19/01/2025 | 02:08 GMT+7, Hà Nội

Giáo sư, bác sĩ nào về dạy ở ĐH Kinh doanh và Công nghệ?

Cập nhật lúc: 29/11/2015, 05:24

Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội công bố danh sách giảng viên cơ hữu của trường trước những băn khoăn, lo lắng của dư luận.

Ngoài vấn đề cơ sở vật chất, dư luận còn tỏ ra rất băn khoăn, lo lắng về đội ngũ giảng viên sẽ đảm nhiệm việc giảng dạy các ngành Y đa khoa và Dược học tại Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội.

Về vấn đề này PGS.TS Vũ Văn Hóa, Phó hiệu trưởng nhà trường khẳng định trên Vietnamnet: “Đội ngũ giảng viên của trường là những GS, PGS đầu ngành, của trường ĐH Y các bác sĩ ở bệnh viện lớn ở Hà Nội”.

Được biết, trong danh sách giảng viên cơ hữu của trường hiện có các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ uy tín như ngành Dược có PGS.TS Lê Văn Truyền, PGS.TS Chu Quốc Cường, TS Lê Ngọc Phan, TS Trần Đức Long….

Ngành Y đa khoa có GS.TSKH Lê Anh Tuấn, GS.TSKH Phạm Vinh Quang, PGS.TS Nguyễn Văn Tường, PGS.TS Nguyễn Văn Thắng…

Cũng theo ông Hóa, trong thời gian chuẩn bị mở ngành trường đã mời TS Nguyễn Quốc Triệu - nguyên Bộ trưởng Y tế tham gia công tác quản lý. Tuy nhiên, do đang làm Trưởng ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương nên TS Triệu đã hẹn với trường sẽ về làm sau khi nghỉ công tác bên Ban Bảo vệ Chăm sóc sức khỏe.

Cụ thể, danh sách giảng viên cơ hữu ngành Dược của trường có 31 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó có 7 trưởng bộ môn là TS, PGS, GS có chuyên ngành về bào chế, phân tích kiểm nghiệm thuốc, dược liệu, tổ chức và quản lý dược, dược lý lâm sàng, hoá dược và vật lý hoá. Theo trình độ thì có 5 TS, PGS, GS; có 18 ThS và DS chuyên khoa I, II; đảm nhiệm giảng dạy 80% khối kiến thức của chương trình đào tạo.

Danh sách giảng viên cơ hữu khoa Dược

Ngành Y đa khoa của trường có 52 giảng viên đúng chuyên ngành, trong đó có 6 trưởng bộ môn là TS, PGS, GS y học cơ sở ngành, nội, ngoại, sản, nhi, y học dự phòng và y tế công cộng. Theo trình độ thì có 33 TS, PGS, GS, ngoài ra là các ThS và BS chuyên khoa I, II; đảm nhiệm giảng dạy 80% khối kiến thức ngành và chuyên ngành...

 

Danh sách giảng viên cơ hữu ngành Y đa khoa

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) cho biết: "Về minh chứng hồ sơ, tất cả số giảng viên đã đủ hồ sơ chuyên môn, trong đó có một số còn thiếu hợp đồng lao động và cam kết chỉ làm việc duy nhất cho trường; nhà trường giải trình đó là những giảng viên sẽ tham gia giảng dạy các năm học sau của chương trình nên sẽ hoàn chỉnh hồ sơ trong thời gian tới, sau khi được mở ngành.

So với quy định chung về điều kiện mở ngành trình độ đại học (có tối thiểu 1 TS và 3 ThS đúng ngành đăng ký, đảm nhiệm giảng dạy 70% chương trình đào tạo) thì Trường đã chuẩn bị đầy đủ, thậm chí hai Bộ GD-ĐT và Bộ Y tế còn yêu cầu ở mức cao hơn so với mức được quy định để phù hợp với chủ trương nâng cao điều kiện chất lượng trong mở ngành đối với khối ngành khoa học sức khoẻ trong thời gian tới. Nếu trường không chuẩn bị đầy đủ điều kiện, hai bộ không thể cho mở ngành".

Trao đổi trên Dân trí, ngày 26/11, ông Nguyễn Minh Lợi - Phó Cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế cho rằng, tại thời điểm đoàn tới thẩm định, trường giới thiệu có 47 cán bộ giảng dạy, (Theo quy định của Bộ Y tế, yêu cầu tối thiểu phải có 50 người trình độ thạc sĩ trở lên mới được mở ngành).

Tuy nhiên, trong 47 cán bộ giảng dạy có tới 30 cán bộ chưa có bản cam kết sẽ tham gia làm giảng viên cơ hữu của trường. Hiện Bộ Y tế chưa nhận được phản hồi của trường và Bộ GD-ĐT về việc đáp ứng những yêu cầu mà đoàn thẩm định đưa ra thì Bộ GD&ĐT đã cấp phép.

Về thông tin trên, ông Hóa - Hiệu phó trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cho hay, hiện nay 47 giảng viên của ngành y này đã thực hiện cam kết với trường và chúng tôi có đầy đủ hồ sơ nếu báo chí muốn xem.

Theo ông Hóa, hiện trường có đủ khả năng đào tạo hai ngành này đối với sinh viên năm thứ nhất và thứ hai, còn những thủ tục cần thiết khác, trường sẽ phải hoàn thiện trong 3 năm tới.

Trường dự kiến, đầu tháng 12 tới, trường sẽ thông báo tuyển sinh hai ngành học mới và tuyển sinh từ năm 2016. Tổ hợp xét tuyển hai ngành này là Toán - Lý - Hoá, Toán - Hoá - Sinh, Toán - Lý - Sinh; thí sinh đạt 20 điểm trở lên và không có môn nào dưới 5 điểm có thể nộp hồ sơ.

Theo TS Nguyễn Trọng Tài - Hiệu trưởng Đại học Y khoa Vinh, Nghệ An trao đổi với Zing News, việc xã hội hóa giáo dục là chủ trương đúng theo xu thế đào tạo hội nhập. Tuy nhiên, xét theo điều kiện thực tế của giáo dục Việt Nam, Bộ GD&ĐT không nên cho phép một số trường mở ngành ​Y, ​Dược.

“Ngành Y rất đặc biệt, nếu đào tạo không đảm bảo chất lượng, ngay lập tức sẽ gây hậu quả. ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội nên làm tốt ngành chính của mình”, TS Tài nêu quan điểm.

Ông Tài cho rằng, Bộ GD&ĐT đưa ra quy định chung về điều kiện mở ngành trình độ đại học là tối thiểu 1 tiến sĩ và 3 thạc sĩ đúng ngành đăng ký, đảm nhiệm giảng dạy 70% chương trình đào tạo. Nếu áp dụng vào ngành Y, tiêu chuẩn này quá thấp và coi thường chất lượng ngành.

Hơn nữa, cán bộ giảng viên của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội chủ yếu là người đã về hưu, nhiều kinh nghiệm, nhưng không đảm bảo sự ràng buộc.

"​Việc mở trường chưa được chuẩn bị kỹ sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến xã hội. Trong khi đó, khâu hậu kiểm chưa có. Nếu tuyển vào 10 sinh viên thì đầu ra cũng phải 9 hoặc 10 người”, TS Tài nhận định./.