19/01/2025 | 10:20 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Cục thuế "bêu tên" loạt doanh nghiệp bất động sản nợ thuế

Cập nhật lúc: 17/09/2020, 15:26

Trong danh sách 208 doanh nghiệp nợ thuế tính đến ngày 31/7/2020, có nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực bất động sản, xây dựng chiếm số nợ lớn.

Nhiều doanh nghiệp bất động sản nợ thuế 

Cục Thuế Hà Nội vừa công khai danh sách 208 đơn vị nợ thuế đến thời điểm ngày 31/7/2020 với tổng số nợ 299,993 tỷ đồng. Trong số doanh nghiệp trên, 144 đơn vị nợ 108,641 tỷ đồng thuế, phí, tiền thuê đất và tiền chậm nộp nằm trong danh sách công khai lần đầu. Trong đó, 141 doanh nghiệp nợ 81,697 tỷ đồng thuế, phí, tiền chậm nộp.

Đứng đầu danh sách là Công ty Cổ phần cầu 12 Cienco với số nợ 77 tỷ đồng. Tiếp đó là Công ty CP Vinaconex 21 với tổng số nợ thuế là gần 23 tỷ đồng. Công ty CP xây dựng và vật liệu xây dựng Hà Tây nợ gần 10 tỷ đồng. Công ty CP đầu tư và phát triển nhà số 6 Hà Nội nợ trên 2,3 tỷ đồng. Công ty CP đầu tư và phát triển nhà Hà Nội 68 nợ hơn 1,7 tỷ đồng. Công ty CP May Lê Trực nợ hơn 344 triệu đồng.

Loạt "ông lớn" bất động sản bị "bêu tên" nợ thuế

Trong danh sách đơn vị nợ tiền sử dụng đất và tiền chậm nộp liên quan công khai thông tin nợ thuế, đăng công khai lần đầu tại kỳ đăng tháng 09/2020, Công ty CP Tập đoàn bất động sản Hoàng Gia nợ thuế hơn 16 tỷ đồng. Công ty xây dựng Trường Giang nợ gần 6 tỷ đồng. Công ty CP Quốc tế Everhome nợ hơn 1,2 tỷ đồng. Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ Xuân Thủy nợ thuế hơn 2 tỷ đồng. Công ty TNHH Xây dựng Vạn Tường nợ thuế hơn 600 triệu đồng. Công ty CP xây dựng bất động sản Kosy nợ thuế hơn 15 triệu đồng. Công ty CP xây dựng và phát triển nhà Hà Nội nợ hơn 452 triệu đồng. Công ty TNHH dịch vụ và quản lý bất động sản EZ Việt Nam nợ hơn 280 triệu đồng. Tất cả số liệu đều tính đến hết ngày 31/7/2020.

Đáng chú ý, Công ty CP đầu tư và phát triển đô thị Long Giang có MST: 0101184201 với số nợ hơn 37 tỷ đồng nhưng từ ngày 01/08/2020 đến 16h ngày 14/9/2020, Công ty đã nộp hơn 103 triệu đồng tiền nợ vào Ngân sách nhà nước.

Lý giải nguyên nhân nợ thuế của doanh nghiệp bất động sản tăng cao, một số chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lúc nào cũng trong tình trạng thiếu vốn nên nợ thuế là điều dễ hiểu. Riêng mức lãi suất vay tiền ngân hàng đòi hỏi phải có tài sản thế chấp đã lên đến hơn 11%/năm. Còn nợ thuế thì không phải thế chấp, doanh nghiệp có thể sử dụng số tiền nợ thuế để kinh doanh, sản xuất. Theo quy định, mức phạt đối với việc chậm nộp thuế hiện nay là 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp, tương đương khoảng 0,9%/tháng, thấp hơn mức lãi vay đầu tư. Mức phạt này dường như không đủ sức răn đe các doanh nghiệp chưa chấp hành việc thực hiện nghĩa vụ ngân sách nhà nước. 

Cục thuế Hà Nội công khai 2.796 đơn vị nợ thuế trong năm 2020.

Trước đó, Cục Thuế Hà Nội cũng đã công khai danh sách nợ thuế trên địa bàn tính đến thời điểm ngày 30/4/2020, với 374 doanh nghiệp, tổng số nợ là 489,848 tỷ đồng. Trong danh sách này có 318 doanh nghiệp nợ thuế, phí, tiền phạt và tiền chậm nộp thuộc diện công khai lần đầu.

Từ đầu năm 2020, Cục Thuế Hà Nội đã công khai lần đầu và công khai lại danh sách tổng cộng 2.796 đơn vị nợ thuế với số nợ hơn 7.295 tỷ đồng. Sau khi đăng công khai, 843 doanh nghiệp nộp 304 tỷ đồng tiền nợ vào ngân sách nhà nước. Trong đó, 237 doanh nghiệp đã thực hiện nộp hết số thuế nợ mà cơ quan thuế công khai vào ngân sách nhà nước (tính đến 16h ngày 14/09/2020).

