22/11/2024 | 00:09 GMT+7, Hà Nội

Hà Nội: Bến xe khách vắng lặng giữa tâm dịch Covid-19

Cập nhật lúc: 28/03/2020, 16:00

Ngay sau khi có quyết định về việc yêu cầu hạn chế di chuyển liên tỉnh giữa các địa phương do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các bến xe "đìu hiu", vắng bóng khách, khác hẳn so với những hình ảnh thường thấy hàng ngày.

Do tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn ra rất phức tạp, Chính phủ buộc phải đưa ra những quyết sách "chưa từng có" nhằm ngăn chặn, kiểm soát bệnh dịch nhanh nhất có thể. 

Cụ thể, từ 0h ngày 28/03/2020 đến hết ngày 1/04/2020, yêu cầu hạn chế di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác; đặc biệt là các bến xe, nhà xe khi Bộ Giao thông vận tải đã có công văn chỉ đạo hạn chế tất cả các hoạt động vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TP HCM đến các nơi khác trên toàn quốc; tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Các bến xe nói chung và ngành Giao thông nói riêng chịu không ít tổn thất do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Theo ghi nhận của PV, ngày 28/3 - ngày đầu tiên thực thi "lệnh" của Chính phủ trong công tác ngăn chặn dịch bệnh lây lan, tại Bến xe Nước Ngầm (Hoàng Mai, Hà Nội) vắng bóng người đi lại, vẫn có một số chuyến xe liên tỉnh nhưng đa phần chỉ là vận chuyển hàng hóa, người dân chấp hành khá nghiêm túc khi việc di chuyển được hạn chế tối đa, nhân viên nhà xe, bến xe 100% đều đeo khẩu trang bảo hộ.

Lượng xe khách tại bến giảm đáng kể
Lượng xe khách tại bến giảm đáng kể

Lượng xe khách tại bến giảm đáng kể

Giảm gần 1/2 lượng xe so với trước đó, người dân đi lại "lác đác"...

Chủ yếu các xe hoạt động phục vụ việc vận chuyển hàng hóa liên tỉnh

Các khu vực xung quanh, đường ra - vào bến xe vắng lặng chưa từng có....

(Ảnh: Internet)
(Ảnh: Internet)

Hình ảnh đối lập trước và sau ảnh hưởng của dịch Covid-19

Trước đó, xác định đây là "thời điểm vàng" để CHỐNG DỊCH COVID-19, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu: Từ 0h ngày 28/03/2020 đến hết ngày 15/04/2020:

➡️ Dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong 1 phòng; không tụ tập từ 10 người trở lên ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện; yêu cầu thực hiện khoảng cách tối thiểu 2m giữa người với người tại các địa điểm công cộng.

➡️ Dừng triệt để các nghi lễ tôn giáo, hoạt động có tập trung từ 20 người trở lên tại các cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; dừng tất cả các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí tại các địa điểm công cộng.

➡️ Tạm đình chỉ hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ trên địa bàn, trừ các cơ sở kinh doanh các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định cơ sở kinh doanh, dịch vụ cần đóng cửa.

➡️ Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là từ các tỉnh, thành phố có dịch đến các địa phương khác. Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo hạn chế các chuyến bay và các hoạt động vận chuyển hành khách từ Hà Nội, TPHCM đến các nơi khác trên toàn quốc. Tạm dừng hoặc tổ chức lại hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, tập trung đông người, trừ các phương tiện vận chuyển hàng hóa.

Thủ tướng, cấp có thẩm quyền sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm, kỷ luật nghiêm đối với người đứng đầu chính quyền địa phương để xảy ra tụ tập đông người.

Chính vì vậy, việc từng cá nhân, tổ chức thực hiện nghiêm theo chỉ đạo của Chính phủ và các cơ quan Ban ngành trong thời điểm cao điểm chống dịch này cũng là góp sức lớn vào công tác phòng chống, ngăn chặn, kiểm soát và chiến thắng đại dịch !

Theo báo cáo mới nhất từ Bộ Y tế (tính đến thời điểm hiện tại - chiều 28/3/2020), cả nước đã ghi nhận thêm 6 trường hợp mắc mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 của Việt Nam lên 169.