19/01/2025 | 12:12 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội hỗ trợ đến 60% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ 1/8

Cập nhật lúc: 02/08/2022, 06:21

Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Nghị quyết 03/2022/NQ-HĐND ngày 6/7/2022 quy định một số nội dung và mức chi thuộc thẩm quyền của Hội đồng nhân dân Thành phố.

Theo nội dung Nghị quyết số 03/2022/NQ-HĐND quy định một số nội dung, mức chi thuộc thẩm quyền HĐND thành phố, từ ngày 1/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025, nhiều trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên địa bàn thành phố được hỗ trợ thêm mức đóng.

Theo quy định chung, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ thêm mức đóng hằng tháng từ ngân sách bằng 30% số tiền người tham gia đóng với thành viên hộ nghèo, 25% với hộ cận nghèo và 10% với các trường hợp khác.

Ngoài mức hỗ trợ theo quy định chung, Hà Nội hỗ trợ thêm 30% mức đóng với thành viên hộ nghèo, 25% với thành viên hộ cận nghèo, 10% với các trường hợp khác.

Hà Nội hỗ trợ 60% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ hôm nay.
Hà Nội hỗ trợ 60% mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ hôm nay.

Mức đóng tối thiểu của người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn. Mức thu nhập tháng do người tham gia lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và cao nhất bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng. Từ năm 2022, chuẩn nghèo trên địa bàn Hà Nội là 2 triệu đồng/người/tháng trở xuống.

Căn cứ theo chuẩn hộ nghèo áp dụng trên địa bàn Hà Nội, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất áp dụng từ tháng 1/2022 là 330.000 đồng/người/tháng. Số tiền thực đóng sau khi được hỗ trợ mức đóng từ ngân sách theo quy định chung là 231.000 đồng/người/tháng với người thuộc hộ nghèo, 247.500 đồng/người/tháng với người thuộc hộ cận nghèo và 297.000 đồng/người/tháng với các trường hợp khác.

Sau khi được thành phố tăng thêm mức hỗ trợ đóng, từ ngày 1/8/2022 đến hết ngày 31/12/2025, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được hỗ trợ thêm mức đóng, thì số tiền thực đóng hằng tháng còn không đáng kể.

Cụ thể, người thuộc hộ nghèo được hỗ trợ 60% mức đóng, tương ứng với 198.000 đồng/người/tháng, nên số tiền thực đóng giảm còn 132.000 đồng/người/tháng. Người thuộc hộ cận nghèo được hỗ trợ 50% mức đóng, tương ứng với 165.000 đồng/người/tháng, nên số tiền thực đóng giảm còn 165.000 đồng/người/tháng. Các trường hợp khác được giảm 20% mức đóng, nên số tiền thực đóng giảm còn 264.000 đồng/người/tháng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, theo Khoản 2, Điều 87 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện bằng 22% mức thu nhập tháng. Trong đó, mức thu nhập tháng làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo đối với khu vực nông thôn (mức chuẩn hộ nghèo hiện hành là 1.500.000 đồng/người/tháng) và tối đa bằng 20 lần lương cơ sở (mức lương cơ sở hiện hành là 1.490.000 đồng).

Như vậy, kể từ ngày 1/1/2022, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng (22% x 1.500.000 đồng); mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tối đa là: 6.556.000 đồng/tháng (22% x 29.800.000 đồng).

Từ năm 2022, mức chuẩn nghèo đa chiều tăng lên, tại Hà Nội là 1,5 triệu đồng mỗi tháng. Mức đóng BHXH tự nguyện cũng tăng theo, từ 154.000 lên 330.000 đồng/người/tháng, khiến người lao động gặp khó.

Thống kê, ba tháng đầu năm 2022, số người đóng BHXH tự nguyện tại Hà Nội giảm so với cuối năm 2021. Lao động phi chính thức chưa đóng BHXH khi về già sẽ không có lương hưu, trở thành gánh nặng cho ngân sách.

Theo quy định, người 80 tuổi trở lên không có lương hưu hay trợ cấp nhận 440.000 đồng/người/tháng và được cấp thẻ BHYT khám chữa bệnh miễn phí. Ngân sách thành phố đang chi khoảng 490 tỷ đồng trợ cấp hằng tháng; 75 tỷ đồng tiền đóng BHYT cho gần 93.000 người/năm.

Nguồn: https://kinhtemoitruong.vn/ha-noi-ho-tro-den-60-muc-dong-bao-hiem-xa-hoi-tu-nguyen-tu-hom-nay-18-69591.html