21/11/2024 | 23:27 GMT+7, Hà Nội

Cảnh báo tình trạng dụ dỗ người lao động bán lại sổ bảo hiểm xã hội

Cập nhật lúc: 04/07/2020, 13:00

Đang có tình trạng một số đối tượng lập trang Facebook để thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động với giá chỉ từ 40% đến 50% giá trị thực tế mà người lao động được hưởng.

Mua bán, cầm cố, thế chấp sổ BHXH sẽ “thiệt đủ đường” cho người lao động. Ảnh minh họa

Đây là thông tin ông Trần Thanh Hải- Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đưa ra tại Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 6, khóa XII của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam diễn ra ngày 3/7 tại Hà Nội,

Theo ông Trần Thanh Hải, do ảnh hưởng của dịch COVID -19, đến nay đã có 7,8 triệu người lao động mất việc hoặc phải nghỉ luân phiên, giãn việc. Số lao động bị mất việc làm trong 6 tháng đầu năm nay là khoảng 1,4 triệu người. Số người nộp hồ sơ đề nghị được hưởng trợ cấp thất nghiệp là 565.000 người, tăng 32% so với cùng kỳ năm trước.

Do giãn việc, nghỉ luân phiên, nghỉ việc không lương, cắt giảm lương nên thu nhập của người lao động bị sụt giảm đáng kể.

Ông Trần Thanh Hải cho hay, lợi dụng những khó khăn về tài chính cũng như nhận thức chưa đầy đủ của người lao động, hiện nay đã xuất hiện hiện tượng một số đối tượng lập trang Facebook mạo danh cơ quan Bảo hiểm xã hội để thu gom, mua bán sổ bảo hiểm xã hội của người lao động với giá chỉ từ 40% đến 50% giá trị thực tế mà người lao động được hưởng.

Theo ông Hải, do mất việc, khó khăn, lại hiểu chưa thấu đáo giá trị của sổ bảo hiểm xã hội nên một số người lao động đã bị dụ dỗ bán lại sổ bảo hiểm xã hội để lấy tiền trang trải cuộc sống trước mắt, gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động về sau.

“Có địa phương xuất hiện tình trạng một số đối tượng giả mạo công ty, đơn vị giới thiệu, môi giới việc làm để lừa đảo, thu phí của người lao động nhằm trục lợi cá nhân”, ông Trần Thanh Hải cho biết.

Cũng theo Phó Chủ tịch Thường trực Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, lợi dụng những khó khăn về tài chính cũng như nhận thức chưa đầy đủ của người lao động, các tổ chức “tín dụng đen” hoạt động trở lại ở nhiều khu công nghiệp, khu nhà trọ công nhân, gây mất an ninh - trật tự, đe dọa sự an toàn của người lao động.