Khai báo y tế bắt buộc và lấy mẫu xét nghiệm tất cả hành khách nhập cảnh

Cập nhật lúc: 17/03/2020, 11:12

Chiều 16-3, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp...

Chiều 16-3, tại trụ sở UBND thành phố Hà Nội, đồng chí Nguyễn Đức Chung, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của vi rút corona (Covid-19) thành phố Hà Nội chủ trì cuộc họp của Ban Chỉ đạo. Tham dự cuộc họp có Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý và lãnh đạo 30 quận, huyện, thị xã. 

Quang cảnh cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố Hà Nội ngày 16-3.

Các trường hợp nhiễm Covid-19 đều xác định rõ nguyên nhân

Theo Sở Y tế Hà Nội, tính đến 15h ngày 16-3, thế giới ghi nhận 169.928 trường hợp mắc Covid-19, trong đó có 6.521 trường hợp tử vong. Bệnh xâm nhập sang 156 quốc gia và vùng lãnh thổ. Một số nước đang có xu hướng dịch gia tăng là: Italia, Iran, Hàn Quốc, Tây Ban Nha, Pháp, Hoa Kỳ, Nhật, Anh...

Tính đến 15h ngày 16-3, Việt Nam ghi nhận 57 trường hợp nhiễm Covid-19; đã điều trị khỏi 16/57 trường hợp; còn 41 trường hợp đang được điều trị cách ly, theo dõi tại bệnh viện.

Tính thời điểm này, Hà Nội ghi nhận 11 trường hợp dương tính với Covid-19. Các ca bệnh này đều đang được cách ly, điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương cơ sở 2.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố đã xác lập được danh sách các trường hợp tiếp xúc với các bệnh nhân, trong đó, các trường hợp thuộc diện F1 là 376 người, F2 là 918 người. Cơ quan chức năng đã lấy 128 mẫu xét nghiệm và đều âm tính.

Về việc giám sát hành khách nhập cảnh qua sân bay quốc tế Nội Bài, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền cho biết, từ 0h ngày 15-3 đã thực hiện kiểm dịch y tế và khai báo y tế đối với tất cả hành khách nhập cảnh từ các nước.

Đến 12h ngày 16-3, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm dịch cho 826 hành khách từ các quốc gia có dịch về sân bay Nội Bài và chuyển tới các khu cách ly...

Hiện số người cách ly tại khu cách ly tập trung và tại bệnh viện là 1.834 người. "Đến nay, số người mắc Covid-19 tại Hà Nội đều xác định rõ nguyên nhân. Thời gian tới, cơ quan chức năng tiếp tục tăng cường rà soát các trường hợp có liên quan, tiếp xúc ca bệnh; tổ chức khai báo y tế bắt buộc và lấy mẫu xét nghiệm tất cả hành khách nhập cảnh vào Việt Nam, sau đó chuyển tới khu cách ly tập trung theo quy định", ông Nguyễn Khắc Hiền cho biết.

Chuẩn bị các phương án tổ chức cách ly ở quy mô lớn

Tại cuộc họp, đại diện các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hà Đông... cho biết đã tập trung rà soát, khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc, liên quan với các ca bệnh và thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống dịch như: Tạm dừng hoạt động tại các quán bar, karaoke, các điểm vui chơi, giải trí...

Trong đó, quận Hoàn Kiếm đã xác định được 333 trường hợp có liên quan đến bệnh nhân nhiễm Covid-19 đi trên các chuyến bay từ nước ngoài về Việt Nam để cách ly, theo dõi. Hiện, sức khỏe của các trường hợp trên đều ổn định.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chủ trì cuộc họp.

Quận Ba Đình xác định có 117 trường hợp thuộc diện F1, 237 trường hợp thuộc diện F2... Trong các trường hợp tiếp xúc gần đã có 122 người cho kết quả âm tính. Quận Cầu Giấy xác định có 67 trường hợp thuộc diện F1; 313 người thuộc diện F2; 414 người thuộc diện F3. Quận Long Biên xác định được 31 đối tượng thuộc diện F1, 52 trường hợp thuộc diện F2...

Bên cạnh việc xác định, khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc gần, liên quan đến các ca bệnh, các địa phương cũng thực hiện nghiêm túc việc dừng, hoãn các hoạt động giải trí, hạn chế tổ chức các sự kiện tập trung đông người. Tiêu biểu là huyện Đông Anh có 67 đám cưới được người dân chủ động hoãn; quận Đống Đa dừng hoạt động 126 cơ sở karaoke, 27 cơ sở hoạt động trò chơi điện tử, xử phạt những cơ sở không thực hiện việc tạm dừng hoạt động đúng quy định...

Tại cuộc họp, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố cho biết, để chủ động ứng phó, các trường y, dược trên địa bàn Hà Nội đã sẵn sàng bổ sung nguồn lực đi điều tra, xác minh, lấy mẫu để xét nghiệm. Các cơ quan, đơn vị cũng tiến hành bồi dưỡng, tập huấn kiến thức chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, để có thể thay nhau làm việc 3 ca/ngày.

Sở Du lịch Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát tất cả những trường hợp đi trên những chuyến bay có ca bệnh và những chuyến bay đến từ vùng dịch, qua đó làm tốt công tác cách ly, lấy mẫu để xét nghiệm.

