14/04/2025 | 04:19 GMT+7, Hà Nội

Giao dịch trong thương mại điện tử cần được bảo vệ

Cập nhật lúc: 08/04/2025, 11:57

Trong xu thế tiêu dùng hiện nay, TMĐT là một hình thức rất được NTD ưa chuộng. Cùng với đó là những rủi ro trong quá trình giao dịch cần có những chế tài và các cơ quan, tổ chức bảo vệ quyền lợi cho NTD.

Thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng ấn tượng ở mức 18 - 25% mỗi năm, theo thông tin từ Cục Thương mại điện tử và kinh tế số (Bộ Công Thương) công bố. Năm 2024, quy mô thị trường đạt trên 25 tỷ USD, tăng 20% so với năm 2023, chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả nước.

Có thể cho thấy người tiêu dùng ngày càng ưa chuộng các phương thức mua sắm trực tuyến, do những ưu điểm vượt trội như sự tiện lợi, nhanh chóng, đa dạng sản phẩm. Giá cả cạnh tranh hơn do người kinh doanh áp dụng hình thức thương mại điện tử giảm bớt các chi phí thuê mặt bằng, nhân viên mà còn dễ dàng tiếp cận với khách hàng.

Các vi phạm trong lĩnh vực này cũng rất phức tạp và không ngừng gia tăng. Theo Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, chỉ tính riêng 9 tháng năm 2024, cơ quan này đã tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại liên quan tới thương mại điện tử với 64 vụ, chiếm 9,4% tổng số vụ.

Giao dịch trong thương mại điện tử cần được bảo vệ

Còn theo số liệu của Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công Thương, trong năm 2024, riêng lĩnh vực thương mại điện tử, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra, xử lý trên 3.400 vụ, trong đó riêng lĩnh vực hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ xử lý 1.256 vụ, xử phạt vi phạm hành chính khoảng 1,9 triệu USD, trị giá hàng hóa tịch thu, xử lý khoảng gần 2 triệu USD…

Trên thực tế, quy định pháp luật liên quan bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nói chung, trong lĩnh vực thương mại điện tử nói riêng, đã không ngừng được hoàn thiện. Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2023 chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1.7.2024 đã đánh dấu việc hoàn thiện khung pháp lý bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Riêng với bảo vệ người tiêu dùng trên không gian mạng, Luật có một số điểm mới quan trọng, như: quy định chi tiết nghĩa vụ của từng chủ thể, như với sàn thương mại điện tử hoặc chủ của nền tảng số trung gian phải công khai đầu mối để xử lý khiếu nại của người tiêu dùng; minh bạch thông tin về sản phẩm; công khai danh tính của người bán hàng. Về phía người tiêu dùng được bảo vệ thông tin cá nhân, bao gồm cả lịch sử giao dịch… Luật cũng đưa ra giải pháp giải quyết tranh chấp trên nền tảng số với 4 hình thức là thương lượng, hòa giải, trọng tài, tòa án…

Phó Chủ tịch Ủy ban Cạnh tranh quốc gia, bà Nguyễn Quỳnh Anh cho biết, để bảo đảm quyền lợi người tiêu dùng trong thương mại điện tử là thách thức rất lớn. Khi thương mại điện tử càng phát triển, giao dịch càng nhiều thì vi phạm cũng càng nhiều, người tiêu dùng càng trông đợi rất nhiều vào cơ quan quản lý nhà nước. Thách thức lớn nhất của cơ quan quản lý là làm sao nghe được tiếng nói của người tiêu dùng, những khó khăn, trải nghiệm của họ, để giải quyết phần nào vướng mắc của họ trong giao dịch điện tử. Thêm vào đó, mô hình kinh doanh trên nền tảng số rất phức tạp, "thiên biến vạn hóa", nên việc xác định các vi phạm là rất khó khăn. Việc bảo vệ thông tin người tiêu dùng cũng rất thách thức…

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ban chấp hành Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam Vũ Văn Trung cho rằng, trong lĩnh vực thương mại điện tử, người tiêu dùng luôn ở thế yếu vì thiếu thông tin, thiếu kiến thức. Do đó, để làm tốt công tác bảo vệ người tiêu dùng ở lĩnh vực này trong thời gian tới, cần đẩy mạnh tuyên truyền, cảnh báo về các hành vi vi phạm. Về phía người tiêu dùng, "hãy mạnh dạn lên tiếng để tự bảo vệ quyền lợi của mình, từ đó cơ quan quản lý, các hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ vào cuộc", ông Trung đề xuất.

Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO) là tổ chức xã hội của công dân, tổ chức Việt Nam hoạt động trong lĩnh vực liên quan đến bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, tự nguyện thành lập, nhằm mục đích tập hợp, đoàn kết hội viên, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của hội viên; hỗ trợ nhau hoạt động có hiệu quả, tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định của pháp luật, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.


Nguồn: https://reatimes.vn/giao-dich-trong-thuong-mai-dien-tu-can-duoc-bao-ve-202250411112409032.htm