19/01/2025 | 02:17 GMT+7, Hà Nội

Giảm 50% lệ phí trước bạ với ô tô nội sắp trở thành hiện thực?

Cập nhật lúc: 24/04/2020, 09:56

Nếu lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất và lắp ráp trong nước được giảm 50%, đây chắc chắn sẽ là “liều doping” lớn chưa từng có cho người tiêu dùng xe hơi và các doanh nghiệp xe nội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) vừa xây dựng Dự thảo Nghị Quyết của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch Covid-19 trình Chính phủ thông qua.

Trong Dự thảo có nêu rõ hai nhiệm vụ và giải pháp là "giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước tới hết năm 2020 nhằm kích thích tiêu dùng trong nước" và xây dựng "các chính sách ưu đãi về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành ô tô nội".

Hiện tại, mức lệ phí trước bạ đăng ký xe con dưới 9 chỗ ngồi tại hầu hết các tỉnh, thành ở Việt Nam là 10% và cao nhất ở một số nơi như Hà Nội lên tới 12%.

Nếu được đồng ý giảm thuế phí, ô tô Việt sẽ rẻ chưa từng có

Trước đó, Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) và Bộ Công Thương cũng đã có các đề xuất tương tự trình lên Chính phủ.

Việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước được kỳ vọng sẽ giảm giá mua ôtô khi đến tay người tiêu dùng và kích cầu tiêu thụ các sản phẩm nội địa trong bối cảnh dịch COVID-19 bùng phát gây ra những khó khăn cho các doanh nghiệp, mà nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu mua sắm giảm và thiếu hụt linh kiện nhập khẩu.

Trường hợp, Chính phủ thông qua Dự thảo Nghị quyết nói trên, phí trước bạ sẽ thay đổi chủ yếu đối với xe ô tô con dưới 9 chỗ ngồi. Cụ thể, người dân mua xe chỉ phải đóng 5% phí trước bạ thay vì 10% (người có hộ khẩu Hà Nội là 6%); người mua xe cũ sẽ không được xem xét điều chỉnh.

Trong khi đó, việc giảm thuế, ưu đãi thuế tiêu thụ đặc biệt lại đang được chờ đợi hơn cả. Nếu Chính phủ thông qua Nghị quyết cần có lộ trình để trình Quốc hội sửa đổi Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt; Bộ Tài chính xây dựng Dự thảo Nghị định, ban hành Thông tư để hướng dẫn thực hiện. Nếu nhanh nhất, cuối quý 2 hoặc sang đến quý 3/2020, chính sách này mới có thể được áp dụng vào thực tiễn.

Thị trường ôtô Việt Nam hiện cũng có hàng loạt mẫu xe ăn khách đang được lắp ráp trong nước như: Vios, Innova, Fortuner của Toyota; Hyundai; Kia và Mazda; một số dòng xe Mercedes-Benz... và toàn bộ sản phẩm VinFast.

Nhiều mẫu xe trong đó sở hữu mức giá lên tới hàng tỷ đồng như phiên bản cao cấp nhất của VinFast Lux SA2.0 đang có giá tính lệ phí trước bạ 1,8589 tỷ đồng, do đó khách hàng có thể giảm được giá lăn bánh tới 111,534 triệu đồng (đăng ký tại Hà Nội). Còn đối với mẫu xe đang bán chạy nhất tại thị trường Việt Nam - Toyota Vios, phiên bản G cao cấp nhất có giá 570 triệu đồng, người mua có thể được giảm tới 34,2 triệu đồng (Hà Nội).

Mặc dù có những kỳ vọng rất lớn, song việc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe trong nước hoặc phần giá trị gia tăng cho linh kiện sản xuất trong nước là việc không hề đơn giản.