19/01/2025 | 02:40 GMT+7, Hà Nội

[Hà Nội] Các điểm du lịch quanh hà nội dịp 2/9

Cập nhật lúc: 27/08/2015, 13:21

Dịp Quốc Khánh 2/9/2015 theo quy định của Nhà nước sẽ được nghỉ 01 ngày. Vì thế các gia đình, nhóm bạn có thể lựa chọn cho mình những điểm du lịch xung quanh Hà Nội để vừa có thể vui chơi lại có thể nghỉ ngơi trong khoảng thời gian ngắn.

Xung quanh Hà Nội còn có rất nhiều làng nghề truyền thống với phong cảnh thôn quê mộc mạc, đậm chất Bắc Bộ xưa. Du khách có thể kết hợp việc tới tham quan các làng nghề truyền thống này với việc vãn cảnh chùa chiền, tận hưởng không gian thanh tịnh và nhịp sống chậm rãi khác hẳn những ngày tấp nập tại thành phố. 

Các làng nghề truyền thống xung quanh Hà Nội nằm không quá cách xa nhau, đường đi lại thuận tiện với khá nhiều di tích lịch sử trên đường đi khiến du khách có thể có một lịch trình thăm quan phong phú và hấp dẫn. 

Mặc dù không phải làng nghề nào cũng giữ và tổ chức tái hiện được các nghề truyền thống từ lâu đời song tại đây vẫn lưu giữ nhiều câu chuyện, kỷ niệm và còn một vài gia đình vẫn đang theo nghề của "ông bà truyền lại" để du khách có thể tham quan, tìm hiểu. 

1. Làng gốm Bát Tràng - Gia Lâm - Hà Nội 

Làng Gốm Bát Tràng là điểm đến quen thuộc của người dân Hà Nội vì khoảng cách gần (cách Hà Nội 10km) và đường đi thuận tiện. Làng gốm Bát Tràng hiện nay vẫn duy trì và phát triển nghề gốm cổ truyền nên du khách có thể thoải mái tham quan, tìm hiểu về nghề gốm nổi tiếng tại đây. 

Các hoạt động dành cho du khách ở Bát Tràng khá phong phú như tham quan làng bằng xe trâu, mua sắm tại chợ Gốm và tự tay nặn, vẽ và sáng tạo các sản phẩm gốm theo sở thích cá nhân. Cách làm du lịch tại đây phù hợp với cả người lớn lẫn trẻ nhỏ nên Bát Tràng vẫn là một trong những điểm đến hấp dẫn vào mỗi dịp nghỉ lễ hay cuối tuần. 

Làng gốm Bát Tràng phát triển rất tốt cả về nghề truyền thống cả về du lịch.

Làng gốm Bát Tràng phát triển rất tốt cả về nghề truyền thống cả về du lịch.

Cũng trên một cung đường Hà Nội - Bát Tràng, du khách có thể ghé khu đô thị Ecopark nghỉ ngơi, hít thở không khí trong lành hoặc thăm Thành Cổ Loa và đền thờ An Dương Vương. Đây được coi là thủ đô thứ hai của Việt Nam được xây dựng từ thế kỷ 3 trước Công Nguyên là một công trình phòng ngự chống giặc ngoại xâm nổi tiếng của dân tộc ta. 

Các địa điểm trên đều khá rộng rãi, thoáng mát, du khách có thể tự chuẩn bị bữa ăn trưa, mang theo một số đồ dùng đi picnic để có một bữa trưa ngoài trời hoặc cũng có thể ghé các quán ăn tại Bát Tràng để thưởng thức ẩm thực làng quê. 

2. Làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông - Hà Nội 

Làng lụa Vạn Phúc nằm khá gần trung tâm Hà Nội, đây là một làng nghề rực rỡ sắc màu và tấp nập các hoạt động buôn bán. Du khách đến thăm làng Vạn Phúc hoàn toàn có thể đi sâu vào làng để xin tham quan các xưởng dệt lụa thủ công hoặc ghé chợ Vạn Phúc mua sắm đồ lụa, lanh, đũi ... với mức giá hợp lý. 

Kết hợp du lịch làng lụa Vạn Phúc, du khách có thể tới thăm chùa Trầm và chùa Trăm Gian. Đây là hai ngôi chùa có lịch sử lâu đời và kiến trúc độc đáo ở gần Hà Nội. 

Hình ảnh phơi lụa rất đẹp tại làng Vạn Phúc.

Hình ảnh phơi lụa rất đẹp tại làng Vạn Phúc.

