18/01/2025 | 12:10 GMT+7, Hà Nội

Giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng tín dụng đen

Cập nhật lúc: 11/03/2019, 21:40

Mới đây, một hội nghị do Ngân hàng Nhà nước tổ chức tại Gia Lai đã đưa ra một số giải pháp hữu hiệu để hạn chế tình trạng tín dụng đen.

"Vòi bạch tuộc" tín dụng đen đang vươn dài

Len lỏi từ thành thị tới nông thôn, từ miền xuôi lên miền ngược, "vòi bạch tuộc" tín dụng đen đang vươn dài, gây ra nhiều hệ lụy đau lòng cho người dân và xã hội.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng đen hay còn gọi là cho vay nặng lãi được hiểu là các tổ chức, cá nhân có hoạt động cho vay không được cấp phép của Ngân hàng Nhà nước với lãi suất rất cao so với quy định.

Tờ rơi quảng cáo cho vay vốn

Những tờ rơi quảng cáo cho vay vốn như thế này chính là "cạm bẫy" tín dụng đen.

Tín dụng đen đã tiếp cận người dân bằng việc dán các tờ rơi ở cột điện, tường rào khu dân cư... và qua mô hình các công ty cho vay ngang hàng, 

Theo cơ quan công an, tín dụng đen có 2 biểu hiện chính là lãi suất cắt cổ, gắn với hoạt động của các băng nhóm tội phạm và vi phạm pháp luật.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc sơ kết 6 tháng đầu năm, Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống tội phạm của Chính phủ vào tháng 7/2018, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết: "Tín dụng đen đi liền với tội phạm hình sự. Hầu hết các cơ sở cho vay tín dụng đen đều là cho vay mượn, thế chấp nhà cửa đất đai, tài sản. Nhiều vụ mở những giấy cam kết ra thấy như đi cướp ngày". 

Phân tích về hệ lụy của tín dụng đen, luật sư Phạm Văn Thạnh, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết, các đối tượng cho vay nặng lãi cho vay rất nhanh gọn do chúng có nhiều thủ đoạn đòi nợ mang tính chất xã hội đen cũng như nhiều chiêu trò khiến con nợ phải trả mức lãi cắt cổ.

Cũng theo ông Thạnh, ông từng tiếp xúc với nhiều trường hợp khi cho vay, đặc biệt những khoản giá trị lớn, họ ép con nợ ký giấy bán nhà. Đến hạn nếu người vay không có tiền trả thì họ tự sang tên đổi chủ. Một trường hợp điển hình ở quận Bình Thạnh, người vay dù vẫn ở trong nhà của mình nhưng giấy tờ đã bị sang tên đổi chủ 4 lần và người mua cuối cùng đang kiện ra tòa để đòi nhà.

Ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế - Ngân hàng Nhà nước cho rằng, nguyên nhân khiến tín dụng đen phát triển là do các quy định pháp luật hình sự, hành chính và dân sự về xử phạt hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động tín dụng đen chưa cụ thể, rõ ràng và nghiêm khắc.

Không những vậy, tín dụng đen là hoạt động ngầm nên việc quản lý và nắm bắt thông tin gặp nhiều khó khăn, nhiều vụ việc bị phát hiện chỉ khi đổ bể.

Ngoài ra, đối tượng vay tín dụng đen thường là những người làm nghề tự do, không có tài sản thế chấp, có nhu cầu cấp bách về chi tiêu nhưng vay vốn chưa hợp lý như vay không dùng vào mục đích sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng chính đáng, không chứng minh được mục đích sử dụng vốn hợp pháp...

Bên cạnh đó, không ít người ở nông thôn, vùng xa ít giao tiếp, ngại tiếp xúc với nhân viên ngân hàng nên bị các đối tượng cho vay nặng lãi lợi dụng để cho vay với lãi suất "cắt cổ" nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng cho rằng, tình trạng tín dụng đen gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, hình thành một lực lượng đòi nợ thuê bất hợp pháp, hành vi đòi nợ thuê theo kiểu xã hội đen, nhiều trường hợp vay tín dụng đen dẫn đến vỡ nợ phải mất nhà, mất tài sản, làm đảo lộn cuộc sống, sinh hoạt, cơ hội làm ăn của nhiều người.

Cần tạo điều kiện cho người dân vay vốn thuận lợi

Trong nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2019, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương có biện pháp hạn chế tín dụng đen.

Các chuyên gia đều chung quan điểm, một trong các giải pháp hiệu quả nhất để đẩy lùi tín dụng đen là phải để người dân tiếp cận các hình thức vay tiêu dùng hợp pháp.

Vì vậy, Nhà nước cần tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để mở rộng và phát triển hoạt động tín dụng tiêu dùng.

TS Lê Xuân Nghĩa - nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, cần phải dẹp bỏ tín dụng đen bằng cách cấp phép, tạo điều kiện cho các công ty tài chính hoạt động minh bạch nhưng chịu sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan khác.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV nhận định: "Tín dụng tiêu dùng tại Việt Nam hiện nay có nhiều "room" để phát triển. Quy mô hiện tại mới chỉ chiếm 18% dư nợ nền kinh tế, trong khi các nước trong khu vực lớn hơn. Tuy nhiên, nếu phát triển "nóng" cũng cần phải kiểm soát. Đây là điều tất yếu để hạn chế các hệ lụy đi kèm.

Cần phải phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và các công ty tài chính, công ty công nghệ để tạo ra một hệ sinh thái giúp người dân vay vốn thuận lợi hơn".

Cũng theo ông Lực, cần xây dựng một khuôn khổ pháp lý quy định về hoạt động cho vay tiêu dùng, bảo đảm sự hài hòa giữa các chức năng bảo vệ người tiêu dùng và điều tiết các công ty tài chính theo thông lệ quốc tế, phù hợp với thực tế Việt Nam.

Khi hành lang pháp lý về các công ty tài chính được hoàn thiện, sẽ có thêm nhiều đơn vị tham gia cung ứng dịch vụ này.

Sự cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty thông qua việc gia tăng quyền lợi để thu hút khách hàng sẽ gián tiếp khiến lãi suất vay tiêu dùng "dễ thở" hơn, giúp nhiều người dân dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính chất lượng cao.

Tuy nhiên, chế tài xử lý hoạt động tín dụng đen là rất cần thiết nhưng chỉ là phần ngọn của vấn đề. Điều cốt yếu là làm thế nào để tuyên truyền cho người dân nhận thức được thảm cảnh rình rập từ tín dụng đen.

Vì vậy, ông Lực cho rằng, để giải quyết tình trạng tín dụng đen đang hoành hành thì việc giáo dục tài chính cần được đầu tư và xem là một trong những trụ cột chính.