18/01/2025 | 20:21 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Di dời các hộ dân ra khỏi các nhà chung cư cũ nguy hiểm

Cập nhật lúc: 11/11/2020, 13:30

Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát, phân loại và lập danh mục những công trình chung cư cũ trên địa bàn.

Lời tòa soạn: Tích góp từng đồng, vay mượn khắp nơi để mua chung cư, nhiều người đã nghĩ mình sẽ có không gian sống tuyệt vời, nhưng hàng loạt vấn đề phát sinh đã khiến cư dân chung cư "vỡ mộng" bởi chiêu trò của chủ đầu tư. Chỉ bởi một phần những nhà đầu tư "ăn xổi" năng lực có hạn nhưng "thủ đoạn" vô biên, quảng cáo "biến không thành có" hay "có một nói mười" đã biến giấc mơ an cư của người dân thành nỗi ác mộng kinh hoàng.

Với mong muốn chia sẻ và đồng hành cùng người dân đang có ý định hoặc đã mua chung cư, chúng tôi sẽ đăng tải định kỳ những bài viết chất lượng và chính xác nhất về tình hình các dự án đang mở bán hay đã đi vào hoạt động cũng như chia sẻ ý kiến của các chuyên gia hàng đầu, luật sư nổi tiếng... để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng một cách thiết thực nhất.

Theo đó, đặc biệt quan tâm, chú trọng đối với khu chung cư cũ nguy hiểm, không bảo đảm an toàn cho việc sử dụng; chủ động xây dựng, phê duyệt kế hoạch, phương án thực hiện việc phòng, chống đổ sập nhà, công trình, ứng phó với thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Đồng thời, tổ chức sơ tán người, tài sản ra khỏi những khu vực không an toàn trước khi bão, lũ, úng ngập xảy ra nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và người sử dụng.

UBND các quận, huyện, thị xã cũng chỉ đạo ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của địa phương triển khai việc kiểm tra bảo đảm an toàn đối với những khu dân cư, đặc biệt lưu ý công trình nhà xuống cấp, hư hỏng; thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn trong mùa mưa bão, khi cần thiết phải có biện pháp và tổ chức di dời ngay các hộ dân, tài sản ra khỏi công trình nguy hiểm.

Đối với nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D có nguy cơ sập đổ, phải di dời ngay, hiện trên địa bàn thành phố còn 5 nhà đang tổ chức di dời gồm 1 nhà tại quận Đống Đa, 4 nhà tại quận Ba Đình.

Sở Xây dựng Hà Nội đã đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra, rà soát, phân loại và lập danh mục những công trình chung cư cũ trên địa bàn. (Ảnh: Minh Nghĩa/TTXVN)

Do đó, thành phố đã bố trí đủ quỹ nhà tạm cư để phục vụ di dời và đã chỉ đạo UBND các quận Đống Đa, Ba Đình khẩn trương tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức di dời khẩn cấp các chủ sở hữu, chủ sử dụng ra khỏi nhà chung cư cũ để bảo đảm an toàn. Song, tại thời điểm này, các địa phương trên vẫn chưa hoàn thành việc di dời.

Để bảo đảm an toàn cho người, tài sản tại nhà chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D trước mùa mưa bão, Sở Xây dựng Hà Nội đề nghị UBND các quận Đống Đa, Ba Đình khẩn trương tổ chức tuyên truyền, vận động và tổ chức di dời các chủ sở hữu, chủ sử dụng nhà chung cư theo chỉ đạo của thành phố; đồng thời kiểm tra, rà soát chung cư cũ nguy hiểm cấp độ D để xây dựng phương án và tổ chức di dời, tạm cư, bảo đảm an toàn tuyệt đối về người và tài sản.

Nhiều năm qua, mặc dù việc cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ trên địa bàn Thủ đô đã được các cấp, các ngành TP.Hà Nội tích cực chỉ đạo, nhưng trước những vướng mắc về cơ chế, chính sách nên đến nay tiến độ thực hiện vẫn còn quá chậm, số lượng nhà chung cư cũ được xây dựng lại còn quá ít chỉ đạt khoảng 1%. Đáng chú ý, có nhiều dự án đã quyết định đầu tư nhưng việc triển khai tư vấn lập quy hoạch rất chậm trễ, không đạt yêu cầu đã đặt ra.

Sau khi khảo sát, Sở Xây dựng Hà Nội đã báo cáo UBND TP.Hà Nội dự kiến tổ chức kiểm định chi tiết 951 công trình thuộc mức 3 và mức 2. Trong số 480 công trình là các chung cư cũ, biệt thự, trụ sở cơ quan, công trình công cộng trực thuộc Hà Nội xuống cấp có 33 công trình là các nhà tập thể, chung cư cũ, xuống cấp nguy hiểm, cần kiểm định chi tiết ngay.

Do vậy, Sở Xây dựng Hà Nội kiến nghị UBND thành phố chấp thuận cho phép thực hiện khảo sát kiểm định với mức kinh phí khoảng 8 tỉ đồng nhưng từ năm 2019 đến nay, vẫn chưa có nguồn kinh phí để thực hiện. Để đẩy nhanh tiến độ cải tạo chung cư cũ, Hà Nội đã kêu gọi xã hội hóa và hiện đã có 19 nhà đầu tư được thành phố chấp thuận đề xuất tự bỏ kinh phí triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 cải tạo khoảng 30 khu chung cư cũ.

Tuy nhiên, theo đánh giá của UBND TP Hà Nội, việc triển khai này vẫn đang vướng mắc về cơ chế, chính sách cần có sự vào cuộc của Chính phủ, Quốc hội nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của Nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Trước đó, ngày 04/09, Bộ Xây dựng tổ chức hội nghị góp ý "Đề án cải tạo, xây dựng mới nhà chung cư cũ trên địa bàn TP Hà Nội". Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết hiện địa bàn Hà Nội có 1.579 nhà chung cư cũ, xây dựng chủ yếu trong giai đoạn 1960 - 1990, phần lớn đã xuống cấp, không đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân. Theo số liệu của Bộ Xây dựng, Hà Nội hiện có đến gần 1.600 khối nhà chung cư cũ, tất cả đều đã xuống cấp, trong đó có đến 25% số chung cư thuộc diện nguy hiểm. Tuy nhiên, đến nay việc cải tạo, xây dựng lại mới chỉ đạt khoảng... 1%.