18/01/2025 | 08:53 GMT+7, Hà Nội

Grab \"lên sàn\" đầy hứa hẹn, mở lối cho làn sóng các công ty Đông Nam Á IPO tại Mỹ

Cập nhật lúc: 29/11/2021, 10:30

Kỳ lân Singapore Grab được dự đoán là lựa chọn hoàn hảo, độc đáo cho giới đầu tư vốn quen với cổ phiếu của Uber, DoorDash tại Mỹ hay Alibaba và Didi Chuxing tại Trung Quốc, theo Nikkei.

Tiềm năng lớn của Grab - Startup công nghệ nổi bật ở Đông Nam Á

Năm 2018, Uber Technologies quyết định rút khỏi thị trường Đông Nam Á trong bối cảnh cạnh tranh mạnh mẽ với các công ty gọi xe địa phương. Ba năm sau, Grab tiếp quản hoạt động của Uber và trên đà phát triển thành một trong những tập đoàn công nghệ lớn nhất khu vực cũng như chuẩn bị cho công cuộc IPO tại Mỹ vào đầu tháng 12 tới.

Khi cổ phiếu của Grab bắt đầu giao dịch trên sàn Nasdaq, Grab không chỉ là một ứng dụng vận tải đơn thuần mà còn cung cấp thêm các dịch vụ như giao đồ ăn, đồ tươi sống, thanh toán, bảo hiểm... Theo Nikkei, Grab sẽ là lựa chọn thay thế hoàn hảo, độc đáo cho giới đầu tư vốn từng quen với cổ phiếu của Uber, DoorDash (Mỹ) hay Alibaba và Didi Chuxing (Trung Quốc).

Việc chào sân Nasdaq của Grab sẽ mở đường cho nhiều vụ IPO từ Đông Nam Á trên thị trường Mỹ.
Việc chào sân Nasdaq của Grab sẽ mở đường cho nhiều vụ IPO từ Đông Nam Á trên thị trường Mỹ.

Trang Nikkei dự đoán, việc niêm yết trên sàn Mỹ dự kiến hoàn thành cuối năm nay của Grab có thể là bước khởi đầu cho làn sóng công ty Đông Nam Á IPO tại Mỹ vốn vẫn chưa được thị trường toàn cầu nhìn nhận mặc dù sở hữu tiềm năng lớn.

Tại Singapore, ứng dụng Grab được cho là phần cốt lõi không thể thiếu trong cuộc sống nhiều người. Xe máy, xe đạp cùng thùng chở hàng "Grabfood" trong chiếc áo khoác màu xanh lá xuất hiện dày đặc trên phố, trong khi đó nhà hàng và cửa hàng chấp nhận thanh toán dựa trên mã QR thông qua ví điện tử GrabPay. 

Năm 2012 tại Malaysia, Grab xuất hiện là một ứng dụng đặt xe taxi. Nhờ mạng lưới các đối tác tài xế, Grab sau đó bổ sung thêm dịch vụ giao đồ ăn. Tận dụng lượng người dùng Internet qua di động ngày càng nhân rộng ở Đông Nam Á cùng nguồn vốn từ nhiều nhà đầu tư uy tín, Grab liên tục tăng trưởng. Hiện tại, Grab đã có mặt tại 8 quốc gia Đông Nam Á gồm Singapore, Malaysia, Indonesia, Việt Nam, Thái Lan, Philippines, Campuchia và Myanmar.

Tính đến thời điểm quý II/2021, Grab đã có khoảng 24,7 triệu người dùng hoạt động; khoảng 5 triệu tài xế đăng ký và 2 triệu đối tác thương mại. Về thị phần, theo báo cáo của công ty tư vấn Momentum Works, Grab chiếm 50% thị trường giao đồ ăn tại 6 nền kinh tế chính trong khu vực vào năm 2020, vượt qua Foodpanda, Deliveroo và một số đối thủ khác.

Nhiều nghiên cứu khác cũng chỉ ra, Grab là dịch vụ đặt xe hàng đầu ở hầu hết các thị trường, trong khi GrabPay dẫn đầu mảng ví điện tử ở Singapore và Malaysia.

Grab - câu chuyện thú vị với các nhà đầu tư

Howard Yu, giáo sư chuyên nghiên cứu về các hãng công nghệ toàn cầu tại trường Kinh doanh IMD của Thụy Sĩ nhận định: “Grab hiện tại là chuyện cực kỳ thú vị với các nhà đầu tư”.

Ông cho rằng, các cuộc tinh chỉnh chính sách công nghệ của Bắc Kinh đã nhấn chìm cổ phiếu nhiều hãng như Tencent, Alibaba và Didi trong sắc đỏ. “Bất kỳ nhà đầu tư quốc tế nào cũng phải đa dạng hóa danh mục đầu tư. Họ không thể bỏ tất cả trứng vào một giỏ. Điều đó có nghĩa là Mỹ khiến Grab trở thành một lựa chọn thay thế hấp dẫn”, ông cho biết thêm.

Nền tảng đa dịch vụ của Grab như gọi xe, giao nhận thức ăn, tài chính và bảo hiểm sẽ khiến Grab trở nên hấp dẫn hơn so với nhiều đối thủ khác.
Nền tảng đa dịch vụ của Grab như gọi xe, giao nhận thức ăn, tài chính và bảo hiểm sẽ khiến Grab trở nên hấp dẫn hơn so với nhiều đối thủ khác.