Cụ thể, 313 doanh nghiệp nợ 65,242 tỷ đồng thuế, phí, tiền phạt, tiền chậm nộp tính đến ngày 30/4/2020; trong đó Công ty cổ phần LILAMA 3 nợ hơn 3,6 tỷ đồng, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng, đầu tư dầu khí nợ 918 triệu đồng… Trong số 5 doanh nghiệp nợ 109,6 tỷ đồng tiền thuê đất, tiền phạt, tiền chậm nộp tiền thuê đất tính đến ngày 31/1/2020 có Công ty cổ phần Đầu tư và xây dựng Sông Đà (nợ hơn 57,7 tỷ đồng).

Chia sẻ khó khăn nhưng quyết liệt với "chây ì" nợ thuế

Dù triển khai nhiều giải pháp quyết liệt thu nợ, tuy nhiên, trên địa bàn TP còn tồn tại nhiều DN nợ thuế nhiều năm. Vì thế, Cục Thuế Hà Nội đã có nhiều cuộc làm việc nhằm lắng nghe, tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng nợ thuế, đồng thời có những giải pháp mạnh tay hơn với DN chây ì.

Trong 6 tháng đầu năm 2020, mặc dù cơ quan thuế đã tích cực và quyết liệt triển khai đầy đủ các biện pháp đôn đốc, cưỡng chế thuế theo quy định và nhận được sự phối hợp của các cấp, các ngành trên địa bàn TP nhưng tính đến thời điểm 31/5/2020, số tiền thuế nợ trên dưới 90 ngày trên địa bàn vẫn tăng 4.024 tỷ đồng (tương đương tăng 36,2%) so với thời điểm 31/12/2019. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, sự thay đổi chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của một số ngành nghề.

Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn do tình hình dịch bệnh và biến động kinh tế trong nước và thế giới, Cục Thuế TP Hà Nội đã triển khai đầy đủ, kịp thời các giải pháp tháo gỡ khó khăn như gia hạn nộp thuế theo Nghị định 41/2020/NĐ-CP, Nghị quyết 42/2020/NQ-CP, Nghị quyết số 84/NQ-CP… của Chính phủ, các văn bản chỉ đạo hướng dẫn của UBND TP, Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế. Tuy nhiên, trên địa bàn Hà Nội còn tồn tại nhiều DN có số thuế không thuộc đối tượng được gia hạn hoặc khoản nợ kéo dài nhiều năm, không thuộc phạm vi gia hạn theo Nghị quyết của Chính phủ.

Trong bối cảnh đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã nỗ lực triển khai đồng bộ nhiều giải pháp quản lý thu ngân sách nhà nước để đảm bảo vừa hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho người nộp thuế, vừa đảm bảo hoàn thành tốt các chỉ tiêu thu ngân sách, tạo công bằng giữa các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh.

Chia sẻ khó khăn nhưng quyết liệt với "chây ì" nợ thuế

Bên cạnh việc phối hợp với chính quyền địa phương, với các sở ban ngành áp dụng biện pháp đôn đốc, cưỡng chế theo quy định đối với các đơn vị nợ nghĩa vụ ngân sách Nhà nước, hàng tháng Cục Thuế Hà Nội thường xuyên đăng công khai thông tin nợ thuế đối với các đơn vị nợ đọng lớn, chây ỳ trên địa bàn.

Ban chỉ đạo đôn đốc thu hồi nợ thuế trên địa bàn TP Hà Nội, đầu mối là Cục thuế TP và các sở, ngành liên quan đã triển khai hội nghị làm việc với các DN nợ thuế, phí, nợ tiền sử dụng đất và tiền thuê đất lớn trên địa bàn, với sự có mặt của 71 DN nợ thuế phí, nợ tiền sử dụng đất, tiền thuê đất và tiền chậm nộp với tổng số tiền nợ lên tới 4.093 tỷ đồng.

Tại hội nghị, đại diện Cục Thuế TP Hà Nội lắng nghe các ý kiến vướng mắc, kiến nghị, đề xuất của DN và đánh giá tình hình thực hiện nghĩa vụ, cam kết nộp nợ thuế vào ngân sách Nhà nước.

Đồng thời, Cục Thuế TP Hà Nội đã ghi nhận cam kết của các DN về việc nộp các khoản nghĩa vụ tài chính, nợ thuế, nợ tiền chậm nộp của DN vào ngân sách Nhà nước. Để tháo gỡ khó khăn cho DN, Cục Thuế TP Hà Nội đã cùng các sở, ban, ngành trả lời các vấn đề kiến nghị của DN thuộc phạm vi thẩm quyền. Các ý kiến, kiến nghị của DN vượt thẩm quyền của Cục Thuế TP Hà Nội và các sở, ngành sẽ được Cục Thuế tổng hợp, báo cáo UBND TP để xem xét, giải quyết theo quy định.

Bên cạnh tinh thần chia sẻ khó khăn với các DN, Cục Thuế TP Hà Nội cũng thể hiện rõ sự quyết liệt trong việc đôn đốc thu hồi nợ thuế; triển khai các biện pháp thu hồi nợ đọng theo đúng quy trình, quy định. Các DN cố tình chây ì, nợ thuế kéo dài, Cục Thuế TP Hà Nội sẽ phối hợp với Sở KH&ĐT triển khai biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật.