18/01/2025 | 20:17 GMT+7, Hà Nội

Gỡ “nút thắt” trong chuỗi cung ứng dịch vụ du lịch Việt Nam

Cập nhật lúc: 20/01/2020, 06:00

Sự liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ đã tạo ra những giá trị và tạo đà cho du lịch phát triển. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng này vẫn lộ những yếu kém, khiến cho sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn...

Yêu cầu về liên kết trong chuỗi cung ứng

Cùng sự nghiệp đổi mới của đất nước hơn 20 năm qua, ngành du lịch đã có nhiều tiến bộ và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Những chỉ tiêu về khách, thu nhập, tỷ trọng GDP và việc làm đã khẳng định vai trò của ngành du lịch trong nền kinh tế quốc dân.

Hơn 20 năm qua du lịch Việt Nam có nhiều tiến bộ và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận

Du lịch là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa cao và nội dung văn hóa sâu sắc… Vì vậy, phải xây dựng được chuỗi cung ứng dịch vụ để hình thành một sản phẩm du lịch tổng hợp cung cấp cho khách hàng. Có nhiều phương pháp và hình thức liên kết:

Liên kết theo tổ chức quản lý: Cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, liên doanh với nước ngoài. Mối liên kết này được thể hiện thông qua các hoạt động quản lý, triển khai, giám sát thực hiện các quy định pháp luật, thỏa thuận trong hoạt động kinh doanh du lịch. Các đơn vị quản lý cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ với nhau nhằm khai thác triệt để lợi thế ngành du lịch. Cụ thể, Nhà nước đưa ra chủ trương, chính sách – doanh nghiệp thực hiện và triển khai.

Liên kết theo hành lang phát triển, giữa các địa phương trong một khu vực hoặc hành lang phát triển. Việc liên kết phát triển du lịch giữa các địa phương sẽ giúp các bên cùng phát huy lợi thế của mình để phát triển du lịch. Các địa phương có thể sử dụng tài nguyên du lịch của nhau để cùng xây dựng sản phẩm du lịch và xúc tiến du lịch. Sự liên kết giữa các tuyến, điểm du lịch sẽ tạo sự đồng bộ trong việc thu hút khách, đồng thời tạo nên những sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Sự liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ đã tạo ra những giá trị và tạo đà cho ngành du lịch phát triển

Liên kết dọc theo ngành (từ trung ương đến địa phương và cộng đồng dân cư tại điểm đến du lịch). Các doanh nghiệp du lịch và các cơ quan quản lý du lịch duy trì mối liên kết dọc từ trung ương đến địa phương để cung cấp dịch vụ phục vụ khách du lịch, cũng như chỉ đạo điều hành phát triển du lịch theo chiến lược và định hướng chung.

Liên kết theo ngành nghề kinh doanh (lữ hành, khách sạn, vận chuyển khách, bao gồm cả vận chuyển bằng đường không). Hình thức liên kết này chủ yếu được thực hiện qua việc các doanh nghiệp du lịch theo từng ngành nghề kinh doanh ký kết hợp đồng phục vụ khách trong một chương trình du lịch. Sự liên kết theo ngành nghề sẽ giúp các doanh nghiệp, người dân khai thác một cách triệt để dịch vụ du lịch, giảm chi phí, tăng doanh thu.

Nghị quyết số 08 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cũng đã xác định: Phát triển du lịch thực sự là ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh cao; xã hội hóa cao và có nội dung văn hóa sâu sắc; tăng cường liên kết trong nước và quốc tế, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với các ngành, lĩnh vực khác trong chuỗi giá trị hình thành nên các sản phẩm du lịch.

Nút thắt và giải pháp

Sự liên kết trong chuỗi cung ứng dịch vụ đã tạo ra những giá trị và tạo đà cho ngành du lịch phát triển. Tuy nhiên, chuỗi cung ứng này vẫn lộ nhiều yếu kém khiến cho sản phẩm du lịch chưa thực sự hấp dẫn, khả năng cạnh tranh chưa cao. Chất lượng dịch vụ du lịch chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch còn nhiều hạn chế về nguồn lực, sự phối hợp và tính chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao…

Điều này được TS. Hà Văn Siêu - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch chỉ rõ, sự liên kết giữa các ngành với nhau ở nước ta còn lỏng lẻo. Từ trước tới nay, nó vẫn là một điểm yếu trong ngành du lịch.

Nhà nước cần có chính sách, mục tiêu thúc đẩy sự liên kết trong du lịch

“Chúng ta vẫn hoạt động mang tính tự phát, thiếu đồng bộ, thiếu sự liên kết phối hợp. Hay nói cách khác, các đơn vị làm dịch vụ du lịch vẫn đang trong tình trạng “thân ai người đó lo”; từ đó, khiến cho việc xây dựng những sản phẩm thương hiệu dịch vụ chất lượng cao của ngành gặp không ít khó khăn”, ông Siêu phân tích.