Chùa Trầm nằm dưới chân núi Tử Trầm Sơn, thuộc vùng đất So Sở, là một quần thể kiến trúc kết hợp hài hòa giữa kiến trúc chùa Bắc Bộ và núi, hang động tự nhiên. Tới đây ngoài thăm quan thắng cảnh Chùa bạn còn được vào sâu trong lòng Hang, nơi đặt các bức tượng phật làm bằng đá. Leo lên đỉnh núi Tử Trầm để phóng tầm mắt ngắm nhìn toàn cảnh Hà Nội phía Tây Nam.

Chùa Trăm Gian được lập từ đời Lý Cao Tông năm 1185. Chùa có 3 khu kiến trúc chính trải dần theo độ cao của triền đồi, bao gồm. Đến với chùa bạn sẽ cảm nhận một không khí linh thiêng, êm đềm của những ngôi chùa vùng Bắc Bộ. 

3. Làng nón Chuông - Thanh Oai - Hà Nội 

Làng Chuông là một ngôi làng nhỏ nằm bên dòng sông Đáy, cách trung tâm Hà Nội trên 30 km, thuộc xã Phương Trung, huyện Thanh Oai, Hà Nội. Đây là làng nghề truyền thống làm nón. 

Đến Làng Chuông nếu đúng vào thời gian họp chợ bạn sẽ thấy được sự phong phú, đa dạng của các loại nón mà thời nay đã ít người sử dụng. Thời gian họp chợ diễn ra vào các buổi sáng ngày sáng mồng 4, 10, 14, 20, 24 và 30 âm lịch.

Khung cảnh một phiên chợ nón làng Chuông.

Khung cảnh một phiên chợ nón làng Chuông.

Chợ bán các loại nón và nguyên liệu làm nón. Chợ họp ngay cạnh Đình làng, đây cũng là một phiên chợ còn lưu giữ nhiều nét cổ trong đời sống sinh hoạt làng xã Việt Nam. Sau khi dạo chợ, bạn có thể dạo quanh làng, vào thăm quan một trong số những gia đình làm nón.

Bạn sẽ được chủ nhà giảng giải về cách làm nón cũng như nghe những câu chuyện về cuộc sống và nghề làm nón. Ngoài các gia đình làm nón lá còn có một gia đình chuyên làm nón quai thao, đây là loại nón cổ truyền mà ngày nay chỉ còn dùng trong các lễ hội quan họ và biểu diễn. 

4. Làng tranh Đông Hồ - Bắc Ninh

Làng tranh đông hồ nằm cách Hà Nội khoảng 35km và có truyền thống làm tranh Đông Hồ trên giấy dó. Trước đây cả làng theo nghề làm tranh Đông Hồ với các sản phẩm tranh quen thuộc như: Đám cưới chuột, Hứng dừa, Đánh ghen, Em bé cưỡi trâu ... 

Tuy nhiên hiện nay nghề làm tranh Đông Hồ đã dần dần bị phai nhạt và cả làng chỉ còn lại 2 nhà có xưởng tranh, còn lại đều đã chuyển sang nghề làm vàng mã. Nếu bạn tới làng tranh Đông Hồ du lịch, hãy tìm vào xưởng tranh của nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế. Tại đây hiện nay vẫn đang ngày ngày gìn giữ và phát triển nghề tranh Đông Hồ truyền thống. 

Nghề làm tranh Đông Hồ đã bị mai một đi nhiều.

Nghề làm tranh Đông Hồ đã bị mai một đi nhiều.

Xưởng tranh của cụ Chế lưu giữ nhiều bản khắc gỗ cổ truyền và những bản khắc gỗ mới sáng tạo có giá trị kinh tế cao. Ngoài ra tại đây còn treo rất nhiều bộ tranh cổ có giá vài nghìn USD được cụ Chế kỳ công sưu tập và trưng bày. 

Ngoài việc được tìm hiểu về các công đoạn làm ra một bức tranh Đông Hồ, du khách cũng có thể mua cho gia đình hoặc mua tặng bạn bè một vài bức tranh Đông Hồ nổi tiếng với mức giá phải chăng.

5. Làng gốm Phù Lãng - Bắc Ninh

Sau khi thăm làng tranh Đông Hồ, du khách có thể tiếp tục thăm quan làng gốm Phù Lãng. Cùng với gốm Bát Tràng, gốm Phù Lãng là nghề gốm truyền thống đã có từ lâu nhưng hiện nay không phát triển rực rỡ như gốm sứ Bát Tràng. 

Làng Phù Lãng nằm bên bờ sông Cầu và có nhiều bến đò ngang suốt ngày chở khách qua lại. Phù Lãng còn có nhiều ngọn núi đẹp, tạo nên cảnh sơn thuỷ hữu tình ít có trên đất Bắc Ninh.

Làng gốm Phù Lãng mộc mạc, dung dị giống hệt như những sản phẩm gốm tại đây.