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý phổ biến các nội dung từ cuộc họp Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, trong đó nổi bật các phần việc mà Thủ tướng chỉ đạo, như: Tiếp tục tạm dừng cấp visa một số nước châu Âu vào Việt Nam; hạn chế tối đa hoạt động tập trung đông người; tiếp tục thực hiện các hình thức cách ly; chuẩn bị cơ sở vật chất cho phương án cách ly khi đón công dân Việt Nam ở các nước trở về ...

Tập trung mọi nguồn lực, không để dịch lây lan

Kết luận tại cuộc họp, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung nhận định, tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng đang ở giai đoạn 2, là giai đoạn tiềm ẩn nhiều nguy cơ và có khả năng lây lan mạnh. Tại Hà Nội, đến nay vẫn chưa phát sinh ca bệnh không rõ nguồn gốc, đó là cơ sở để khẳng định thành phố vẫn đang kiểm soát tốt dịch Covid-19.

"Đây là lúc thành phố cần tập trung mọi nguồn lực, không được chủ quan, lơ là, nhưng cũng không hoang mang để thực hiện mọi biện pháp phòng, chống dịch với mục tiêu không để dịch lây lan ra cộng đồng", đồng chí Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại cuộc họp Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 thành phố ngày 16-3.

Thêm một tín hiệu vui được đồng chí Nguyễn Đức Chung thông tin tại cuộc họp là Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố hiện nay có thể lấy từ 1.500 đến 2.000 mẫu/ngày và thực hiện xét nghiệm theo phương pháp hiện đại, cho kết quả khá chính xác ở giai đoạn đầu khi phát hiện trường hợp âm tính.

Việc phát hiện sớm các ca âm tính có thể giúp cho thành phố nhanh chóng thực hiện khoanh vùng các đối tượng tiếp xúc với ca bệnh để có giải pháp giám sát, cách ly phù hợp. Theo đó, những trường hợp F1 nếu có xét nghiệm âm tính thì các trường hợp F2 và F3 có thể giảm được áp lực tâm lý.

Tuy nhiên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng lưu ý, kết quả xét nghiệm âm tính lần 1 chỉ là bước đầu, chưa thể yên tâm hoàn toàn. Các đối tượng xét nghiệm âm tính vẫn cần thực hiện cách ly đầy đủ 14 ngày theo quy định, giảm tiếp xúc với người thân, nếu có biểu hiện ho, sốt, khó thở phải liên lạc với cơ sở y tế để xét nghiệm lại ngay. Đối với các trường hợp F1, F2, người từ nước ngoài về sẽ được lấy mẫu xét nghiệm miễn phí.

Theo đồng chí Nguyễn Đức Chung, hiện nay, thành phố có 3 nguy cơ lây nhiễm dịch Covid-19, đó là: Những người đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản tuy có giảm nhưng vẫn có nguy cơ cao; nguồn nguy cơ lây nhiễm ở cộng đồng vẫn rất lớn vì trên địa bàn có nhiều khách nước ngoài du lịch; công dân là sinh viên, học sinh đang trở về từ các nước.

Từ những phân tích trên, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị, sở, ngành, địa phương quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ.

Nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là các địa phương tăng cường tuyên truyền để mọi người dân nâng cao nhận thức trong phòng, chống dịch, thực hiện đeo khẩu trang tại nơi công cộng; tập trung mọi nguồn lực để phát hiện, kiểm soát người đến từ vùng dịch để có biện pháp ngăn chặn, giảm thiểu việc lây nhiễm ra cộng đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị, địa phương phải quản lý chặt số người tiếp xúc, liên quan với các ca bệnh, xác định rõ các đối tượng thuộc diện F1, F2, F3 để có biện pháp giám sát, cách ly phù hợp; giám sát chặt chẽ các trường hợp cách ly, đặc biệt là cách ly tại nhà, trường hợp không thực hiện cách ly theo đúng quy định, để lây nhiễm ra cộng đồng sẽ bị xử lý, thậm chí xem xét xử lý hình sự; tất cả các hoạt động vui chơi, giải trí, hoạt động tín ngưỡng tạm dừng đến hết tháng 3.

Ngoài ra, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu, các trường học trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện vệ sinh, khử khuẩn. Các đơn vị xây dựng phương án cách ly trên diện rộng, bảo đảm trang thiết bị y tế đầy đủ cho các cơ sở y tế, tính toán số lượng bác sĩ làm việc trong 1 ngày tại những cơ sở này...

Sở Y tế lên kế hoạch sử dụng sinh viên các trường quân y, đại học y để tiến hành tập huấn. Công an thành phố và Cục Quản lý thị trường phải đẩy mạnh việc kiểm tra, xử lý những trường hợp buôn bán động vật hoang dã.

Về công tác phối hợp tuyên truyền, đồng chí Nguyễn Đức Chung yêu cầu các địa phương phải phối hợp chặt chẽ, phân công rõ người, rõ trách nhiệm tới từng tổ dân phố; công khai, minh bạch thông tin người được phát hiện dương tính với vi rút SARS-CoV-2 và các trường hợp tiếp xúc với người bệnh.

"Với tinh thần quyết liệt, Hà Nội cố gắng thực hiện mục tiêu hạn chế tới mức thấp nhất sự lây lan của dịch. Ngoài ra, thành phố luôn bảo đảm cung ứng đủ lương thực, thực phẩm cho người dân", Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định.