19/01/2025 | 07:00 GMT+7, Hà Nội

ĐH Kinh doanh và Công nghệ đào tạo Y, Dược: Kiểm tra chưa đủ giảng viên cơ hữu?

Cập nhật lúc: 28/11/2015, 05:31

Thời điểm kiểm tra của Bộ Y tế, Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vẫn chưa số lượng giảng viên cơ hữu theo quy định. Trong khi đó Bộ GD-ĐT cho biết, một trong những lý do cho phép trường mở ngành y đa khoa, dược học vì trước đó Bộ Y tế đã có công văn ủng hộ.

Việc ngày 19/11, Bộ Giáo dục và Đào tạo ra quyết định cho phép trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo ngành Y đa khoa và Dược học với trình độ đại học, hệ chính quy đang khiến dư luận xôn xao bởi đây là một trường chuyên đào tào kinh doanh, không chuyên về y, dược.

Chưa đủ giảng viên cơ hữu

Ngành y là một ngành đặc thù, ngoài cơ sở vật chất cho các môn khoa học cơ bản, còn phải có cơ sở thực nghiệm và thực tập; đội ngũ giảng viên ngoài việc có năng lực chuyên môn, nghiên cứu khoa học, năng lực quản lý...

Trao đổi trên VTC News, ông Nguyễn Minh Lợi - phó cục trưởng Cục Khoa học, công nghệ và đào tạo Bộ Y tế cho biết ngày 5/10 đã tham gia đoàn thẩm định của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại cơ sở Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội.

Ông Lợi cho biết để được đào tạo y khoa thì đội ngũ giảng viên chuyên ngành cần tối thiểu 50 giảng viên cơ hữu có trình độ từ thạc sỹ trở lên.

“Theo hồ sơ thì trường có 47 người. Trong 47 người này thì họ cũng mời được cả tiến sĩ, phó giáo sư, giáo sư. Tuy nhiên, ngày 5/10/2015, tại thời điểm kiểm tra thì 30 người chưa có cam kết có tham gia làm giảng viên cơ hữu hay không? Chúng tôi cũng đề nghị phải bổ sung”, ông Lợi thông tin.

Tại thời đim kiểm tra chỉ có 17 người cam kết làm giảng viên cơ hữu.

Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra cũng đề nghị nhà trường cần khắc phục một số yêu cầu theo đúng quy định.

“Một số phòng thực hành tại trường phải sắp xếp lại cho hợp lý, đảm bảo có thể liên thông giữa hai ngành. Đề nghị làm rõ giảng viên cơ hữu phải tham gia giảng dạy tại cơ sở thực hành thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu đảm bảo chất lượng”, ông Lợi thông tin.

Ngày 17/11 Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu “trường hoàn thiện theo biên bản mới ủng hộ việc mở ngành”, nhưng hai ngày sau Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có quyết định cho phép trường mở mã ngành đào tạo bác sĩ đa khoa.

Bộ Giáo dục và Đào tạo và Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cũng chưa thông báo tới Bộ Y tế việc trường đã hoàn thiện theo yêu cầu của đoàn thẩm định hay chưa.

“Hai ngày để hoàn thiện thì cũng rất khó khăn”, ông Lợi nói.

Ông Lợi cho biết về nguyên tắc nhà trường phải khắc phục những hạn chế sau khi thẩm định.

Sau khi Bộ Y tế có ý kiến thì Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục đào tạo sẽ có trách nhiệm xem xét xem đã đủ chưa và căn cứ vào việc hoàn thiện hồ sơ của nhà trường thì Bộ Giáo dục và Đào tạo mới có thể ra quyết định được phép hay không trên cơ sở quan điểm của Bộ Y tế.

Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội vừa được cho phép mở hai ngành Y và ​Dược

Nhìn đâu cũng thấy bất ổn

Trước quyết định gây xôn xao này, Zing News đã có những trao đổi với nhiều người có bề dày trong ngành.

"Tôi không đồng ý với quyết định cấp phép mở đào tạo ngành Y, Dược cho Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Thay vào đó, nên giao cho Bộ Y tế có cơ sở đào tạo chính thức", GS Đặng Hanh Đệ - Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam nói.

GS Đệ đặt câu hỏi, tại sao năm ngoái Bộ GD&ĐT có quy định tạm dừng việc xem xét mở ngành đào tạo trình độ đại học các ngành Y đa khoa, ​Răng - ​Hàm - ​Mặt, ​Y học cổ truyền, nhưng năm nay lại nói chuẩn bị đầy đủ thì cho phép? Thực chất, Bộ Y tế đã khẳng định trường chưa đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn.

