29/03/2024 | 16:04 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Khắc phục hạn chế trong công tác quản lý đất đai

Cập nhật lúc: 23/06/2022, 09:05

UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 167/2022/KH-UBND về khắc phục những hạn chế, khuyết điểm được chỉ ra sau hội nghị kiểm điểm năm 2021, thuộc lĩnh vực tài nguyên và môi trường.

Khắc phục hạn chế trong công tác quản lý đất đai

Cụ thể, UBND TP Hà Nội yêu cầu các cấp, ngành của thành phố sẽ tập trung khắc phục những hạn chế, yếu kém trong công tác quản lý đất đai, quản lý khai thác khoáng sản; tổ chức xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các nội dung, nhiệm vụ theo đúng phương châm “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình và rõ hiệu quả”. Nêu cao trách nhiệm của đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp trong thực hiện nội dung kế hoạch của UBND TP, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả.

Xây dựng lộ trình thực hiện cho từng nhiệm vụ cụ thể nhằm thực hiện hiệu quả các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ đã đề ra tại kế hoạch của UBND TP. Phân công tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm chỉ đạo, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, khen thưởng, kỷ luật trong quá trình tổ chức thực hiện. Xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cụ thể của từng cơ quan, đơn vị; phân công rõ trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu của cơ quan, đơn vị. Đồng thời, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện, kịp thời rút kinh nghiệm, điều chỉnh bổ sung phù hợp.

UBND TP giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiến hành thanh tra, hậu kiểm các kết luận thanh tra trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp, đất nông nghiệp công ích và đất công trên địa bàn hàng năm. Đặc biệt, chú trọng việc tập trung xử lý vi phạm về đất đai; quản lý đất công, đất nông nghiệp công ích.

Hà Nội yêu cầu khắc phục hạn chế trong công tác quản lý đất đai
Hà Nội yêu cầu khắc phục hạn chế trong công tác quản lý đất đai (Ảnh: Internet)

Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị liên quan, UBND cấp huyện kiểm tra, chấn chỉnh và xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân thực hiện giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, tính thu nghĩa vụ tài chính về đất đai không đúng quy định của pháp luật, buông lỏng quản lý để xảy ra tình trạng lấn chiếm, chuyển mục đích sử dụng đất trái phép. Rà soát, báo cáo hiện trạng sử dụng đất công giao thầu sản xuất nông nghiệp, phục vụ hoạt động thủy lợi, hoạt động dịch vụ, sản xuất trên địa bàn TP.

Đối với UBND các quận, huyện, thị xã, hằng năm thực hiện quyết liệt và có những giải pháp đồng bộ để xử lý dứt điểm các vi phạm trong quản lý, sử dụng đất nông nghiệp công ích, đất công; quản lý, sử dụng đất công, đất nông nghiệp công ích theo quy định của pháp luật về đất đai./.

Trước đó, HĐND TP Hà Nội cũng đã ban hành Nghị quyết số 15/2018/NQ-HĐND, ngày 06/12/2018, yêu cầu UBND Thành phố tiếp tục rà soát, tổng hợp chính xác các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố để chỉ đạo thanh tra, xác định vi phạm, phân loại và xử lý vi phạm phù hợp theo quy định.

Sau rà soát, nếu phát hiện các dự án có sai phạm, UBND TP sẽ đăng công khai danh mục các dự án chậm triển khai, các trường hợp sử dụng đất sai mục đích, vi phạm Luật đất đai trên Cổng giao tiếp điện tử thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng định kỳ 06 tháng/lần. Đồng thời, sẽ tiến hành thu hồi các dự án chậm tiến độ vi phạm Luật Đất đai đảm bảo pháp lý, đúng trình tự, thủ tục; đôn đốc, tháo gỡ khó khăn vướng mắc đối với các dự án ngoài ngân sách để triển khai đúng tiến độ, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả sử dụng đất.

Ngoài ra, HĐND TP yêu cầu UBND TP tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra, kiến nghị của kiểm toán về công tác quản lý đất đai, quản lý các dự án sử dụng đất vốn ngoài ngân sách trên địa bàn, nhất là các dự án được gia hạn thời gian sử dụng đất.

Bên cạnh đó, hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra 383 dự án (theo báo cáo của các quận, huyện, thị xã), 161 dự án (theo báo cáo của sở Tài nguyên và Môi trường) chậm triển khai, vi phạm Luật đất đai và xử lý theo quy định. Sau khi UBND thành phố nghiên cứu, sẽ trình HĐND thành phố để xem xét điều chỉnh nâng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai theo quy định của Luật Thủ đô tại kỳ họp gần nhất.

Đối với các tổ chức đang có dự án chậm triển khai, có vi phạm về quản lý và sử dụng đất đai, có dự án xây dựng sai quy hoạch, sai phép sẽ không được giao đất, giao dự án mới. Đồng thời, Thành phố cũng không xem xét gia hạn thời gian sử dụng đất, thời gian nộp tiền sử dụng đất, điều chỉnh tiến độ thực hiện dự án đối với dự án sử dụng đất sai mục đích.

Bài học về quản lý đất đai nhìn từ hàng loạt sai phạm

Theo quy định pháp luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, cụ thể như Luật xây dựng, Luật Nhà ở, Luật Đất đai và các điều khoản luật khác có liên quan.

Theo khoản 1 Điều 64 Luật đất đai số 45/2013/QH13 quy định các trường hợp thu hồi đất do vi phạm pháp luật về đất đai bao gồm: Đất được Nhà nước giao; cho thuê để thực hiện dự án đầu tư mà không được sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục; hoặc tiến độ sử dụng đất chậm 24 tháng so với tiến độ ghi trong dự án đầu tư; kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa phải đưa đất vào sử dụng.

Nếu các cơ quan quản lý không xử lý dứt điểm các sai phạm sẽ kéo theo vô vàn hệ huỵ về văn hoá, đời sống, an sinh xã hội
Nếu các cơ quan quản lý không xử lý dứt điểm các sai phạm sẽ kéo theo vô vàn hệ huỵ về văn hoá, đời sống, an sinh xã hội

Trường hợp không đưa đất vào sử dụng, chủ đầu tư được gia hạn sử dụng 24 tháng và phải nộp cho Nhà nước khoản tiền tương ứng với mức tiền sử dụng đất… hết thời hạn được gia hạn mà chủ đầu tư vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì Nhà nước thu hồi đất mà không bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất; trừ trường hợp do bất khả kháng…

Đối với việc chủ đầu tư, cá nhân sử dụng đất sai mục đích cũng sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định pháp luật. Theo đó, sử dụng đất không đúng mục đích là hành vi đưa đất thuộc quyền sử dụng và sở hữu của mình vào sử dụng trái với mục đích sử dụng đất đã được ghi trong giấy chứng nhận hoặc quyết định giao, cho thuê đất của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. 

Nếu các cơ quan quản lý không xử lý dứt điểm các sai phạm sẽ kéo theo vô vàn hệ huỵ về văn hoá, đời sống, an sinh xã hội. Mặt khác, cần làm rõ trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức để xảy ra sai phạm./.

Nguồn: https://dothi.reatimes.vn/toancanh/ha-noi-khac-phuc-han-che-trong-cong-tac-quan-ly-dat-dai-20201231000006587.html