19/01/2025 | 13:38 GMT+7, Hà Nội

Góp vốn mua đất tại Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa, người dân có nguy cơ trắng tay

Cập nhật lúc: 14/02/2023, 18:03

Một người dân ở Cà Mau đã góp vốn để đầu tư đất nền tại Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa (TP. Đà Nẵng), nhưng 18 năm trôi qua, người này lại đang đối diện với nguy cơ mất trắng.

Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa (tọa lạc tại phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) do Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Du lịch Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư. Người góp vốn là ông Cao Văn Út (63 tuổi, trú tại TP. Cà Mau).

Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Ảnh: Đông Duy
Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng). Ảnh: Đông Duy

Năm 2005, ông Cao Văn Út ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Du lịch Biển Tiên Sa (nay là Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa) nhằm góp vốn nhận nền nhà để xây nhà ở tại Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa.

Theo hợp đồng, phía chủ đầu tư dự án đồng ý để ông Cao Văn Út góp vốn nhận nền nhà ở tại khu quy hoạch Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa. Cụ thể, ông Út sẽ nhận được một nền biệt thự có diện tích xây dựng khoảng 150m2/căn, bề ngang tối thiểu 15 - 20m, trong khuôn viên 500m2 được cấp Giấy Chứng nhận quyền sở hữu đất ở thuộc Khu du lịch Sinh thái biển Tiên Sa.

Dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa (quy mô 30,35ha) được UBND TP. Đà Nẵng giao cho Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa làm chủ đầu tư theo Quyết định giao đất số 30149/QĐ-UBND ngày 29/12/2003 và được cấp phép xây dựng theo Giấy phép xây dựng số 82/GPXD ngày 4/2/2009. Đến ngày 1/2/2016, dự án được UBND TP. Đà Nẵng cho phép gia hạn tiến độ thực hiện thêm 24 tháng (thời gian hoàn thành đến ngày 31/12/2017).

Giá trị hợp đồng theo thỏa thuận là 80.000 USD. Tiến độ góp vốn được chia làm 3 đợt, đợt 1 ngay sau khi ký hợp đồng thì ông Cao Văn Út phải thanh toán cho phía chủ đầu tư 50% giá trị hợp đồng; đợt 2 sẽ thanh toán 45% giá trị hợp đồng ngay trước khi được bàn giao đất đã hoàn chỉnh hạ tầng; đợt 3 sẽ thanh toán 5% giá trị còn lại khi nhận đủ Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất ở.

Thời gian dự kiến giao đất là 14 tháng sau khi ký hợp đồng góp vốn giữa 2 bên (tính từ tháng 6/2005). Trên cơ sở nội dung đã ký kết với chủ đầu tư, ông Cao Văn Út đã nộp tiền đợt 1 cho chủ đầu tư và được Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển Du lịch Biển Tiên Sa ký xác nhận.

Theo ông Cao Văn Út, từ đó đến nay, sau nhiều lần hứa hẹn công ty vẫn không có thiện chí hợp tác để giải quyết các quyền lợi chính đáng cho ông.

“Trên cơ sở tinh thần thiện chí giải quyết các vướng mắc phát sinh liên quan đến thực hiện dự án, tôi đã nhiều lần đề nghị lãnh đạo công ty xem xét, hợp tác, có phương án giải quyết các vấn đề còn tồn đọng để đảm bảo quyền lợi chính đáng cho cả 2 bên”, ông Cao Văn Út, giãi bày.

Tuy nhiên, theo ông Út, đến tháng 1/2023, ông nhận được công văn trả lời từ Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa với nội dung cho rằng, trong hồ sơ lưu hành chính của công ty không có bất kỳ nội dung nào liên quan đến hợp đồng góp vốn như đã nêu trên, kể cả tiền mặt, tiền gửi ngân hàng. Đồng thời cho biết, trong quá trình hoạt động Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa đã có sự chuyển đổi trong cơ cấu cổ đông và nhân sự ban lãnh đạo.

Cụ thể, theo đại diện Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa, căn cứ trên thực tế sổ sách kế toán và hồ sơ tại công ty, không tồn tại bất kỳ khoản tiền và hợp đồng góp vốn nào như ông Cao Văn Út trình bày.

