22/11/2024 | 03:03 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội cần hơn 482.000 tỉ đồng đầu tư công trung hạn 5 năm

Cập nhật lúc: 08/12/2020, 17:20

Theo đề xuất của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã nhu cầu vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng 482.780 tỉ đồng

Chiều 7/12, HĐND TP.Hà Nội khoá XV đã thông qua nghị quyết về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021 - 2025 cấp thành phố.

Theo mục tiêu đầu tư công giai đoạn 2021 - 2025, thu hút tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư phát triển nền kinh tế, đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội thiết yếu, phục vụ cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XVII đã quyết nghị; các định hướng tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố.

Hà Nội cần hơn 482.000 tỉ đồng đầu tư công trung hạn 5 năm

Việc phân bổ vốn đầu tư công phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn đầu tư công giai đoạn 2021-2025 do cấp có thẩm quyền quyết định. Ưu tiên bố trí vốn cho các ngành, lĩnh vực, các quận, huyện, thị xã theo mục tiêu và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của giai đoạn 2021-2025. Không bố trí vốn cho chương trình, dự án không thuộc lĩnh vực đầu tư công, bảo đảm công khai, minh bạch và công bằng, bảo đảm quản lý tập trung, thống nhất về mục tiêu, cơ chế, chính sách; thực hiện phân cấp trong quản lý đầu tư theo quy định của pháp luật, tạo quyền chủ động cho các cấp, các ngành và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Về nguyên tắc bố trí kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021-2025 cho các chương trình, dự án, phải tuân thủ nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn được cấp có thẩm quyền quyết định. Tập trung bố trí vốn đầu tư công để hoàn thành và đẩy nhanh tiến độ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng của thành phố, chương trình, dự án có ý nghĩa lớn đối với phát triển kinh tế - xã hội của thành phố, của các cấp, các ngành.

Trong từng ngành, lĩnh vực, việc bố trí vốn thực hiện theo thứ tự ưu tiên như sau: Dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhung chưa bố trí đủ vốn; các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn 2016 - 2020 sang thực hiện theo tiến độ được phê duyệt; các dự án dự kiến hoàn thành trong kỳ kế hoạch; các dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ; các dự án mới thuộc lĩnh vực ưu tiên: Y tế, giáo dục, môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu, nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới nâng cao, các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật khung, tạo diện mạo đô thị hiện đại, văn minh, an ninh, quốc phòng; các dự án cần thiết ưu tiên của các lĩnh vực khác.

Giai đoạn 2021-2025, thành phố đầu tư trọng tâm vào các ngành, lĩnh vực sau: Lĩnh vực quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội, giáo dục đào tạo và dạy nghề, khoa học, công nghệ, y tế, dân số và gia đình, văn hóa thông tin, phát thanh, truyền hình, thông tấn, thể dục, thể thao, bảo vệ môi trường,...

Theo đề xuất của các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã nhu cầu vốn cho kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 khoảng 482.780 tỉ đồng, bao gồm: Tổng hợp nhu cầu vốn cấp thành phố 350.296 tỉ đồng (trong đó, nhu cầu 17 dự án trước đây đầu tư theo hình thức đối tác công tư chuyển sang đầu tư công là 25.000 tỉ đồng); tổng nhu cầu vốn cấp huyện là 132.484 tỉ đồng.

Phấn đấu GRDP đầu người đạt 8.300 - 8.500 USD

HĐND TP.Hà Nội thông qua Nghị quyết về phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2025.

Trước đó, thay mặt UBND TP, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền trình bày báo cáo cho biết, phương hướng kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2025, TP.Hà Nội xác định đến năm 2025, mục tiêu tổng quát là xây dựng, phát triển Thủ đô nhanh và bền vững theo hướng đô thị xanh, thành phố thông minh, hiện đại, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực; cơ bản hoàn thành mục tiêu công nghiệp hóa; GRDP đầu người đạt 8.300-8.500 USD.

Thành phố cũng xác định 17 chỉ tiêu chủ yếu, như tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP giai đoạn 2021-2025 từ 7,5-8%; tỉ trọng kinh tế số trong GRDP chiếm khoảng 30%; tỉ lệ trường chuẩn quốc gia từ 80-85%; 100% huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, 40% xã nông thôn mới nâng cao, 20% xã nông thôn mới kiểu mẫu; tỉ lệ đô thị hóa 60-62%; tỉ lệ hộ dân thành thị và nông thôn được cung cấp nước sạch đạt 100%...

Thành phố cũng xác định 5 định hướng lớn và nhiệm vụ trọng tâm, 3 khâu đột phá, 11 kế hoạch phát triển các ngành, lĩnh vực. Dự kiến tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố giai đoạn 2021-2025 khoảng 1,4 triệu tỉ đồng, trong đó, thu nội địa trên 1,3 triệu tỉ đồng, chiếm trên 90% tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn. Tổng chi ngân sách địa phương dự kiến khoảng 613,7 nghìn tỉ đồng, phấn đấu đến năm 2025, chi thường xuyên ở mức khoảng 50% tổng chi ngân sách.

Để đảm bảo GRDP giai đoạn 2021-2025 tăng 7,5-8%, Hà Nội dự kiến tổng vốn đầu tư xã hội cần huy động khoảng 3,1-3,2 triệu tỉ đồng; trong đó, vốn đầu tư khu vực nhà nước khoảng 30-31%, vốn đầu tư khu vực ngoài nhà nước khoảng 53-54% và vốn đầu tư nước ngoài khoảng 15-17%. Cơ cấu sử dụng đất thay đổi theo hướng giảm diện tích đất nông nghiệp.

Dự kiến đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 165 nghìn ha, chiếm 49,1% tổng diện tích đất tự nhiên. Thành phố cũng chuyển khoảng 1/3 diện tích đất trồng lúa (30 nghìn ha) sang các hình thức sử dụng hiệu quả hơn; thực hiện đấu giá khoảng 2-3 nghìn ha tạo nguồn vốn đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng khung, hạ tầng đồng bộ các khu đô thị vệ tinh.

Với 100% đại biểu HĐND TP khóa XV có mặt tán thành, HĐND TP thông qua Nghị quyết về tình hình thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của TP.

Nghị quyết thông qua với với 23 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, GRDP tăng khoảng 7,5%; vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12%; kim ngạch xuất khẩu tăng 5%; giảm 20% số hộ nghèo theo chuẩn mới của Thành phố; số trường công lập đạt chuẩn quốc gia tăng thêm 85 trường; tỉ lệ hộ dân khu vực nông thôn được cung cấp nước sạch 85%; số xã nông thôn mới tăng thêm 14 xã...