18/01/2025 | 15:51 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Điểm sáng trong chuyển đổi số của ngành Y tế

Cập nhật lúc: 27/02/2024, 09:03

Thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội luôn nỗ lực đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng CNTT, ứng dụng kỹ thuật cao vào điều trị, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.

Đây là những giải pháp được ngành Y tế Thủ đô áp dụng nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh (KCB).

Ứng dụng Telehealth mang lại nhiều lợi ích cho người dân

Là một trong những bệnh viện (BV) đầu tiên của ngành Y tế Thủ đô trong việc triển khai KCB từ xa (Telehealth), BV Phụ sản Hà Nội đã áp dụng ứng dụng một cách hiệu quả. Đây là giải pháp hiệu quả giúp người bệnh được chẩn đoán, tư vấn và chỉ định điều trị kịp thời bởi đội ngũ chuyên gia ở các BV tuyến trên. Đồng thời, giúp nâng cao năng chuyên môn của đội ngũ y, bác sĩ tuyến dưới.

TS Mai Trọng Hưng - Giám đốc BV Phụ Sản Hà Nội cho biết, trước yêu cầu ứng dụng chuyển đổi số, năm 2020, BV Phụ Sản Hà Nội được Bộ Y tế, Sở Y tế lựa chọn để thành lập và đưa vào hoạt động Trung tâm Tư vấn KCB từ xa (Telehealth).

Tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội.

Với việc liên thông từ bệnh án điện tử (chỉ định khám, kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, sử dụng thuốc...), hội chẩn trực tuyến đã giúp bác sĩ hội chẩn ở mọi nơi, mọi lúc và giúp dữ liệu của bệnh nhân đồng bộ. Trong 3 năm triển khai Telehealth (2020-2023), BV Phụ sản Hà Nội đã “phủ sóng” kinh nghiệm tới 10 BV tuyến tỉnh, 37 BV tuyến huyện, 30 trung tâm y tế.

Qua các buổi hội chẩn từ xa của BV đã cứu sống được nhiều sản phụ và trẻ sơ sinh ngay tại tuyến dưới. Việc hội chẩn còn giúp đưa ra các phác đồ chung cho các bệnh lý của chuyên ngành sản khoa như: tiền sản giật, doạ đẻ non, hội chứng truyền máu song thai, dị dạng sinh dục...

Bên cạnh đó, BV Phụ sản Hà Nội còn ứng dụng hiệu quả CNTT trong đăng ký thủ tục KCB tại BV.

TS Mai Trọng Hưng cho biết, với quyết tâm “khai tử” bệnh án giấy, những năm qua, BV Phụ sản Hà Nội đã đầu tư cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, vật tư cần thiết, chỉnh sửa phần mềm để tích hợp các hệ thống, triển khai bệnh án điện tử trong KCB.

Hiện nay, việc triển khai bệnh án điện tử được sử dụng thống nhất, liên kết với các khoa, phòng trong BV, bệnh nhân được quản lý bằng mã số. Thông tin về các lần KCB của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học.

Lần đầu tiên, Bệnh viện Phụ Sản Hà Nội lập một phòng phẫu thuật ngay bên cạnh khu mổ đẻ, để thực hiện một ca đại phẫu với sự hỗ trợ của các bác sĩ ngoại tim mạch, Bệnh viện Nhi Trung ương, điều trị chứng block nhĩ nhất gây loạn nhịp tim cho bé sơ sinh ngay sau khi lọt lòng.

Nhờ việc ứng dụng bệnh án điện tử giúp mọi dữ liệu dễ dàng liên thông, nhất là giúp cho bác sĩ hội chẩn tức thì mọi nơi, mọi lúc, tiết kiệm diện tích, không gian cho việc lưu trữ hồ sơ bệnh án giấy như trước kia. Còn với người bệnh, bệnh án điện tử cũng giúp họ không phải lưu trữ tất cả loại giấy tờ khi đi KCB như: kết quả chẩn đoán, kết quả xét nghiệm, danh mục thuốc…

Người dân hoàn toàn có thể đặt lịch khám trực tuyến tại BV Phụ sản Hà Nội qua nhiều hình thức nhanh chóng như gọi điện qua tổng đài, đặt lịch qua website, đặt lịch qua ứng dụng (app), kiosk của BV kết hợp với thanh toán viện phí không dùng tiền mặt giúp rút ngắn thời gian và quy trình, thủ tục khám bệnh.

Ngoài ra, việc triển khai các phần mềm bệnh án điện tử, kê đơn thuốc điện tử... giúp cho chất lượng dịch KCB không ngừng được nâng cao. Trong năm 2023, BV đã triển khai thành công nhiều kỹ thuật đỉnh cao trong chuyên ngành sản phụ khoa với 941 ca can thiệp bào thai, cứu sống hàng nghìn trẻ.

Có thể thấy, ứng dụng Telehealth mang lại nhiều lợi ích, giúp người dân rút ngắn thời gian đi lại, đặt lịch, KCB; giảm tải được lượng người quá tải khi đến BV; có kết quả hội chẩn bệnh án nhanh chóng. Việc chuyển đổi số, ứng dụng CNTT đã giúp BV đáp ứng được nhu cầu KCB của Nhân dân, đồng thời góp phần tạo dựng niềm tin ngày càng cao cho người bệnh.

