19/01/2025 | 10:32 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội đặt mục tiêu không để ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút

Cập nhật lúc: 02/10/2020, 13:35

Nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc, lực lượng chắc năng sẽ thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông phù hợp với lưu lượng thực tế.

Theo thống kê 9 tháng đầu năm 2020, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã kiểm tra, lập biên bản vi phạm hành chính 15.236 trường hợp, phạt tiền gần 42 tỷ đồng, tạm giữ 186 phương tiện, tước quyền sử dụng giấy phép lái xe có thời hạn 1.149 trường hợp.

Cụ thể, các lực lượng chức năng TP đã tổ chức kiểm tra, giám sát 202.653 lượt xe buýt (trong đó: 18.911 lượt trên tuyến, 183.742 lượt qua thiết bị GPS), lập 593 biên bản vi phạm. Đồng thời, tiếp tục triển khai dự án đầu tư hệ thống nhà chờ xe buýt và biển quảng cáo trên dải phân cách giữa tại 12 quận nội thành theo hình thức Hợp đồng BOO. Hoàn thiện đề cương, dự toán 02 hạng mục: Số hóa hạ tầng giao thông và phương tiện giao thông và Xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông.

Đã xử lý được 4/34 điểm ùn tắc giao thông (gồm các điểm: Châu Văn Liêm – Lê Quang Đạo; ngã ba Ngọc Hồi – Phan Trọng Tuệ; Khu vực Cổ Nhuế - Phạm Văn Đồng; Trần Quốc Hoàn– Phạm Văn Đồng) và 8/35 điểm đen về tai nạn giao thông.

Về tổ chức, phân luồng giao thông, toàn thành phố đã ban hành 58 thông báo phân luồng, tổ chức giao thông, phục vụ thi công các công trình trọng điểm trên địa bàn; phê duyệt danh mục các tuyến đường, phố không tổ chức trông giữ xe và các tuyến đường, phố được phép tổ chức trông giữ xe trên địa bàn 12 quận đến năm 2023.

Đồng thời, phê duyệt thiết kế kỹ thuật 11 tuyến buýt hết hạn hợp đồng; đang tổ chức đánh giá hồ sơ dự thầu đối với 17 tuyến buýt mở mới. Hệ thống vận tải bằng xe buýt đến nay đạt 126 tuyến (trong đó có 104 tuyến buýt trợ giá, 08 tuyến không trợ giá); 12 tuyến buýt kế cận và 02 tuyến City tour. Quy mô vận chuyển đạt 4.097.242 lượt xe; lượng hành khách vận chuyển ước đạt 258,9 triệu lượt.

Nhiệm vụ trọng tâm được thành phố đặt ra trong 3 tháng cuối năm là tiếp tục kiềm chế, giảm từ 5 - 10% tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt (cả 3 tiêu chí: số vụ, số người chết và số người bị thương) so với năm 2019. Giải quyết 5 điểm đen giao thông; phấn đấu giải quyết từ 8 - 10 điểm ùn tắc giao thông năm 2019 chuyển sang. Không để tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài quá 30 phút. Xử lý kịp thời những điểm có nguy cơ phát sinh ùn tắc mới.

Hà Nội đặt mục tiêu không để ùn tắc giao thông kéo dài trên 30 phút (Ảnh: Internet)

Kiểm tra, đôn đốc tiến độ các dự án đầu tư hạ tầng kỹ thuật, các công trình trọng điểm, nhất là các tuyến đường sắt, đường vành đai để tăng diện tích đất dành cho giao thông thêm từ 0,3-0,5% đất đô thị. Đồng thời, nâng cao chất lượng vận tải hành khách công cộng; phấn đấu tỷ lệ vận chuyển hành khách công cộng đạt từ 20-25%.

Ùn tắc giao thông từ lâu luôn được xem là nỗi nhức nhối của giao thông Thủ đô. Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải Hà Nội đã đồng loạt triển khai nhiều biện pháp để xóa các điểm ùn tắc như: Bổ sung biển báo, gờ giảm tốc, điều chỉnh chu kỳ đèn.

Các giải pháp được đưa ra: Lực lượng CSGT sẽ tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường thủy nội địa; đặc biệt xử lý nghiêm tình trạng người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm quy định về nồng độ cồn, ma túy và các chất kích thích khác; người đi mô tô, xe gắn máy, xe đạp điện không đội mũ bảo hiểm; không chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ; đi xe máy vào các tuyến đường cấm; các hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè, hành lang an toàn giao thông.

Các lực lượng chức năng sẽ thường xuyên rà soát, điều chỉnh tổ chức giao thông phù hợp với lưu lượng thực tế, tránh để xảy ra tình trạng ùn tắc; tiếp tục tập trung xử lý, khắc phục các điểm thường xuyên ùn tắc trong giờ cao điểm; các điểm đen về tai nạn giao thông còn tồn tại của năm 2018 và các điểm mới phát sinh trong năm 2019.

Đối với các địa phương có tuyến đường sắt đi qua, Ban An toàn giao thông thành phố Hà Nội yêu cầu các đơn vị này cần phối hợp chặt chẽ với ngành Đường sắt, Sở Giao thông vận tải, Công an TP tiếp tục triển, khai các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường sắt, đặc biệt tại các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.

Trước đó, UBND TP Hà Nội đã ban hành kế hoạch về việc phối hợp tổ chức Lễ phát động ra quân Năm An toàn giao thông 2020 đặt mục tiêu hướng tới tạo sự chuyển biến về nhận thức và hành động của các lực lượng chức năng và toàn dân trong việc tham gia bảo đảm trật tự an toàn giao thông; triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết, số người bị thương) và giảm ùn tắc giao thông.

Ngoài ra, triển khai thực hiện bảo đảm tiến độ, chất lượng và hoàn thành cải tạo, sửa chữa, lắp đặt mới hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại 24 nút giao thông thuộc danh mục chương trình mục tiêu giảm ùn tắc giao thông và 36 danh mục cải tạo, sửa chữa bảo đảm an toàn giao thông năm 2020.