27/12/2024 | 07:59 GMT+7, Hà Nội

Grab ra mắt ứng dụng kinh doanh cho doanh nghiệp nhỏ

Cập nhật lúc: 09/06/2020, 17:22

Ngày 8/6 vừa qua, Grab đã có lễ công bố ra mắt GrabMerchant để củng cố hình ảnh và sức ảnh hưởng ở khu vực Đông Nam Á.

Grab vừa ra mắt một nền tảng chợ dịch vụ B2B mang tên gọi Grab Merchant để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) phát triển và quản lí hoạt động kinh doanh trực tuyến. Grab đã giới thiệu dịch vụ này vào ngày 8/6, Grab chia sẻ rằng các nhà bán lẻ có thể tìm kiếm nguồn cung bán buôn, đồng thời xây dựng và triển khai quảng cáo thông qua dịch vụ mới.

Hãng gọi xe lớn nhất Đông Nam Á cũng kì vọng có thể ra mắt được dịch vụ tài chính dành cho các doanh nghiệp SME thông qua GrabPay trong vài tháng tới, theo Deal Street Asia. Các doanh nghiệp trong mảng thực phẩm và thức uống (F&B) đã dùng ứng dụng dành cho nhà bán của GrabFood trước đó sẽ chuyển sang ứng dụng GrabMerchant mới.

GrabMerchant sẽ tập hợp các nhà bán trong cả lĩnh vực F&B (GrabFood), thực phẩm tươi sống (GrabMart) và các tổ chức, cá nhân khác đang sử dụng các dịch vụ thanh toán của GrabPay. Theo Grab, hãng đã có thêm 120.000 đối tác bán hàng mới gia nhập trong thời gian dịch bệnh COVID-19 từ tháng 3 đến tháng 5.

"COVID-19 đã đẩy nhanh quá trình thay đổi. Chúng tôi thấy sự phụ thuộc vào dịch vụ số tăng cấp số nhân sau mỗi đêm. Điều này đang tạo ra sự sáng tạo trên khắp Đông Nam Á nhưng cũng đặt chúng ta vào thách thức đến từ sự chia cách do công nghệ tạo ra", Hooi Ling Tan, đồng sáng lập Grab, chia sẻ.

Qua GrabMerchant, Grab kì vọng có thể giúp các doanh nghiệp nhỏ có định hướng tốt trong giai đoạn "bình thường mới".

Deal Street Asia nhận định việc ra mắt GrabMerchant cho thấy Grab ngày càng tập trung vào các mảng kinh doanh vẫn tăng trưởng trong lúc mảng gọi xe và vận tải chịu ảnh hưởng lớn ở Đông Nam Á do lệnh phong tỏa hoặc giãn cách xã hội vì dịch bệnh.

Russell Cohen, giám đốc quản lí vận hành khu vực của Grab, cho biết hơn một một nửa giá trị giao dịch hàng hóa (GMV) đến từ mảng kinh doanh ngoài vận tải, bao gồm giao đồ ăn và đồ tươi sống. Dù vậy, ông Russell Cohen từ chối chia sẻ dự đoán về xu hướng này trong một vài tháng tới.

Ở thời điểm hiện tại, một số startup như GudangAda và Ralali cũng đang cung cấp dịch vụ tương tự như GrabMerchant cho doanh nghiệp SME tại Indonesia, theo Deal Street Asia. Cùng thời điểm một số sàn TMĐT như Tokopedia và Bukalapak cũng có những hỗ trợ như giúp doanh nghiệp lập cửa hàng trực tuyến và đăng kí dịch vụ tài chính, bao gồm cả khoản vay.