12/05/2024 | 01:15 GMT+7, Hà Nội

Gieo hy vọng thoát nghèo vì phên dậu quốc gia

Cập nhật lúc: 07/12/2015, 13:54

Coi vùng biên là phên dậu chủ quyền của quốc gia, là tuyến đầu bảo vệ an ninh biên giới, nhiều chương trình đã được triển khai để giúp bà con ổn định cuộc sống.

Xã Chí Viễn (Huyện Trùng Khánh, Tỉnh Cao Bằng) với các dân tộc chủ yếu là Tày, Nùng. 80% diện tích đất là núi cao, đất canh tác ít, khí hậu khắc nghiệt vào mùa đông khiến bà con nơi đây chỉ sản xuất được 1 vụ 1 năm, cái đói cái nghèo cứ bám riết lấy đồng bào nơi đây.

Nỗi buồn ở bản nghèo

Gia đình em Mã Thị Lụa là một trong những hộ nghèo nhất thôn Đoỏng Đeng, xã Chí Viễn, Huyện Trùng Khánh. Trong căn nhà Đại Đoàn Kết mà xã xây cho, giờ đây chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Cách đây 7 năm, cả bà nội và bố Lụa đột ngột ốm nặng rồi mất trong vòng một tháng. Nhà đã nghèo lại càng thêm kiệt quệ.

Nụ cười đã tắt trên khuôn mặt mẹ, Lụa bảo. Người đàn bà góa bụa ấy hàng ngày làm quần quật từ sáng đến tối, phần vì muốn quên đi nỗi đau mất người thân, phần vì nếu không làm, thì chẳng biết lấy gì để hai mẹ con sống qua ngày.

Tuổi thơ của Lụa cũng vì thế mà buồn, buồn vì nghèo, buồn vì lo sẽ phải nghỉ học giữa chừng.

Cùng trong xã Chí Viễn là câu chuyện gia đình chị Hoàng Thị Bẩy, 5 năm lấy chồng là 5 năm chị Bẩy sống nghèo khó. Gia đình 4 người trông vào 2 sào ruộng mùa màng bấp bênh.

Không có việc làm, chồng chị Bảy trở thành kẻ nghiện rượu và là gánh nặng cho cả gia đình. Người trong làng gọi anh là Trúc Say. Mỗi khi hết tiền mua rượu, anh Trúc thường kiếm cớ gây sự, vòi tiền vợ. Nhưng chị làm gì có tiền để đưa cho chồng. Những trận đòn trút xuống chị mỗi khi anh say. Đồ đạc trong nhà cũng chui vào miệng chai, chuyển thành hơi men, chả mấy chốc nhà trống hơ trống hoác.

Ở xã Chí Viễn, những gia đình như em Lụa, chị Bẩy không phải hiếm. Cả xã có 300 hộ dân, thì có tới 120 hộ nghèo và cận nghèo. Hàng trăm người sống trong cảnh thiếu việc làm trong khi sức người lại chìm đắm trong các tệ nạn, nghiện rượu, nghiện ma túy. Nhiều người đã bỏ đi làm ăn xa, kéo theo cả gia đình bỏ làng bỏ đất.

Thiếu tá Hồ Quốc Phương (Đồn biên phòng Đàm Thủy – H. Trùng Khánh – T. Cao Bằng) cho biết:Mỗi người dân nơi đây được coi là một cột mốc sống. Họ có vai trò rất quan trọng trong việc góp phần đảm bảo an ninh, quản lý, bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới. Do đó, chỉ bằng cách cải thiện đời sống, giúp bà con bớt khổ thì mới nâng cao được ý thức của người dân”.

Chỉ bằng cách cải thiện đời sống, giúp bà con bớt khổ thì mới nâng cao được ý thức của người dân, vì an ninh biên giới.

Chỉ bằng cách cải thiện đời sống, giúp bà con bớt khổ thì mới nâng cao được ý thức của người dân, vì an ninh biên giới.

Làm lại cuộc đời từ điều tử tế

Vào cuối năm 2014, những con bò giống đầu tiên của chương trình Bò giống giúp người nghèo biên giới do Tập đoàn viễn thông Quân đội Viettel triển khai đã được trao cho đồng bào ở Cao Bằng. Ngay trong đợt đầu trao bò, cả xã Chí Viễn có 25 hộ được nhận bò giống đem lại nguồn sinh khí mới cho bà con.

Chuồng bò nhà mẹ con em Mã Thị Lụa, sau 7 năm bị bỏ hoang khi con bò cuối cùng bị bán đi để lấy tiền chạy chữa cho bố và bà nội, thì nay đã lại có bò để nuôi. Từ khi nhận bò về, Lụa thấy nụ cười đã trở lại trên khuôn mặt mẹ. Mảnh đất bỏ hoang ven nhà được mẹ Lụa tận dụng trồng cỏ voi để nuôi bò. Ánh mắt người đàn bà góa chồng đã ánh lên tia hi vọng về cả một tương lai phía trước sau những ngày quẫn bách.

Từ khi chồng mất, tôi chưa bao giờ dám nghĩ mình có cả một con bò cả. Một năm đói ăn 3 tháng thì lấy đâu ra tiền mà dám mơ”, mẹ Lụa nghẹn ngào tâm sự. Bà Lụa mơ về ngày “không phải khổ nữa”.

Còn Lụa, ngoài những giờ lên lớp em cũng có thể giúp mẹ chăn bò, kí ức tuổi thơ của em sẽ không còn những chuỗi ngày chỉ có nỗi buồn vì nghèo khổ, thiếu thốn tình thương của cha, giờ đây, em đã vui vì nhà mình có cơ hội thoát nghèo, vui vì mẹ sẽ cho em tiếp tục đi học.

Cách đấy không xa, trong căn bếp nhà chị Hoàng Thị Bẩy mỗi ngày đều đặn vang lên tiếng băm rau từ sáng sớm thay vì tiếng mắng chửi của kẻ say như trước đây. Kể từ ngày được nhận bò, anh Trúc không còn say sưa rượu chè, mà tập trung quán xuyến việc nhà, chăm bò thật tốt để vợ anh yên tâm đi làm thuê kiếm thêm thu nhập. Tình cảm gia đình Chị Bẩy – Anh Trúc chỉ sau vài tháng nhận bò đã được cải thiện đáng kể, khiến người trong xóm ai cũng mừng thay.

Ngoài con bò giống, mỗi gia đình được tặng thêm 1 chiếc điện thoại để tiện liên lạc với ban chỉ đạo chương trình. Cẩm nang chăn nuôi bò cũng được phát cho từng hộ gia đình. Viettel cùng bộ đội biên phòng cũng  thường xuyên tới thăm hỏi và giải đáp những thắc mắc của người dân. 

Ông Nông Văn Thiêm (Xã Chí Viễn, H Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) hồ hởi nói: Tôi ưng cái bụng lắm. Có các anh bộ đội, tôi cũng yên tâm hơn nhiều.”

Sau mỗi cơn mưa cũng là lúc cây cỏ tươi non nhất, khi ấy, những hộ dân trong thôn Đoỏng, xã Chí Viễn lại cùng nhau dắt bò ra bãi chăn thả. Với những con người này, chương trình bò giống giúp người nghèo biên giới cũng như cơn mưa, làm dịu mát cuộc sống của họ, thắp nên niềm tin về một tương lai thoát nghèo, để bám rễ giữ gìn vùng biên của Tổ quốc./.