Làng gốm Phù Lãng mộc mạc, dung dị giống hệt như những sản phẩm gốm tại đây.

Nguyên liệu để tạo ra sản phẩm của nghề gốm Phù Lãng là đất sét có màu hồng nhạt, mua ở làng Thống Vát, Cung Kiệm. Qua nhiều công đọan, đất sét được luyện dẻo mịn rồi tạo hình trên bàn xoay bằng tay của người thợ thủ công.

Sản phẩm chính của nghề gốm Phù Lãng là chum vại, chậu nồi, ấm đất, chậu sành, tiểu sảnh. Khác với nốt tinh tế của gốm sứ Bát Tràng với nhiều loại men cầu kỳ, gốm Phù Lãng được phủ một lớp men có hoa văn màu da lươn trông vừa mộc mạc vừa bền đẹp.

Hiện nay phải đi sâu và lòng vòng vào làng Phù Lãng mới có thể tận mắt nhìn thấy những lò gốm và tìm hiểu cách làm gốm ở đây.

6. Làng chuồn chuồn tre Thạch Xá - Thạch Thất - Hà Nội 

Làng Thạch Xá nằm cách Hà Nội chừng 35 km, đây là làng làm chuồn chuồn tre nổi tiếng của huyện Thạch Thất, Hà Nội. Chuồn chuồn tre ở đây được làm bắt mắt và có thể đứng thăng bằng bởi phần đầu trên những điểm tựa nhỏ. 

Sở dĩ gọi là chuồn chuồn tre vì sản phẩm này được làm từ những cây tre bánh tẻ, đốt dài và ít mối mọt. Thông thường, một sản phẩm phải trải qua các giai đoạn gồm: Chẻ tre, vót thân và cánh chuồn chuồn, làm mỏ, lắp cánh, trang trí.

Trong đó, công đoạn khó nhất là lắp cánh vào thân chuồn chuồn. Công đoạn này đỏi hỏi người thợ thủ công phải tính toán cẩn thận để chuồn chuồn đậu được trên tay. Chỉ khi chuồn chuồn cân bằng, người thợ mới gắn keo cố định và trang trí.

Chuồn chuồn tre rất được khách du lịch yêu thích.

Chuồn chuồn tre rất được khách du lịch yêu thích.

Du khách tới đây có thể theo dõi quá trình làm nên một con chuồn chuôn tre hoặc cầu kỳ hơn, du khách có thể đặt theo ý mình hoặc tự làm dưới sự hướng dẫn của các nghệ nhân trong làng để có vật kỷ niệm đầy ý nghĩa. 

Nằm gần làng Thạch Xá là chùa Tây Phương nổi tiếng trong bài thơ "Các vị La Hán chùa Tây Phương" của nhà thơ Huy Cận. Đây là nơi tập trung những kiệt tác hiếm có của nghệ thuật điêu khắc tôn giáo bao gồm chạm trổ, phù điêu và tạc tượng.

Khắp chùa chỗ nào có gỗ là có chạm trổ. Các đầu bẩy, các bức cổn, xà nách, ván long... đều có chạm trổ đề tài trang trí quen thuộc của dân tộc Việt: hình lá dâu, lá đề, hoa sen, hoa cúc, rồng, phượng, hổ phù... rất tinh xảo được tạo ra dưới bàn tay thợ tài hoa của các nghệ nhân làng mộc ngay trong vùng. 

Nếp chùa cổ với nhiều tác phẩm nghệ thuật có giá trị, cùng với phong cảnh núi non hữu tình chắc chắn sẽ khiến du khách tới đây có một chuyến đi an lành và thú vị.

7. Làng quạt Chàng Sơn - Thạch Thất - Hà Nội

Quạt Chàng Sơn là sản phẩm có tiếng tại xã Chàng Sơn, huyện Thạch Thất, Hà Nội. Nghề làm quạt ở đây có từ cách đây hơn trăm năm. Ngay từ thế kỷ 19, những chiếc quạt Chàng Sơn đã được người Pháp đem đi triễn lãm tại kinh đô Paris hoa lệ. 

Nghề làm quạt tại Chàng Sơn vẫn đang được gìn giữ và phát huy.

Nghề làm quạt tại Chàng Sơn vẫn đang được gìn giữ và phát huy.

Những chiếc quạt Chàng Sơn nổi tiếng bền và đẹp. Để có một chiếc quạt như ý, mỗi người thợ ở đây phải lựa chọn từng loại nguyên liệu tốt nhất. Trong đó tre làm quạt phải dẻo, không mối mọt, sợi mây phải óng mượt và dài để không bị đứt đoạn khi viền. Giấy làm quạt là loại giấy dó, giấy điệp mua tại Đông Hồ để tranh vẽ lên màu đẹp nhất.