"​Nếu cứ cho phép mở ngành Y thế này thì sẽ… loạn”, GS Đặng Hanh Đệ thẳng thắn nhận xét.

Theo Chủ tịch sáng lập Hội Phẫu thuật tim mạch và lồng ngực Việt Nam, đào tạo ngành ​Y bắt buộc phải có thí nghiệm, bệnh viện. Trong khi đó, ở các bệnh viện như Việt Đức (Hà Nội), lượng người thực hành sau đại học rất đông, nếu “nhét” thêm sinh viên thì không ổn (đã có quy định cụ thể lượng sinh viên/bệnh nhân).

Liên quan vấn đề này, bà Phạm Khánh Phong Lan​, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM nói, không thể chạy theo trào lưu mà cấp phép đào tạo Y, Dược, và "đã đến lúc phải siết lại chất lượng".

"Hiện nay, các ý kiến chưa thống nhất, nhưng quan điểm riêng của tôi là ủng hộ chất lượng. ​Thời gian tới phải rà soát, sắp xếp lại chứ không thể để tỉnh nào cũng có đại học đào tạo bác sĩ như thế", bà Lan nói.

Nữ Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM đề nghị xem xét lại đối với toàn bộ cơ sở vật chất, đội ngũ nhân lực, công tác thẩm định... của ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội. Nếu không đạt tiêu chuẩn, Bộ GD&ĐT không nên cấp phép mở ngành.

Mỗi bộ nói một kiểu

Tuổi trẻ cho hay, những yêu cầu này, theo ông Lợi, đã được đoàn thẩm định thống nhất trong biên bản ngày 5/10, và ngày 17/11 Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu “trường hoàn thiện theo biên bản mới ủng hộ việc mở ngành”, nhưng hai ngày sau Bộ GD-ĐT đã có quyết định cho phép trường mở mã ngành đào tạo bác sĩ đa khoa.

Bộ GD-ĐT và Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội cũng chưa thông báo tới Bộ Y tế việc trường đã hoàn thiện theo yêu cầu của đoàn thẩm định hay chưa.

Quyết định của Bộ Giáo dục và Đào tạo đồng ý cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội mở ngành Y đa khoa, Dược học

 

Điều đáng nói, trước thực trạng các trường ĐH đa ngành trong và ngoài công lập liên tiếp mở mã ngành đào tạo y dược, trong khi đây là ngành đào tạo đặc thù, có nhiều yêu cầu khắt khe về mặt bằng tuyển sinh (hiện đã có 10 trường gồm ĐH Ban Mê Thuột, ĐH Tân Tạo, ĐH Duy Tân, ĐH Thành Đô, ĐH Trà Vinh... được đào tạo y dược), nên cách đây hai năm Bộ Y tế có công văn đề nghị Bộ GD-ĐT không mở mã ngành đào tạo y dược tại các cơ sở không đủ năng lực, nhất là các cơ sở đào tạo đa ngành không chuyên về y dược.

Tháng 12/2014, Bộ GD-ĐT cũng đã có công văn tạm dừng mở ngành đào tạo y đa khoa, y học cổ truyền, răng hàm mặt trình độ ĐH và ngành dược học trình độ CĐ, ĐH.

Trước thông tin Bộ Y tế cho rằng đã từng khuyến cáo việc mở ngành y đa khoa, dược học tại Trường ĐH Kinh doanh và công nghệ Hà Nội, bà Nguyễn Thị Kim Phụng - quyền vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD-ĐT) - cho biết tháng 10/2015, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ Y tế tổ chức đoàn thẩm định hồ sơ và các điều kiện đảm bảo chất lượng thực tế mở hai ngành đào tạo này của nhà trường.

Đoàn thẩm định ủng hộ nhà trường mở mới hai ngành này sau khi bổ sung đầy đủ các minh chứng và hoàn thiện hồ sơ mở ngành.

Văn bản đề xuất của Bộ Y tế ủng hộ cho ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội được đào tạo Y đa khoa và Dược học

Trong đó, việc bổ sung đội ngũ, cơ sở vật chất trang thiết bị thực hành được đoàn thẩm định yêu cầu “nhà trường thực hiện để đảm bảo theo lộ trình các năm học và khi tăng quy mô đào tạo”.

Theo bà Phụng, như vậy với năng lực đội ngũ, trang thiết bị hiện tại, trường đủ đáp ứng cho những năm đầu mở ngành. Việc bổ sung các điều kiện khác như yêu cầu của đoàn thẩm định sẽ được thực hiện trong những năm tiếp theo. Vì vậy, cùng với công văn ủng hộ của Bộ Y tế ký ngày 17/11, đến ngày 19/11 Bộ GD-ĐT mới ra quyết định cho phép trường mở mới hai ngành này./.