Cùng với đó, quy mô rộng lớn của Grab khiến công ty trở nên hấp dẫn hơn so với doanh nghiệp cùng ngành tại thị trường Mỹ. Cốt lõi cho sự tăng trưởng của Grab là chiến lược siêu ứng dụng, cung cấp nhiều dịch vụ dựa trên điện thoại thông minh. Trang chủ ứng dụng hiển thị các biểu tượng khác nhau từ thực phẩm đến vận chuyển và mua sắm. Lượng lớn dữ liệu Grab thu thập được thông qua các giao dịch này giúp đơn vị tùy chỉnh các dịch vụ tài chính ví dụ như mua trước, trả sau.

Mới đây, Grab đã giành được giấy phép ngân hàng kỹ thuật số ở Singapore. Dự kiến, các dịch vụ tiền gửi và khoản vay cùng dịch vụ tài chính khác sẽ ra mắt trong năm 2022, với nền tảng dữ liệu từ hệ thống người bán hàng trên ứng dụng và lượng người dùng khổng lồ.

"Với lợi thế để khai thác tốc độ đô thị hóa nhanh chóng của Đông Nam Á, khung pháp lý thuận tiện và tỷ lệ lớn người dân chưa sử dụng hay tiếp cận đầy đủ các dịch vụ ngân hàng, Grab tin rằng đây là một trong những khu vực năng động và thú vị nhất trên thế giới”, hãng cho biết trong hồ sơ nộp lên thị trường chứng khoán New York.

Grab mở lối cho startup công nghệ Asean

Nếu so sánh con số tài chính với công ty Mỹ hay Trung Quốc, Grab sở hữu quy mô khá nhỏ. Tính trong quý II/2021, tổng giá trị hàng hóa giao dịch mảng gọi xe của Grab đạt 685 triệu USD, nhỏ hơn nhiều so với con số 8,6 tỷ USD của Uber.

Cùng với đó, hoạt động kinh doanh giao hàng của Grab cũng đạt là 2,1 tỷ USD, bằng khoảng 1/6 so với con số 12,9 tỷ USD của Uber và 1/5 so với 10,4 tỷ USD của DoorDash.

Về lợi nhuận, Grab báo cáo lỗ ròng 815 triệu USD trong quý II, trong khi lợi nhuận ròng của Uber là 1,14 tỷ USD và DoorDash lỗ ròng 102 triệu USD. ĐIều này đồng nghĩa với việc Grab đang ưu tiên đầu tư cho tăng trưởng. Grab kỳ vọng tổng giá trị hàng hóa tăng gần gấp ba lần lên 34,2 tỷ USD vào năm 2023 từ con số 12,5 tỷ USD của năm 2020, tương đương tăng trưởng hàng năm là 40%.

Grab đang hoạt động trong một khu vực có tỷ lệ dùng dịch vụ còn thấp bằng các chiến lược siêu địa phương hoá. "Vì thế, tiềm năng tăng trưởng trong dài hạn của Grab cao hơn so với những gì các nhà đầu tư sẽ có với Uber và DoorDash", ông Angus Mackintosh, nhà phân tích và sáng lập CrossASEAN Research nhận định.

Kỳ lân Singapore Grab sẽ IPO tại Mỹ trong tuần tới, định giá công ty lên tới 40 tỷ USD
Kỳ lân Singapore Grab sẽ IPO tại Mỹ trong tuần tới, định giá công ty lên tới 40 tỷ USD

Grab cũng đang theo đuổi phương pháp địa phương hóa, cho phép tiếp cận với nhiều loại hình thương vụ và doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) cho đến các tập đoàn lớn. Vì vậy, có khả năng câu chuyện tăng trưởng cao trong dài hạn hoàn toàn có thể đến với Grab chứ không phải là Uber hay DoorDash. 

Nhưng đầu tư vào Grab đồng nghĩa với phải đối mặt với một số rủi ro. Theo dự báo của Google, Temasek Holdings và Bain & Co, quy mô thị trường dịch vụ Internet của Đông Nam Á sẽ tăng gấp ba lần trong vòng 5 năm đến 2025, nhưng sự cạnh tranh cũng đang gia tăng, đe dọa tiềm năng lợi nhuận của Grab.

Bên cạnh các đối thủ truyền thống như Sea hay GoTo, Grab cũng có thể sẽ có thêm một số đối thủ khác, ví dụ như AirAsia. Khởi đầu là một hãng hàng không trong khu vực, AirAsia hiện đang đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực giao đồ ăn, gọi xe và công nghệ tài chính với chiến lược vượt trội của riêng mình để thách thức Grab. 

Mới đây, Grab công bố đang trên đà hoàn thành việc sáp nhập với Altimeter Growth Corp (một công ty thâu tóm, sáp nhập chuyên dụng SPAC) với mức định giá 40 tỷ USD, thời gian hoàn thành dự kiến là trong quý IV/2021. 

Giáo sư Yu cho rằng, chiến lược của Grab có thể tạo ra lợi nhuận lớn hơn nhưng tất cả phụ thuộc vào việc liệu Grab có thể triển khai và hiện thực hóa chiến lược đã đề cập hay không. Dù vậy, việc "chào sân" Nasdaq của Grab sẽ mở đường cho nhiều vụ IPO từ Đông Nam Á trên thị trường Mỹ.