Theo lý giải của ông Siêu, du lịch được tính từ thời gian khách đặt chân tới điểm đến du lịch tới khi dời đi. Qúa trình đó bao gồm từ di chuyển, tham quan, ngủ nghỉ, giải trí, mua sắm, an ninh, hải quan… chứ không đơn giản chỉ là cảnh quan du lịch. Du khách sẽ đánh giá một chuyến đi du lịch dựa trên rất nhiều yếu tố, và điều này đòi hỏi phải cho một chuỗi cung ứng dịch vụ chuyên nghiệp mới tạo được ấn tượng cho du khách.

Nhưng thực tế lại cho thấy, sự liên kết giữa các bên vẫn còn rất hạn chế. Chất lượng dịch vụ còn yếu kém, chưa giải quyết được dứt điểm vấn nạn ăn xin, đeo bám, chèo kéo, gây phiền hà cho khách ở nhiều điểm du lịch; tình trạng ô nhiễm môi trường du lịch, suy thoái tài nguyên môi trường, không đảm bảo vệ sinh, an toàn, an ninh tại các điểm tham quan du lịch... vẫn còn tương đối phổ biến.

Hạn chế cơ bản của các doanh nghiệp tư nhân trong du lịch là thiếu sự liên kết chặt chẽ như một hệ thống để đạt được sự thống nhất cao trong kinh doanh, từ đó nâng cao khả năng cạnh tranh với các đối thủ trong khu vực. Một vấn đề khác cần quan tâm đặc biệt là chất lượng đội ngũ lao động thuộc các doanh nghiệp tư nhân. Theo báo cáo của các cơ quan quản lý, phần lớn lực lượng lao động thuộc các doanh nghiệp du lịch tư nhân chưa qua đào tạo bài bản. Ngoài ra, sự tham gia của doanh nghiệp tư nhân vào quy trình hoạch định chính sách và lập kế hoạch còn hạn chế, có rất ít mối quan hệ đối tác giữa các cơ sở công và cơ sở tư nhân.

Để giải quyết được vấn đề này, ông Siêu cho rằng, ngành du lịch cần có các giải pháp đồng bộ về đầu tư mới tạo được sự đồng đều cho một chuỗi dịch vụ du lịch mà chúng ta gửi tới cho du khách. Đồng thời, cần có sự liên kết giữa trung ương – địa phương, địa phương – doanh nghiệp, đối tác, liên ngành… giúp du lịch Việt Nam phát triển có hiệu quả, thông minh nhất. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, quảng bá, tạo dựng hình ảnh và thương hiệu cho ngành du lịch Việt Nam thông qua hoạt động kinh doanh du lịch như các sự kiện xúc tiến, các hoạt động văn hóa, hội chợ du lịch quốc tế tại thị trường trọng điểm và truyền thống cũng như các thị trường tiềm năng như: Ðức, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Anh, Trung Quốc và các thị trường khu vực Ðông Nam Á...

Phát triển du lịch bền vững phải gắn với bảo tồn, bảo vệ môi trường, song song với quá trình đô thị hóa, công nghiệp hóa. Chúng ta phải giữ gìn và phát triển những di sản ở những vùng được coi là cái nôi của giá trị văn hóa.

Hiện nay, chưa có một văn bản nào được hướng dẫn trực tiếp việc hợp tác, liên kết giữa các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Hầu hết các doanh nghiệp phải tự xây dựng mối liên kết dựa vào những văn bản pháp luật có nội dung liên quan đến du lịch. Do vậy, không chỉ các doanh nghiệp gặp khó khăn mà ngay cả Nhà nước cũng gặp nhiều bất cập trong quản lý.

Vì vậy, các doanh nghiệp du lịch mong có sự quan tâm tâm lớn hơn từ Nhà nước. Anh Nguyễn Tiến Đạt, Giám đốc Công ty Du lịch AZA cho rằng: “Du lịch là ngành liên kết, nhưng chỉ có Nhà nước mới điều chỉnh được các vấn đề như: Khung pháp lý, cơ sở hạ tầng, sự phối hợp giữa các Bộ, ban, ngành có liên quan… Về cơ sở hạ tầng, cần giải quyết nhanh tình trạng quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất. Đồng thời, cần xây dựng cảng biển có thể đón được các tàu 5 sao”.

Một số doanh nghiệp du lịch cũng cho rằng, nhân sự du lịch nước ta vẫn được coi là vừa thiếu và vừa yếu, nhiều nhân sự không chuyên. Công tác quảng bá du lịch còn gặp khá nhiều vấn đề. Nguyên nhân là do kinh phí để thực hiện còn eo hẹp. Ví dụ, vấn đề xúc tiến du lịch được đề ra đã lâu nhưng vẫn chưa được thực hiện. Xúc tiến ở đây là tham gia các hội chợ quốc tế… trong khi gian hàng của chúng ta còn nhỏ, chưa chuyên nghiệp dẫn tới tình trạng chưa chuyên nghiệp. Do vậy, ngành du lịch cần “một nhạc trưởng” để điều hành các vấn đề này.