19/01/2025 | 13:25 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Đẩy nhanh việc hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi để tránh bán chạy, lây lan dịch

Cập nhật lúc: 20/03/2019, 01:01

Thành ủy Hà Nội vừa ra Thông báo số 1710-TB/TU truyền đạt kết luận của Thường trực Thành ủy đối với công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn thành phố Hà Nội.

ha noi day nhanh viec ho tro thiet hai cho nguoi chan nuoi de tranh ban chay lay lan dich
Ảnh minh họa

Hà Nội là địa phương có tổng đàn vật nuôi dẫn đầu cả nước, riêng đàn lợn có đến gần 2 triệu con. Do vậy, phòng chống dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Thành phố là nhiệm vụ cấp bách và quan trọng trước mắt. Để thực hiện tốt được nhiệm vụ trên, Thường trực Thành ủy yêu cầu Ban Cán sự Đảng UBND Thành phố; các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội từ Thành phố đến cơ sở khẩn trương, nghiêm túc triển khai các nội dung sau:

Chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn thực hiện các giải pháp phòng và ngăn chặn nguy cơ xâm nhiễm bệnh vào địa bàn Thành phố; thực hiện nghiêm Chỉ thị số 04/CT-TTg, ngày 20-02-2019 của Thủ tướng Chính phủ; sử dụng nguồn kinh phí năm 2019 triển khai thực hiện công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn Thành phố theo quy định.

Thành lập các tổ công tác liên ngành kiểm tra công tác phòng, chống dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố ở tất cả các quận, huyện, thị xã. Chỉ đạo ngành chuyên môn thực hiện tốt các giải pháp chuyên môn, giám sát chặt chẽ diễn biến dịch bệnh hằng ngày, kịp thời lấy mẫu, kiểm tra chuyên môn, ứng phó ngay khi có lợn ốm chết, nghi mắc bệnh dịch tả lợn châu Phi. Chuẩn bị đầy đủ nguồn vật tư, hóa chất, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu phòng, chống và tiêu hủy gia súc mắc bệnh.

Chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với các ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã thiết lập các chốt, trạm để kiểm soát chặt chẽ toàn bộ hoạt động vận chuyển, lưu thông lợn trên địa bàn; tập trung ở các đầu mối, các cơ sở giết mổ, nhất là việc nhập lợn từ các tỉnh, thành về Hà Nội; tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về nhập lậu, nhập lợn không rõ nguồn gốc. Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh đến tận thôn, xóm, cụm dân cư; kịp thời xử lý ngay tại cơ sở theo đúng quy trình kỹ thuật khi có gia súc ốm, chết. Thực hiện đợt tổng tẩy uế môi trường, vệ sinh tiêu độc toàn Thành phố.

Triển khai việc ký cam kết với các hộ chăn nuôi, giết mổ, chế biến, tiêu thụ sản phẩm, thực hiện nghiêm túc các giải pháp phòng chống dịch bệnh dịch tả lợn châu Phi theo chỉ đạo của Trung ương và Thành phố.

Chỉ đạo các huyện đã xảy ra dịch đẩy nhanh việc hỗ trợ thiệt hại cho người chăn nuôi để tránh bán chạy, lây lan dịch, nhanh chóng khôi phục sản xuất. Đồng ý về chủ trương việc áp dụng mức đền bù thiệt hại do dịch tả lợn châu Phi gây ra ở mức cao nhất theo hướng dẫn của Chính phủ.

Tăng nội dung, thời lượng tuyên truyền bằng nhiều hình thức: Các tổ chức chính trị - xã hội, hệ thống truyền thanh, tờ rơi... Để nâng cao nhận thức cộng đồng, tránh hoang mang trong xã hội và đặc biệt, phải tuyên truyền, giải thích sâu rộng để người dân hiểu đúng về bệnh dịch tả lợn châu Phi, không “quay lưng” lại với thịt lợn; tránh gây thiệt hại không đáng có cho ngành chăn nuôi.