19/01/2025 | 10:06 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Học sinh “quên Tết” để ôn thi vào lớp 10

Cập nhật lúc: 24/01/2019, 16:26

Tận dụng mọi lúc, mọi nơi, tăng cường ôn tập, học thêm… đó là hình ảnh của rất nhiều học sinh đang học lớp 9 tại Hà Nội hiện nay. Để chuẩn bị cho kỳ thi vào lớp 10 THPT sắp tới, nhiều học sinh ôn luyện ngày đêm, thậm chí dịp Tết cũng là thời điểm “lý tưởng” để ở nhà ôn thi.

  Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 tại Hà Nội được dự đoán căng thẳng hơn so với các năm trước. Ảnh minh họa: T.L

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 tại Hà Nội được dự đoán căng thẳng hơn so với các năm trước. Ảnh minh họa: T.L

“Khỉ Vàng” thi “nặng” nhất

Trong khi kỳ thi THPT Quốc gia (xét tốt nghiệp và xét tuyển vào đại học) được đánh giá là nhẹ nhàng, giảm sức ép, tuy nhiên kỳ thi vào lớp 10 tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước lại trở nên khá căng thẳng. Tiêu biểu là tại Hà Nội, hết lứa “Rồng Vàng” (sinh năm 2000) giờ là đến lứa “Khỉ Vàng” (2004) tăng đột biến, nên kỳ thi vào lớp 10 THPT năm học 2019-2020 sắp tới sẽ là cuộc cạnh tranh quyết liệt giữa các thí sinh. Sẽ có khoảng 70% học sinh tốt nghiệp lớp 9 THCS trong tổng số hơn 100 nghìn học sinh được vào trường công lập. Do đó, để không muốn phải học trường ngoài công lập, hệ bổ túc, nhiều gia đình đã sớm có kế hoạch tổ chức ôn tập cho con em mình.

Một điểm nữa khiến cuộc đua vào trường công lập tại Hà Nội “nóng” hơn các năm trước là do năm nay Bộ GD&ĐT quy định bãi bỏ cộng điểm khuyến khích cho học sinh có chứng chỉ nghề THCS trong tuyển sinh vào lớp 10. Bên cạnh đó, thí sinh cũng sẽ không được cộng điểm từ cuộc thi học sinh giỏi lớp 9 các môn văn hóa do Sở GD&ĐT tổ chức. Như vậy, kỳ tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2019 - 2020 tại Hà Nội chỉ áp dụng điểm ưu tiên cho học sinh con em gia đình chính sách, người dân tộc ít người… Đồng nghĩa với việc học sinh sẽ phải thi “tay bo” để giành suất vào THPT.

Ngoài các yếu tố nói trên, thí sinh của kỳ thi năm nay có phần áp lực hơn các năm trước bởi số môn thi đã được tăng lên gấp đôi thành 4 môn (Toán, Văn, Ngoại ngữ và môn thứ tư được công bố vào tháng 3 tới) cũng làm việc học của học sinh xáo trộn. Ngoài học 3 môn thi đã biết, các thí sinh còn phải học đều các môn còn lại trong nhóm 6 môn được quy định sẽ chọn 1 môn làm môn thi. Do tính chất cạnh tranh căng thẳng của kỳ thi vào lớp 10, nhiều học sinh đã sớm có kế hoạch tăng cường thời gian tự ôn, học thêm.

Để chuẩn bị tốt cho kỳ thi sắp tới, Sở GD&ĐT Hà Nội cho biết, Sở đã có chỉ đạo các nhà trường và tổ nhóm bộ môn xây dựng kế hoạch ôn tập cho học sinh, quan tâm tới học sinh có học lực yếu, kém… Hướng dẫn ôn tập cho học sinh phải bám sát chương trình và chuẩn kiến thức, kỹ năng; Hướng dẫn học sinh tự học, tự ôn tập với hình thức theo nhóm và ôn tập trung cả lớp; tránh học lệch, học tủ. Sở cũng lưu ý các trường thống nhất với học sinh và phụ huynh để sắp xếp thời gian hợp lý, đảm bảo sức khỏe cho học sinh, tránh quá tải.

