29/03/2024 | 04:43 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Hỗ trợ gần 59 tỷ đồng cho người lao động, thực hiện chính sách đặc thù đối với hộ nghèo

Cập nhật lúc: 02/08/2021, 06:45

1.442.356 người lao động trên địa bàn Hà Nội gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 đã được hỗ trợ. Ngoài ra, TP Hà Nội còn có chính sách đặc thù tặng nhu yếu phẩm cho 3.180 hộ nghèo không tham gia thị trường lao động.

1.442.356 người lao động đã được hỗ trợ
Ngày 1/8, Sở LĐTB&XH Hà Nội có thông tin cập nhật về kết quả thực hiện Quyết định 3642/QĐ-UBND ngày 21/7/2021 của UBND TP Hà Nội về việc thực hiện một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 trên địa bàn TP Hà Nội.
Những ngày qua, Sở LĐTB&XH Hà Nội khẩn trương phối hợi với các sở, ngành liên quan tiếp tục hướng dẫn các quận, huyện, thị xã triển khai thực hiện Quyết định số 3642/QĐ-UBND đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng.
Kết quả thực hiện Quyết định 3642/QĐ-UBND tính đến cuối giờ chiều ngày 31/7/2021, toàn TP Hà Nội đã ra quyết định và thực hiện kinh phí hỗ trợ cho người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với số tiền trên 55,5 tỷ theo Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND TP.

Các giáo viên trường Mầm non Đức Trí (phường Xa La, quận Hà Đông) đang ngồi chờ để nhận kinh phí hỗ trợ sau thời gian nghỉ việc không hưởng lương. Ảnh: Thủy Trúc.
Các giáo viên trường Mầm non Đức Trí (phường Xa La, quận Hà Đông) đang ngồi chờ để nhận kinh phí hỗ trợ sau thời gian nghỉ việc không hưởng lương. Ảnh: Thủy Trúc.

Trong đó, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội đã ra quyết định và thực hiện dừng đóng vào quỹ hưu trí tử tuất cho 18 đơn vị với 1.057 người lao động, số tiền tạm dừng đóng là 6,1 tỷ đồng.
Cùng với đó, Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội thực hiện hỗ trợ giảm mức đóng quỹ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp cho 87.435 đơn vị với 1.441.140 lao động, tổng số tiền thực hiện hỗ trợ giảm đóng là 48,8 tỷ đồng.
Về phía các quận, huyện, thị xã đã quyết định hỗ trợ 142 lao động tạm hoãn hợp đồng lao động với kinh phí 610,6 triệu đồng (trong đó, đã chi trả cho 101 lao động với số tiền 428,7 triệu đồng). Các quận, huyện, thị xã hỗ trợ cho 17 người lao động tự do số tiền 25,5 triệu đồng.
Ngoài ra, TP Hà Nội đã ra quyết định thực hiện hỗ trợ cho 3.180 hộ nghèo không có người trong hộ tham gia thị trường lao động theo Quyết định 638/QĐ-MTTQ-BTT ngày 29/7/2021 với 3.180 suất quà là nhu yếu phẩm trị giá 3.180 tỷ đồng. Đây là chính đặc thù cho đối tượng hộ nghèo không quy định trong Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND TP.
Giáo viên mầm non xúc động khi được nhận tiền hỗ trợ
Về phía các quận, huyện, thị xã, ngay sau khi nhận được Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Quyết định 3642/QĐ-UBND của UBND TP đã tuyên truyền và ban hành kế hoạch thực hiện, thành lập Ban chỉ đạo và phân công nhiệm vụ cho các thành viên, lập các tổ thẩm định xét duyệt hồ sơ hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Trưởng phòng LĐTB&XH Hà Đông Đỗ Minh Loan cho biết: Kết quả rà soát đối tượng thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND quận, dự kiến có 13.000 người. UBND quận đã giao dự toán ngân sách cho các đơn vị chịu trách nhiệm chi trả cho người lao động và người sử dụng lao động là 27.956.000.000 đồng.
Quận Hà Đông đã phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ cho 17 người lao động không có giao kết hợp đồng lao động kinh phí 25.500.000 đồng.

