Tổ chức nào bảo vệ người tiêu dùng trước ‘ma trận’ KOL, KOC?
Cập nhật lúc: 09/04/2025, 11:43
Cập nhật lúc: 09/04/2025, 11:43
Trước sự bùng nổ của KOL (Key Opinion Leader) và KOC (Key Opinion Consumer) trong quảng cáo, người tiêu dùng Việt Nam ngày càng đối mặt với nguy cơ bị nhiễu loạn thông tin, thậm chí bị dẫn dắt bởi những nội dung sai lệch. Khi "cơn lốc" truyền thông này cuốn người tiêu dùng vào vòng xoáy mua sắm vô tội vạ, ai sẽ là "lá chắn" bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ?
Chắc hẳn chúng ta chưa quên được một thông tin khiến dư luận quan tâm đặc biệt là vụ việc Cơ quan CSĐT đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và đang mở rộng cuộc điều tra liên quan đến sản phẩm kẹo rau củ Kera mà Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục...quảng cáo.
Trước đó, Quang Linh Vlogs, Hằng Du Mục và Hoa hậu Thùy Tiên vướng lùm xùm quảng cáo sai sự thật về kẹo rau củ Kera. Trên các nền tảng mạng xã hội, họ giới thiệu sản phẩm này có thể thay thế rau xanh trong bữa ăn hàng ngày. Tuy nhiên, sau khi kiểm tra, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) xác định kẹo Kera chỉ là thực phẩm bổ sung, không có tác dụng như quảng cáo.
Quang Linh Vlogs, Hằng Du mục và Hoa hậu Thùy Tiên quảng cáo sai sự thật trong các phiên livestream bán sản phẩm kẹo rau củ Kera.
Ngay sau đó, Công ty Cổ phần Tập đoàn Chị Em Rọt - đơn vị công bố kẹo rau củ Kera sau đó đã bị Sở An toàn thực phẩm TP HCM xử phạt 125 triệu đồng, yêu cầu thu hồi hàng hóa, nộp lại tiền đã thu từ bán sản phẩm vi phạm và phải ghi nhãn đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông.
Quang Linh Vlog và Hằng Du Mục phải xin lỗi người tiêu dùng vì quảng cáo không đúng về kẹo rau củ Kera. Đây là hai tên tuổi nổi tiếng trên mạng xã hội và thường livestream bán hàng đạt doanh thu lớn. Cả hai bị cơ quan chức năng phạt 140 triệu đồng.
Và mới đây nhất, ngày 11/4, nhiều cơ quan báo chí đã đăng tải thông tin Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Quảng Nam đã khởi tố bị can, bắt tạm giam Mai Văn Dưỡng (SN 1986, trú tại thị trấn Trà My, huyện Bắc Trà My, tỉnh Quảng Nam), chủ kênh TikToker Dưỡng Dướng Dường. Mai Văn Dưỡng bị bắt tạm giam để điều tra về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 331 Bộ luật Hình sự.
TikToker Dưỡng Dướng Dường nổi tiếng trong lĩnh vực phong thủy tại Việt Nam, từng 2 lần bị xử phạt hành chính vì kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc và chia sẻ thông tin sai sự thật.
Những trường hợp tương tự không còn hiếm, khi KOL, KOC - những gương mặt có sức ảnh hưởng lớn trên mạng xã hội - ngày càng trở thành công cụ đắc lực cho các nhãn hàng, bất chấp sản phẩm có thực sự tốt hay không. Thực tế, nhiều quảng cáo dạng này không khác gì một hình thức tiếp thị trá hình, đánh lừa người tiêu dùng. Trước tình trạng đó, cần có những tổ chức chính danh vào cuộc để bảo vệ quyền lợi khách hàng, ngăn chặn tình trạng "treo đầu dê, bán thịt chó" trên thị trường.
Hiện nay, tại Việt Nam, có hai tổ chức chính đứng ra bảo vệ người tiêu dùng trước những chiêu trò quảng cáo từ KOL, KOC:
Thứ nhất là Cục Cạnh tranh và Bảo vệ Người tiêu dùng (VCCA) - Bộ Công Thương. Là cơ quan quản lý nhà nước trực thuộc Bộ Công Thương, VCCA có vai trò giám sát các hoạt động thương mại, xử lý vi phạm về quảng cáo và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng. Khi người tiêu dùng phát hiện nội dung quảng cáo sai lệch từ KOL, KOC hoặc gặp phải sản phẩm không đúng như cam kết, họ có thể gửi đơn khiếu nại đến VCCA để được xem xét và giải quyết.
Cục này cũng có quyền xử phạt các doanh nghiệp và cá nhân vi phạm quy định về quảng cáo, góp phần lập lại trật tự trong môi trường truyền thông thương mại. Ngoài ra, VCCA thường xuyên phối hợp với các cơ quan báo chí để cảnh báo người tiêu dùng về các chiêu trò tiếp thị tinh vi.
Thứ hai là Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam (VICOPRO), tập trung vào các hoạt động như: Tiếp nhận khiếu nại và hỗ trợ người tiêu dùng xử lý tranh chấp với doanh nghiệp. Tham gia xây dựng chính sách, đề xuất các giải pháp nhằm tăng cường kiểm soát quảng cáo trên mạng xã hội. Hợp tác với các cơ quan chức năng, kiểm tra, giám sát các chiến dịch quảng cáo có dấu hiệu vi phạm.
VICOPRO đặc biệt chú trọng đến các ngành hàng dễ bị ảnh hưởng bởi quảng cáo sai sự thật, như thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, thiết bị gia dụng, giúp khách hàng có kênh bảo vệ quyền lợi mạnh mẽ hơn.
Trong kỷ nguyên số, khi niềm tin có thể bị thao túng chỉ bằng một video hay vài dòng review trên mạng, dù có các tổ chức bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng bản thân khách hàng cũng cần chủ động trang bị kiến thức để tránh bị dẫn dắt bởi những lời quảng cáo "có cánh" trên mạng xã hội.
Ông Vũ Văn Trung - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Người tiêu dùng Việt Nam cho biết: "Một số nguyên tắc quan trọng mà người tiêu dùng cần biết và nhớ rõ để tránh bị dẫn dắt hay tin vào những lời quảng cáo, bao gồm: Không vội tin vào review của KOL, KOC, đặc biệt là những lời khen quá mức về sản phẩm/dịch vụ. Kiểm tra kỹ thông tin, ưu tiên mua hàng từ các thương hiệu uy tín, có giấy phép rõ ràng. Tìm hiểu phản hồi từ những nguồn độc lập, tránh bị ảnh hưởng bởi hiệu ứng số đông trên mạng xã hội. Nếu phát hiện vi phạm, mạnh dạn khiếu nại đến các tổ chức như VCCA, VICOPRO để được bảo vệ".
Nguồn: https://reatimes.vn/to-chuc-nao-bao-ve-nguoi-tieu-dung-truoc-ma-tran-kol-koc-202250411111738372.htm
11:13, 08/04/2025
11:32, 07/03/2025
15:26, 06/03/2025