18/01/2025 | 20:21 GMT+7, Hà Nội

Cần xử lý hình sự đối tượng cố tình khai báo y tế gian dối làm lây lan dịch bệnh

Cập nhật lúc: 16/03/2020, 13:00

Những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc, phẫn nộ trước việc bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 34 do cố tình khai báo gian dối đã trở thành trường hợp “siêu lây nhiễm” không chỉ ở Bình Thuận mà còn ở nhiều địa phương khác...

Những ngày qua, dư luận vô cùng bức xúc, phẫn nộ trước việc bệnh nhân nhiễm Covid-19 số 34 do cố tình khai báo gian dối đã trở thành trường hợp “siêu lây nhiễm” không chỉ ở Bình Thuận mà còn ở nhiều địa phương khác, ảnh hưởng xấu đến công tác phòng chống dịch bệnh.

Một bệnh nhân lây bệnh cho chục người, cách ly cả trăm người

Được biết, khi khai báo với cơ quan chức năng, bệnh nhân thứ 34 đã thông tin, xuống sân bay Tân Sơn Nhất, bệnh nhân đã đi thẳng về nhà riêng. Song trên thực tế, bệnh nhân này đã ở lại TP.HCM để giao lưu với đối tác, thậm chí còn đi đến nhiều nơi ở Phan Thiết ăn uống. Đến thời điểm hiện tại, bệnh nhân 34 đã lây bệnh cho một số người khác, khiến hàng trăm người phải cách ly, theo dõi.

Về trường hợp trên, Ông Nguyễn Đình Sơn – cán bộ hưu trí phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, trong khi dịch bệnh đã bùng phát nhưng bệnh nhân số 34 vẫn hồn nhiên đi gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều người, nhưng lại khai báo gian dối khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc khoanh vùng người tiếp xúc gần bệnh nhân này. Hành vi trốn khai báo y tế, trốn cách ly, thiếu hợp tác trong điều tra dịch tễ để lây lan ra nhiều người cần bị xử lý hình sự để làm gương.

Sơ đồ quá trình lây Covid-19 từ bệnh nhân 34 sang các bệnh nhân khác

Đồng quan điểm trên, bà Bùi Thu Cúc ở phường Kim Mã, quận Ba Đình, Hà Nội cho rằng, mới đây, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm đã yêu cầu công an toàn quốc phối hợp các cơ quan chức năng xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các trường hợp không khai báo, khai báo gian dối và không chấp hành cách ly y tế.

Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19 cũng đã phát động toàn dân khai báo y tế để lọc các trường hợp có tiền sử dịch bệnh. Người khai báo gian dối, đặc biệt cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam gây hậu quả nghiêm trọng sẽ bị khởi tố hình sự. Do đó, cơ quan chức năng cần xem xét xử lý nghiêm đối tượng cố tình khai báo gian dối.

Phân tích vụ việc dưới góc độ pháp lý, Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và Quyết định số 07/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ thì bệnh Covid-19 thì được xếp vào bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Luật phòng chống bệnh truyền nhiễm quy định, những hành vi bị nghiêm cấm gồm: Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm; người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm làm các công việc dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.

Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật; cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm...

Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của luật này; không chấp hành các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Có thể xử lý hình sự

Cũng theo Luật sư Lê Hồng Vân, Điều 240 BLHS 2015 đã quy định cụ thể hành vi làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người. Theo đó, hành vi trên được hiểu là đưa ra hoặc cho phép đưa ra khỏi vùng có dịch bệnh động vật, thực vật, sản phẩm động vật, thực vật hoặc vật phẩm khác có khả năng truyền dịch bệnh nguy hiểm cho người; các hành vi khác làm lây lan dịch bệnh nguy hiểm cho người.

Tùy theo tính chất, mức độ, hậu quả, đối tượng thực hiện hành vi có thể bị phạt tiền tới 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù 1-12 năm.

Về chế tài xử lý hành chính, theo Nghị định 176/2013/NĐ-CP hành vi khai báo gian dối về dịch bệnh sẽ bị phạt từ 5-10 triệu đồng. Song mức phạt này còn nhẹ, không đủ sức răn đe.

"Trong tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, cơ quan chức năng cần có biện pháp xử lý quyết liệt để răn đe và phòng ngừa chung bởi hậu quả do hành vi khai báo gian dối của đối tượng nhiễm Covid-19 gây ra là rất lớn. Để xác định những trường hợp khai báo gian dối làm lây lan dịch bệnh có đủ căn cứ xử lý hình sự hay không thì cơ quan chức năng cần khởi tố vụ án để điều tra" - Luật sư Hồng Vân nhận định.

Để chung tay phòng chống dịch bệnh, mỗi cá nhân nhập cảnh vào Việt Nam cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch bệnh, tuân thủ các khuyến cáo của Bộ Y tế, cung cấp lộ trình và tình trạng sức khỏe của bản thân một cách trung thực. Bên cạnh đó, những người thân biết bệnh nhân mắc Covid-19 nhưng che giấu, không khai báo với cơ quan chức năng cũng có thể bị xem xét xử lý theo quy định - Luật sư Hồng Vân khuyến cáo.