Cô Trương Thị Thu Hiền - Giáo viên trường Mầm non Đức Trí đăng ký vào hồ sơ để nhận hỗ trợ kinh phí hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: Thủy Trúc.
Cô Trương Thị Thu Hiền - Giáo viên trường Mầm non Đức Trí đăng ký vào hồ sơ để nhận hỗ trợ kinh phí hỗ trợ cho người lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Ảnh: Thủy Trúc.

Đồng thời, quận Hà Đông phê duyệt danh sách, kinh phí hỗ trợ và chi trả cho 1 trường mầm non tư thục gồm 26 người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương và 10 trẻ em dưới 6 tuổi là con người lao động với kinh phí 102.750.000 đồng.
Trực tiếp đi đến bộ phận Một cửa quận Hà Đông nhận tiền hỗ trợ, các giáo viên trường Mầm non Đức Trí (địa chỉ phường Xa La, quận Hà Đông) vô cùng phấn khởi và xúc động. Bởi vì 3 – 4 tháng nay, họ đã phải nghỉ làm ở nhà để phòng chống dịch. Chỉ có chuyên môn nuôi dạy trẻ, lại có con nhỏ nên nhiều giáo viên khó có thể tìm công việc khác để có thêm thu nhập.
Cầm trên tay 3.710.000 đồng tiền hỗ trợ, cô Lê Thị Trang - Giáo viên trường Mầm non Đức Trí xúc động nói: Chúng em rất vui khi Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tới những giáo viên và người lao động không có thu nhập. Trong mấy tháng tạm nghỉ việc, không có thu nhập em đã phải đi vay tiền của bạn bè và người thân để có tiền trang trải cuộc sống hằng ngày. Với 3.710.000 đồng được hỗ trợ hôm nay, em sẽ cố gắng chi tiêu một cách tiết kiệm nhất trong thời gian nghỉ dạy phòng chống dịch.
Trong khi đó, cô Dương Thị Hoa – Giáo viên trường Mầm non Đức Trí xúc động cho biết thời gian nghỉ dịch, cô và các đồng nghiệp được nhà trường hỗ trợ bồi dưỡng phương pháp giáo dục chuyên môn. “Chúng em vô cùng biết Chính phủ đã quan tâm, hỗ trợ cho người dân và giáo viên có thêm một phần kinh phí để trang trải trong đợt dịch này và gửi về biếu bố mẹ. Em chỉ mong sao dịch Covid-19 nhanh chóng qua đi để được quay trở lại làm việc và các em học sinh đến trường”- cô Dương Thị Hoa bộc bạch.

Cô Lê Thị Trang - Giáo viên trường Mầm non Đức Trí xúc động khi được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho giáo viên, người lao động không có thu nhập trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.
Cô Lê Thị Trang - Giáo viên trường Mầm non Đức Trí xúc động khi được Đảng và Nhà nước quan tâm, hỗ trợ kinh phí cho giáo viên, người lao động không có thu nhập trong thời kỳ dịch bệnh Covid-19.

Để giúp cho các đối tượng sớm được thụ hưởng chính sách hỗ trợ, quận Hà Đông đã vận dụng hết sức linh hoạt trong việc vừa tuyên truyền, vừa ban hành kế hoạch và thu hồ sơ. Thứ nữa, quận Hà Đông rút ngắn thời gian giải quyết đối với người lao động tự do. Theo quy trình từ lực tiếp nhận hồ sơ đến lúc chi trả là 8 ngày, quận Hà Đông rút xuống còn 6 ngày. Đối với lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, quy trình tối đa là 4 ngày, quận giảm xuống còn 3 ngày.
“Về phương thức triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ ở cơ sở hết sức linh hoạt. Đối với những đối tượng lao động tự do đã rõ, nhất là những khu vực phong tỏa, các tổ trưởng dân phố đi phát đơn, thu lại và thực hiện chi tại nhà. Đối với lao động có hợp đồng lao động, quận bố trí người trực tại bộ phận Một cửa để tiếp nhận và thực hiện nhận qua hệ thống bưu điện” – bà Đỗ Minh Loan cho hay.

Nguồn: https://kinhtedothi.vn/ha-noi-ho-tro-gan-59-ty-dong-cho-nguoi-lao-dong-thuc-hien-chinh-sach-dac-thu-doi-voi-ho-ngheo-429473.html?fbclid=IwAR0S1SWCes0c0uu1Fy7flW7NWGOZ6XwaPPuoYzKaQ5lx3SQtoeOEmmZeuNk