Du khách ghé thăm làng ngoài việc được tìm hiểu và tận mắt chiêm ngưỡng quá trình tạo nên một chiếc quạt cổ truyền thì còn có cơ hội tự tay làm thử một chiếc quạt mang về làm kỷ niệm.

8. Làng thêu tay Quất Động - Thường Tín - Hà Nội 

Đây là một làng cổ nằm ven quốc lộ 1A, cách trung tâm thủ đô hơn 20km về hướng Nam. Nơi đây từ thế kỷ 17 đã có nghề thêu, có những nghệ nhân bằng đôi bàn tay khéo léo đã chắt lọc những gì tinh túy nhất của hồn dân tộc để tạo nên những tác phẩm rực rỡ, sinh động nhất.

Ở Quất Động từ trước tới nay, nghề thêu bằng phương pháp thủ công vẫn là nghề trọng yếu, chỉ đứng sau nghề nông Người Quất Động rất yêu nghề thêu, những lúc nghỉ ngơi hay nông nhàn đều ngồi thêu. Nhà nào cũng có khung thêu. Nhiều gia đình có tới 5, 7 đời làm nghề này.

Người làng Quất Động ai cũng thích thêu và ai cũng biết thêu.

Người làng Quất Động ai cũng thích thêu và ai cũng biết thêu.

Xưa kia, thợ thêu Quất Động chỉ dùng chỉ màu tự nhiên nhuộm từ củ nâu, củ nghệ, lá móng, hoa hòe, lá chàm, vỏ sò… với năm màu chỉ cơ bản vàng, đỏ, tím, xanh, lục … Tới nay đã có thêm nhiều loại chỉ từ nhiều nước khác như Trung Quốc, Pháp, Mỹ ... để tạo nên các sản phẩm phong phú, đa dạng hơn về chủng loại cũng như màu sắc. 

Khi xem các nghệ nhân Quất Động thêu, nhiều người phải thán phục nghề thêu Quất Động là một nghệ thuật tuyệt vời, và chỉ bằng một cây kim, một sợi chỉ, một miếng vải biến những chất liệu đơn giản thành những sản phẩm độc đáo với những mảng hoa văn mềm mại, đan xen kỳ lạ, đẹp mắt.

9. Làng múa rối nước Đào Thục - Đông Anh - Hà Nội 

Phường múa rối nước làng Đào Thục, được biết đến là nơi gìn giữ vốn văn hóa cổ truyền, môn nghệ thuật dân gian rối nước, đã có gần 300 năm nay. Sản phẩm truyền thống tại làng Đào Thục lại là bộ môn nghệ thuật nổi tiếng: Múa rối nước. Ông tổ truyền nghề múa rối nước cho làng Đào Thục có tên là Nguyễn Đăng Vinh.

Vào cuối năm, đầu xuân hoặc các dịp lễ là thời gian đông khách du lịch tới thăm làng Đào Thục. Vào dịp này, mỗi tháng các nghệ nhân sẽ diễn khoảng 20 buổi hoặc hơn. Trước đây, các buổi biểu diễn được tổ chức tại ao làng với sân khấu được chiếu sáng bởi đèn dầu và đuốc. 

Các nghệ nhân tại làng không chỉ chế tác rối mà cũng chính là những người biểu diễn rối nước.

Các nghệ nhân tại làng không chỉ chế tác rối mà cũng chính là những người biểu diễn rối nước.

Không chỉ chế tác các con giống múa rối, những nghệ nhân trong làng còn chính là người nghệ sỹ tham gia vào mỗi vở diễn. Trước đây làng Đào Thục thường biểu diễn các tích trò nổi tiếng là "Ba khí giáo trò", "Lên võng xuống nước", "Trâu chui ống"... nhưng hiện nay, nhiều tiết mục đã được sáng tác thêm để ca ngợi quê hương đất nước như "Tặng hoa ngày hội", "Rước ảnh Bác Hồ", "Hà Nội 12 ngày đêm"...

Ghé thăm làng Đào Thục du khách sẽ được tìm hiểu thêm nhiều về cách chế tác các nhân vật rối nước, quá trình hoàn thành các nhân vật ấy cũng như các câu chuyện thú vị khác xung quanh nghệ thuật rối nước cổ truyền. 

Với nhiều làng nghề truyền thống không quá xa trung tâm Hà Nội, chắc chắn bạn và gia đình, bạn bè sẽ có một buổi đi chơi 2/9 vui vẻ, bổ ích và có thể có nhiều sản phẩm trưng bày đậm dấu ấn cá nhân mang về làm kỷ niệm.