Ngày học 4 ca vẫn lo... thiếu kiến thức

Do tính chất căng thẳng của kỳ thi, nhất là sẽ phải học nhiều môn hơn so với kỳ thi trước đây, nên với nhiều gia đình, việc chuẩn bị, tạo điều kiện cho con em có thời gian ôn tập là ưu tiên hàng đầu. Có con đang học lớp 9, chị Thanh Hòa (ở Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, năm nay kỳ thi của con thay đổi nhiều quá, có phần gấp gáp và tăng số môn nên không còn cách nào khác là phải học nhiều hơn mới có thể thi được. Vậy nên, biết con vất vả, nhưng cũng chẳng biết làm sao ngoài tạo điều kiện cho con học tập, ôn luyện mà không phải làm bất kỳ việc nhà nào.

“Lịch học của con cũng luôn kín mít từ đầu tuần tới cuối tuần, ngày thường học 3 ca, nhưng ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật học tới 4 ca học thêm liên tục. Chưa kể, tối về nhà cũng tranh thủ học ôn tới hơn 23 giờ mới đi ngủ. Cũng không muốn con áp lực như vậy đâu, nhưng để thi vào trường tốt, điểm chắc chắn phải cao, mà không ôn luyện đều và kỹ càng thì khó mà đỗ được. Dịp nghỉ Tết này, con cũng xin đi học thêm đến sát Tết, mấy ngày Tết cũng ở nhà không đi đâu cả để tranh thủ ôn bài”, chị Thanh Hòa cho hay.

So với các kỳ thi trước (số lượng 2 môn), các thí sinh năm nay sẽ phải “oằn mình” học ôn nhiều môn để có đủ kiến thức đi thi. Em Nguyễn Thu Phương, học sinh lớp 9 tại Hà Nội tâm sự: “Đến tháng 3 mới chính thức chốt môn thi cuối cùng nên em không thể lơ là trong việc học tất cả các môn còn lại, vì điểm thi sẽ tính đều cả 4 môn nên không thể học lệch. Việc học đều tất cả các môn sẽ mất nhiều thời gian, nếu đi học thêm cũng rất mệt vì rất nhiều môn, mà tự ôn cũng khó hiệu quả và thiếu kỹ năng làm bài tập nâng cao”.

Theo nhiều giáo viên trung học tại Hà Nội, năm nay học sinh sẽ áp lực hơn vì nhiều em chưa có sự chuẩn bị trước, đặc biệt là biết lượng sức mình trong chọn trường. “Năm nay thi 4 môn nên việc lựa chọn 1 trường phù hợp sẽ khó hơn vì mỗi em phải ước lượng được năng lực của mình trong mỗi môn để ra được phần điểm số từ đó, chọn trường cho phù hợp. Thời điểm này, các em học sinh nên tập trung học đều và nắm chắc được các đơn vị kiến thức cơ bản. Giai đoạn cuối khi ôn thi thì các em làm các đề thi kiểm tra để có được định hướng cho phù hợp”, thầy Nguyễn Phi Hùng - giáo viên môn Ngữ Văn, Trường THCS Anhxtanh (Hà Nội) đưa ra lời khuyên.

Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2019 - 2020 tại Hà Nội, các thí sinh sẽ dự thi 4 môn thi: Toán, Văn, Ngoại ngữ và 1 môn còn lại trong số các môn (Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Môn thi thứ 4 sẽ được công bố vào đầu tháng 3/2019. Cuối tháng 10/2018, Sở GD&ĐT Hà Nội cũng đã công bố 10 đề thi tham khảo bao gồm 4 đề cho 4 môn Ngoại ngữ và 6 đề của các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Giáo dục công dân. Dự kiến, kỳ thi sẽ diễn ra trong hai ngày mùng 2 và 3/6/2019.

 

Quang Anh