Trong quá trình hoạt động, Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa đã có sự chuyển đổi trong cơ cấu cổ đông và nhân sự ban lãnh đạo. Ngày 3/6/2015, Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa và Công ty Cổ phần Tập đoàn Dược phẩm Vimedimex ký kết hợp đồng nguyên tắc. Theo đó, Vimedimex Group đã chuyển tiền cho Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa với số tiền 200 tỷ đồng và khoản tiền này dùng để thanh toán các khoản nợ phải trả còn tồn tại đến thời điểm 30/6/2015 của Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa. Sau khi rà soát bảng chi tiết các khoản nợ phải trả trong biên bản họp cổ đông ngày 18/5/2015, thì không có bất kỳ nội dung nào liên quan đến giá trị khoản góp vốn của ông Cao Văn Út.
Cùng với đó, tại biên bản họp cổ đông ngày 18/5/2015, các thành viên HĐQT cũ giai đoạn từ khi thành lập Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa đến ngày 18/5/2015 cam kết sẽ hoàn toàn tự chịu trách nhiệm liên quan đến các chi phí, nghĩa vụ với Nhà nước và các vấn đề phát sinh với bên thứ 3 khác có liên quan đến dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa.

Trên cơ sở đó, Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa cho rằng HĐQT, Ban Tổng Giám đốc của công ty kể từ ngày 1/7/2015 không biết và không có bất kỳ nghĩa vụ, trách nhiệm liên quan đến hợp đồng góp vốn cũng như khoản tiền góp vốn của ông Cao Văn Út. Chủ thể có nghĩa vụ giải quyết các vấn đề này là HĐQT của Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa trước ngày 1/7/2015. Đồng thời đề nghị ông Cao Văn Út liên hệ, làm việc với HĐQT và Ban lãnh đạo Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa trước ngày 1/7/2015 và các cá nhân đã trực tiếp ký kết hợp đồng góp vốn với ông.

Về phần mình, ông Cao Văn Út đã nhiều lần liên hệ với ông Hồ Bá Thọ, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa (trước ngày 1/7/2015) và chỉ nhận được những lời hứa, lời đảm bảo từ ông Thọ về giải quyết quyền lợi cho khách hàng nhưng không cam kết về thời gian chính xác. Được biết, dù Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa đã có sự thay đổi về HĐQT và ban lãnh đạo từ năm 2015 nhưng ông Hồ Bá Thọ (Chủ tịch HĐQT cũ) vẫn là một trong các cổ đông của công ty này.

“Công ty đã thu giữ tiền của tôi hơn 18 năm qua, đến nay sau nhiều lần hứa hẹn công ty không những không giải quyết quyền lợi cho tôi mà còn cho rằng không có liên quan giữa hai bên. Công ty Cổ phần Biển Tiên Sa lại không lưu giữ bất kỳ nội dung nào liên quan đến hợp đồng góp vốn của tôi. Tôi ký hợp đồng với công ty, người ký có tư cách là người đại diện pháp nhân chứ có ký hợp đồng với cá nhân nào đâu mà yêu cầu tôi liên hệ cá nhân để giải quyết?”, ông Cao Văn Út bức xúc cho biết. 

Năm 2019, Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, bảo vệ và phát triển rừng, bảo vệ môi trường, xây dựng đối với các dự án đầu tư trên bán đảo Sơn Trà. Trên cơ sở đó, việc đầu tư, góp vốn như trường hợp của ông Cao Văn Út tại dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa sẽ không khả thi. Cũng liên quan đến kết luận thanh tra này, vừa qua Công ty Cổ phần Tiên Sa đã có công văn gửi đến UBND TP. Đà Nẵng đề nghị xem xét chấp thuận và ban hành quyết định điều chỉnh mục đích sử dụng đất từ đất ở đô thị, thời hạn sử dụng lâu dài sang đất du lịch sinh thái, thời hạn 70 năm tại dự án Khu du lịch sinh thái biển Tiên Sa.

Nguồn: https://reatimes.vn/gop-von-mua-dat-tai-du-an-khu-du-lich-sinh-thai-bien-tien-sa-20201224000017595.html