Nâng cao chất lượng dịch vụ y tế

Cũng là một trong những cơ sở đi đầu trong việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số góp phần nâng cao chất lượng KCB, BV Đa khoa Đức Giang đã và đang đẩy mạnh việc khuyến khích người dân sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp thay thế thẻ BHYT giấy.

Vốn là người có bệnh nền huyết áp cao, tiểu đường, hay đau ốm nên bà Nguyễn Thị Hoa (69 tuổi, quận Long Biên) thường xuyên đến BV Đa khoa Đức Giang kiểm tra sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Hoa cho biết, nhờ tích hợp thông tin bảo hiểm y tế (BHYT) vào CCCD nên thủ tục thăm khám thuận lợi, nhanh chóng hơn so với trước. Việc sử dụng thẻ BHYT qua thiết bị di động giúp bà không phải lo lắng việc quên hoặc mất thẻ BHYT giấy. Qua đó, tiết kiệm thời gian, không phải làm thủ tục hay chờ đợi để được cấp lại thẻ do mất, hỏng.

Để đăng ký KCB, bà Hoa đã được nhân viên y tế hướng dẫn đăng ký bằng Face ID hoặc CCCD gắn chip. Sau khi được chuyển đến phòng khám, bà được bác sĩ chỉ định đi thực hiện các xét nghiệm, chụp x-quang, siêu âm,…

Trong quá trình thực hiện toàn bộ các xét nghiệm, chụp chiếu,… bệnh nhân không phải ngồi chờ kết quả mà sẽ được gửi về tin nhắn điện thoại và phần mềm quản lý bệnh viện (HIS) để bác sĩ cập nhật. Mọi dữ liệu cận lâm sàng như xét nghiệm, chụp chiếu, siêu âm, nội soi… của bệnh nhân đều được cập nhật lên phần mềm quản lý bệnh nhân.

Nếu như trước đây, bệnh nhân nặng sẽ phải chuyển tuyến trên để điều trị thì nay ca bệnh nặng vẫn được giữ lại tuyến dưới thông qua việc hội chẩn từ các bác sĩ của BV Chị - theo mô hình BV chị - em.

Từ tháng 9/2023, mô hình “BV chị - em” được Sở Y tế Hà Nội thực hiện thí điểm. Sở phân công 3 " BV chị" gồm Xanh Pôn, Tim Hà Nội và Phụ sản Hà Nội trực tiếp hỗ trợ toàn diện " BV em" là huyện Ba Vì và Trung tâm Y tế huyện Ba Vì.

Sau một thời gian triển khai, mô hình “BV chị - em” đã đem lại thuận lợi cho bệnh nhân. Từ khi được hỗ trợ toàn diện thông qua mô hình BV chị - em, BV Đa khoa Ba Vì đã ra đời hai đơn nguyên cấp cứu và sơ sinh đáp ứng nhu cầu chữa bệnh của người dân trong vùng. Trong đó đẩy mạnh công tác hội chẩn trực tuyến, đi buồng trực tuyến.

Số hóa, quản lý người bệnh bằng mã số điện tử giúp bác sĩ giảm bớt phần lớn thời gian ghi chép, tìm kiếm thông tin người bệnh.

Hà Nội được coi là điểm sáng trong chuyển đổi số của ngành y tế Việt Nam. TS Trần Thị Nhị Hà - Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, thời gian qua, ngành Y tế Hà Nội luôn nỗ lực thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng CNTT trong công tác quản lý, điều hành tại các đơn vị, góp phần cải cách thủ tục hành chính (TTHC), nâng cao chất lượng dịch vụ y tế phục vụ người dân được tốt hơn.

Đến nay, 100% cơ sở KCB đã triển khai hệ thống KCB bằng thẻ BHYT điện tử (VSSID); lắp đặt các thiết bị đọc thẻ CCCD gắn chíp để dần sử dụng thay thế cho thẻ BHYT.

Đặc biệt, năm 2023, chỉ số cải cách hành chính của Sở Y tế đứng thứ 6 trong tổng số 22 sở, ngành của TP. Hiện đã có 60/71 đơn vị triển khai thanh toán viện phí không dùng tiền mặt (đạt tỉ lệ 84,5%). KCB sử dụng sinh trắc học, Kios tự phục vụ được triển khai tại các BV Đa khoa Hòe Nhai, Đống Đa và huyện Ba Vì.

Đặc biệt, Hà Nội là địa phương đầu tiên của cả nước triển khai thí điểm hồ sơ sức khỏe điện tử, sổ sức khỏe điện tử để phục vụ cho công tác quản lý, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe toàn dân trên địa bàn TP.

Hiện nay, hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử đã tích hợp và lập được thông tin hành chính của hơn 7,7 triệu người dân. Hệ thống hồ sơ sức khỏe điện tử mang lại nhiều lợi ích cho người dân cũng như ngành Y tế.

Nhờ chuyển đổi số, ứng dụng CNTT vào quản lý, BV Đa khoa Đức Giang đã tối giản TTHC, đồng thời, tăng chất lượng KCB, đặc biệt là tạo được bước đột phá trong công tác quản lý. Hiện BV có số bệnh nhân đăng ký khám Face ID và thanh toán không dùng tiền mặt thuộc nhóm nhiều nhất miền Bắc. TTHC được số hoá tối đa, nên thời gian KCB của người dân giảm từ 3 giờ xuống còn 1,5 giờ.

TS Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang