16/04/2024 | 20:04 GMT+7, Hà Nội

Giải pháp bình ổn trước áp lực tăng giá sau Tết

Cập nhật lúc: 12/02/2022, 06:18

Trước Tết Nhâm Dần, tình hình giá cả của thị trường trong nước bình ổn, không có dấu hiệu khan hàng, sốt giá. Tuy nhiên, sau Tết có nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá, nhiều mặt hàng sẽ tăng giá.

Áp lực tăng giá sau Tết

Theo nhận định của Bộ Tài chính và nhiều chuyên gia kinh tế, những yếu tố gây áp lực tăng giá chủ yếu là giá gas, giá xăng dầu do tác động mạnh từ thị trường thế giới. Hiện nay, giá các mặt hàng xăng dầu và khí hóa lỏng (LPG) đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới.

Trong kỳ điều hành ngày 11/2/2022, giá xăng dầu dự báo sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất.

Sau Tết, áp lực tăng giá ảnh hưởng đến thị trường.
Sau Tết, áp lực tăng giá ảnh hưởng đến thị trường.

Ngoài ra, do nền kinh tế nước ta phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu nên sẽ phải đối mặt với nguy cơ nhập khẩu lạm phát trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, rủi ro về tỷ giá khi các quốc gia đối tác thương mại chính quay trở lại chính sách tiền tệ thắt chặt.

Cùng với đó là áp lực từ việc thực hiện lộ trình giá thị trường một số mặt hàng Nhà nước quản lý đã bị lùi thực hiện trong thời gian qua.

Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả. Mặt khác, chuỗi cung ứng đứt gãy trong đại dịch cùng với lao động thiếu hụt cũng đẩy áp lực lên chi phí sản xuất.

Ở chiều ngược lại, áp lực tăng giá cũng giảm bớt khi có nhiều nhân tố kiềm chế đà tăng. Đó là việc nguồn cung hàng hóa không còn bị gián đoạn, các doanh nghiệp, siêu thị đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng của người dân. Ngoài ra, thực hiện chủ trương chung phòng chống dịch COVID-19, các địa phương cũng hạn chế tổ chức các hoạt động lễ hội vui chơi ngày Tết và các lễ hội đầu năm, do đó, các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, vui chơi, đi lại sẽ không có diễn biến bất thường về giá.

Bên cạnh đó, từ ngày 1/2/2022, thuế giá trị gia tăng của nhiều hàng hóa, dịch vụ giảm từ mức 10% xuống còn 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội, từ đó cũng góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá.

Giá các dịch vụ viễn thông, bưu chính cơ bản cũng giữ giá ổn định, hoặc triển khai chương trình giảm giá cho một số khách hàng.

Bên cạnh đó, “kinh nghiệm và sự kiên định trong chủ trương ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát của Quốc hội, Chính phủ trong những năm qua và thời gian tới giúp củng cố niềm tin của doanh nghiệp và người dân vào môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, từ đó ổn định kỳ vọng lạm phát”, Bộ Tài chính đánh giá.

7 giải pháp bình ổn giá của Bộ Tài chính

Để bảo đảm kiểm soát tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm ở mức khoảng 4% theo mục tiêu Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính đã đề xuất một số giải pháp tăng cường quản lý, điều hành nhằm bình ổn giá cả thị trường sau Tết Nguyên đán.

Thứ nhất, tiếp tục điều hành chính sách tài khóa chủ động, chặt chẽ, phối hợp với chính sách tiền tệ linh hoạt, để tạo sự hài hòa, hiệu quả, hợp lý với các chính sách kinh tế vĩ mô chung; qua đó, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và đời sống của người dân, tạo cơ sở cho việc kiểm soát lạm phát chung.

Thứ hai, theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới, tình hình lạm phát chung, diễn biến giá cả các mặt hàng nhiên liệu và vật tư chiến lược để kịp thời ứng phó trong điều hành sản xuất, cân đối cung cầu và xuất, nhập khẩu, tạo điều kiện cho công tác quản lý, điều hành giá nhằm kiểm soát lạm phát trong nước ngay từ những tháng đầu năm 2022.

Thứ ba, trước xu hướng tăng giá các mặt hàng nguyên nhiên vật liệu, năng lượng sau Tết, Bộ Tài chính đề nghị Bộ Công Thương chủ động nắm bắt diễn biến giá xăng, dầu thế giới, phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính để tính toán mức sử dụng, trích lập quỹ bình ổn giá phù hợp trong kỳ điều hành ngày 11-2 nhằm hạn chế tác động mạnh đến thị trường trong nước.

Thứ tư, giám sát, thực hiện kê khai giá, niêm yết giá; công khai thông tin về giá. Cùng với đó đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý giá, thuế, phí, lệ phí trên địa bàn, nhất là đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu như vận tải, nông sản thực phẩm, trông giữ xe...; xử lý nghiêm trường hợp vi phạm, lợi dụng dịp lễ, Tết để tăng giá bất hợp lý, trường hợp đưa tin thất thiệt gây bất ổn thị trường, giá cả...

Thứ năm, đối với giá một số mặt hàng thuộc danh mục Nhà nước định giá, tiếp tục điều hành thận trọng, để bảo đảm dư địa điều hành CPI cả năm. Trên cơ sở các kịch bản cụ thể đã xây dựng đầu năm, các bộ quản lý ngành, lĩnh vực chủ động phối hợp với Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê rà soát, tính toán phương án điều chỉnh, đánh giá tác động đối với kinh tế - xã hội, mặt bằng giá, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để chủ động điều hành khi có dư địa.

Thứ sáu, kiểm soát chặt chẽ mức giá và các chi phí nhập, chi phí xuất cấp, chi phí bảo quản hàng dự trữ quốc gia thuộc phạm vi quản lý trực tiếp; đề xuất và chỉ đạo kịp thời việc xuất cấp hàng dự trữ quốc gia đối với các địa phương bị thiên tai, bão lũ, dịch bệnh...

Cuối cùng, tiếp tục chú trọng thông tin, tuyên truyền về điều hành giá, nhất là các mặt hàng Nhà nước còn định giá, mặt hàng nhạy cảm đến người dân, công khai, minh bạch thông tin về giá để kiểm soát lạm phát kỳ vọng; hạn chế những thông tin thất thiệt gây hoang mang cho người tiêu dùng và gây bất ổn thị trường.

Nguồn: https://congly.vn/giai-phap-binh-on-truoc-ap-luc-tang-gia-sau-tet-203424.html