24/11/2024 | 12:53 GMT+7, Hà Nội

Hạ lãi suất điều hành: “Doanh nghiệp hưởng lợi từ khoản vay mới”

Cập nhật lúc: 18/03/2020, 08:00

Ngân hàng Nhà nước quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ 17/3/2020. Theo đó, doanh nghiệp ít nhiều cũng được hưởng lợi từ chính sách này tại các khoản vay mới.

Ngày 16/3/2020, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã quyết định hạ một loạt lãi suất điều hành, theo đó lãi suất tái cấp vốn giảm từ 6% xuống 5%; lãi suất OMO giảm từ 4% xuống 3,5%; trần lãi suất tiền gửi kỳ hạn 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 5% xuống 4,75%; lãi suất cho vay các lĩnh vực ưu tiên từ 6% xuống 5,5%; lãi suất tiền gửi dự trữ bắt buộc là 1%...

Trước động thái “mạnh tay” của NHNN, chuyên gia tài chính ngân hàng, TS. Bùi Quang Tín phân tích, lãi suất điều hành là một kênh công cụ về điều hành chính sách tiền tệ của NHNN. Lãi suất điều hành gồm 3 loại lãi suất tái cấp vốn, lãi suất tái chiết khấu và lãi suất cơ bản. Trong suốt hơn 10 năm vừa qua, ngân hàng chỉ điều chỉnh lãi suất điều hành có liên quan đến lãi suất tái cấp vốn và lãi suất tái chiết khấu và với lần điều chính lần này, NHNN đã có sự điều chỉnh chính sách tiền tệ để có thể phù hợp với sự điều chỉnh lãi suất cơ bản với ngân hàng trung ương của các nước. Sự điều chỉnh của NHNN để hỗ trợ các ngân hàng thương mại có thể tiếp cận được dòng vốn tốt hơn.

NHNN điều chỉnh mức này tương quan với các chỉ số kinh tế vĩ mô khác ví như lạm phát. Chỉ số lạm phát 2 tháng đầu năm 2020 so với cùng kỳ năm ngoái tăng 5,91% được xem cao hơn mức dự trù ban đầu. Mục tiêu lạm phát của cả năm 2020 là dưới 4%. Cho nên, với mức lạm phát cao như vậy thì việc giảm lãi suất điều hành mang tính phù hợp với mức lạm phát, tỷ giá và các chỉ tiêu kinh tế khác.

TS. Bùi Quang Tín nhận định: “Tác động của lãi suất điều hành mang tính trung và dài hạn. Lãi suất điều hành lần này chủ yếu liên quan đến các khoản vay mới và mục tiêu lớn nhất là lãi suất tái cấp vốn, lãi suất OMO sẽ giảm trong thời gian tới. Bản thân doanh nghiệp cũng chờ các động thái mạnh mẽ hơn nữa từ các ngân hàng thương mại. Các doanh nghiệp hiện nay có nhu cầu về vốn rất yếu bởi hoạt động kinh doanh của rất nhiều doanh nghiệp phát triển rất chậm, thậm chí nhiều doanh nghiệp đang chờ cơ hội mới, chờ các gói kích thích của Chính phủ, chờ đợt dịch Covid-19 qua đi.

TS. Bùi Quang Tín

Động thái lần này của NHNN cũng hỗ trợ về vốn cho thị trường. Các doanh nghiệp hưởng lợi ở các khoản vay mới và hi vọng lãi suất trong thời gian tới sẽ giảm đi. Còn với các hợp đồng vay cũ, rất khó để doanh nghiệp hỗ trợ, giảm lãi suất, trừ phi doanh nghiệp chứng minh được họ bị thiệt hại nặng nề từ dịch Covid-19, và sự hỗ trợ theo từng hồ sơ. Nói chung, các khoản vay cũ ít tác động bởi chính sách lần này. Bởi khoản vay cũ đã có sự ràng buộc hợp đồng giữa người đi vay và ngân hàng thương mại là chính”.

Theo ông Tín, các doanh nghiệp hiện rất mong chờ các gói về giảm thuế, miễn thuế, đặc biệt, họ rất mong chờ các khoản vay vốn có thể nhận được sự hỗ trợ từ ngân hàng. Ví như tái cơ cấu kéo dài thời gian trả nợ. Bên cạnh đó doanh nghiệp mong muốn có thể giảm lãi suất cho vay với các khoản vay hiện tại. Ngoài ra là chính sách khoanh nợ, giãn nợ, tư vấn các doanh nghiệp trực tiếp hơn để doanh nghiệp có thể trụ được trong thời gian hiện tại.

Đặc biệt, có dự báo dịch Covid-19 có thể kéo dài tới tháng 8/2020, do đó có thể tạo nên tâm lý lo lắng trên toàn cầu dẫn đến sự ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán và hàng hoá.

TS. Tín nhận định: “Trong các kênh đầu tư hiện nay, kênh gửi tiết kiệm là vẫn là kênh đầu tư hiệu quả. Kênh chứng khoán hiện không phải là kênh đầu tư phù hợp trong bối cảnh dịch bệnh và rất nhiều nhà đầu tư đang chờ đợi xu hướng mới trong tương lai. Nếu như họ vẫn đổ tiền đầu tư vào chứng khoán thì họ có thể gặp rủi ro rất lớn. Đối với kênh bất động sản, kênh này đang có khả năng thanh khoản kém, lãi suất vay vốn cũng chưa hạ theo như mong muốn của nhà đầu tư. Các thị trường hàng hoá, có trên 70% doanh nghiệp đang ở giai đoạn cầm cự để có thể vượt qua được dịch Covid-19”.

Có thể khẳng định rằng, các doanh nghiệp hiện nay đang rất khó khăn để tạo ra dòng tiền và đang rất khó khăn để lo chí hoạt động như máy móc, nhân viên… Trong thời gian vừa qua, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Tài Chính cũng đã có một số chính sách phù hợp để hỗ trợ người dân và các doanh nghiệp. Kỳ vọng, các chính sách này sẽ hỗ trợ phần nào để họ vượt qua được khó khăn lần này.