Hà Nội: Công tác khen thưởng đi vào thực chất, hướng tới tập thể nhỏ, người dân
Cập nhật lúc: 06/10/2020, 14:50
Cập nhật lúc: 06/10/2020, 14:50
Thời gian qua, công tác khen thưởng của Hà Nội đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, công bằng, kịp thời và chính xác, đúng quy định; ngày càng đi vào thực chất và hướng tới tập thể nhỏ, người lao động, người dân. Từ đó có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Đó là đánh giá của đồng chí Chu Ngọc Anh, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội tại Đại hội thi đua yêu nước TP Hà Nội giai đoạn 2020-2025 diễn ra ngày 3-10.
Báo cáo về kết quả phong trào thi đua và công tác khen thưởng của Hà Nội giai đoạn 2015-2020, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết: Với chủ đề “Đoàn kết, sáng tạo, đổi mới, thi đua, xây dựng Thủ đô văn minh, hiện đại”, 5 năm qua, các phong trào thi đua yêu nước của TP luôn đổi mới về nội dung, phương pháp tổ chức phong trào hướng về cơ sở và người lao động trực tiếp; bám sát nhiệm vụ chính trị, trọng tâm, khâu yếu, việc khó với chủ đề, tên gọi, khẩu hiệu hành động và tiêu chí thi đua cụ thể.
Nhiều hình thức tổ chức như thi đua theo cụm, theo đợt, thi đua theo chuyên đề được thực hiện, đem lại hiệu quả thiết thực, có tác dụng động viên, khuyến khích cán bộ, công chức, người lao động và nhân dân tích cực hưởng ứng. Nhiều phong trào thi đua được tiếp tục khơi dậy ở các địa phương, đơn vị, trên các lĩnh vực với quy mô, hình thức phong phú, nội dung ngày càng thực chất hơn đã góp phần tích cực hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của TP.
Phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng của TP giai đoạn 2015-2020 đã có sự đổi mới về chất, góp phần quan trọng cùng các cấp ủy Đảng, chính quyền TP hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị, kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng của Thủ đô.
Đến nay, việc tổ chức đăng ký thi đua, ký kết giao ước thi đua giữa các đơn vị, Sở, ngành, quận, huyện đã trở thành nền nếp. Chất lượng hoạt động Cụm thi đua từ TP đến cơ sở đã có nhiều đổi mới, thiết thực, hiệu quả…
Công tác khen thưởng đảm bảo nguyên tắc dân chủ, công khai, công bằng, kịp thời và chính xác, đúng quy định, ngày càng đi vào thực chất và hướng tới tập thể nhỏ, người lao động, người dân đã có tác dụng động viên, cổ vũ kịp thời các tổ chức, cá nhân có thành tích tiêu biểu, xuất sắc và lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng.
Cụ thể, phong trào thi đua yêu nước lĩnh vực kinh tế được TP triển khai với nhiều giải pháp đồng bộ đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, chuyển dịch cơ cấu, năng suất chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện, góp phần tích cực trong tăng trưởng cả nước (đóng góp gần 16% GDP, 18,5% thu ngân sách và 8,6% tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu của cả nước).
Các phong trào thi đua trong lĩnh vực công nghiệp đã góp phần đưa tỷ trọng ngành công nghiệp tăng trung bình 8,3%/năm, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 91% và duy trì tăng 8,4%; 61 sản phẩm chủ lực công nghiệp của 36 DN tiếp tục được phát triển với tổng doanh thu đạt 40 nghìn tỷ đồng, xuất khẩu trên 10 nghìn tỷ đồng.
Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn đã đẩy mạnh phong trào thi đua chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp và kinh tế nông thôn, nâng cao giá trị sử dụng đất, xây dựng mô hình phát triển nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao theo hướng tập trung, bền vững và đảm bảo ATTP; hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung, chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư...
Bên cạnh đó, thực hiện phong trào “Cả nước xây dựng nông thôn mới”, TP Hà Nội tổ chức phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2016-2020 đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các tổ chức và nhân dân cùng tham gia, hưởng ứng.
Tính đến hết năm 2019, TP có 355/382 xã (đạt 92,9%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.Giá trị sản xuất nông nghiệp đạt 259 triệu đồng/ha/năm, vượt tiến độ 2 năm mục tiêu Chương trình (250 triệu đồng/ha/năm).
Trong 5 năm, đã có hơn 5.000 cá nhân người tốt, việc tốt tiêu biểu được TP biểu dương, khen thưởng và hơn 30.000 cá nhân người tốt, việc tốt được các quận, huyện, thị xã, Sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể và đơn vị thuộc TP biểu dương khen thưởng, trong đó hầu hết lả người lao động trực tiếp như công nhân, nông dân, công chức, viên chức, các chiến sỹ trong lực lượng vũ trang và người dân lao động trên địa bàn.
Về mục tiêu, nhiệm vụ công tác thi đua khen thưởng giai đoạn 2020-2025, Chủ tịch UBND TP Hà Nội nhấn mạnh, cần tiếp tục tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo về thi đua, khen thưởng trong đó, nâng cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng trong chỉ đạo tổ chức các phong trào thi đua, đảm bảo thiết thực, hiệu quả.
Đổi mới việc tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, bám sát nhiệm vụ trọng tâm, các khâu yếu, việc khó; đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức tổ chức các phong trào thi đua thường xuyên với hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí, nội dung thi đua cụ thể, thiết thực, gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của TP và các cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác phát hiện, tuyên truyền, bồi dưỡng điển hình tiên tiến. Công tác xây dựng điển hình tiên tiến phải được thực hiện từ cơ sở…; chú trọng khen thưởng tập thể nhỏ, công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp sản xuất, công tác, khen thưởng thành tích trong lao động sáng tạo. Quan tâm khen thưởng cơ sở, vùng sâu, vùng xa và vùng dân tộc thiểu số, các tập thể, cá nhân có thành tích đột xuất, các tập thể, cá nhân dũng cảm cứu người, tài sản của nhà nước và nhân dân...